04/02/2019 15:35 GMT+7

Ngày Tết lo... an ninh đường ruột

Bác sĩ TỊT TUỐT
Bác sĩ TỊT TUỐT

TTO - Tết lại về, và sẽ có không ít người thấp thỏm lo cho bụng dạ của mình trước thử thách “thịt mỡ dưa hành”.

Ngày Tết lo... an ninh đường ruột - Ảnh 1.

Nếu không chuẩn bị trước cho cái bụng, Tết sẽ là màn rượt đuổi thảm sầu của Tào Mạnh Đức với ai đó… nhẹ dạ! 

Đa Đoan khó lường 

Trước hết, cần nhận mặt “cơ chế bệnh sinh”, khiến mỹ vị ngày Tết lại đa đoan khó lường. Không khí nóng ẩm là thiên đường của vi khuẩn sinh hư ôi. 

Kế là cú sốc hàm lượng mặn, ngọt, chua, béo khiến hệ tiêu hóa quen thanh đạm ngày thường bối rối sinh loạn. Rồi sự thất thường của giờ giấc ăn uống làm dạ dày - mắt xích nhạy cảm nhất - chịu không thấu. Còn những ai sẵn ân oán với tiểu đường, cao huyết áp, mỡ máu, thống phong thì khỏi bàn! 

Món ngon ngày xuân còn hại bụng ở khâu bảo quản, cất trữ. Chiếc tủ lạnh chật ních, bảo đảm an ninh lương thực mấy ngày Tết là đầu têu nhất hạng; sau đến là màn hâm đi hâm lại, tiêu biểu với nồi thịt kho Tàu “trường kỳ kháng chiến”; hay đòn bánh tét, giò chả lai rai hết mùng... 

Kế sách “ăn” tết vẹn toàn! 

Chung quy thì túi gấm an ninh đường ruột chỉ cần vài gạch đầu dòng cơ bản: - Đầu tiên là vụ tích cốc phòng cơ. Đồ tươi kiểu gì cũng ngon và lành hơn mấy thứ co ro trong tủ lạnh, nên đừng ham chất đầy tủ đủ thứ, bởi mùng 2 là chợ làng chợ phố đã tấp nập. 

Xếp sắp kho lạnh cũng là nghệ thuật. Cơ bản là đồ chín, đồ sống để riêng, tránh nhiễm chéo. Bánh tét, bánh chưng, giò chả ăn đến đâu cắt đến đó, đừng quên luộc, hấp lại... 

- Rã đông cũng cần tay nghề. Thông thường cần rã khoảng 4 giờ, sốt ruột thì cho vào túi nilông ngâm nước lạnh khoảng 1 giờ. Dưa hành, kiệu nên dùng đũa sạch gắp vừa đủ xài mỗi bữa, rửa qua bằng nước nguội hoặc nước muối pha loãng để bớt độ chua nếu cần... 

- Ăn chín uống sôi, thủ thêm ít chiêu riêng. Thức ăn đã chế biến nên ăn ngay, không để quá 2 giờ. Đồ ăn thừa hâm lại, để nguội, bỏ vào ngăn mát. Cho ngay thức ăn nóng vào tủ lạnh khiến hơi nước ngưng đọng, mở đường vi khuẩn gây độc. Rau đã chế biến nên dứt điểm ngay trong bữa, hạn chế trữ lạnh...

- Tránh xa màu mè phiền phức. Ngày Tết tràn cung mây bánh mứt, hạt dưa xanh đỏ, mang đến mối nguy màu thực phẩm cho đường ruột. Giang hồ hiểm ác, nên ưu tiên chất màu tự nhiên như dầu điều, gấc, nghệ, lá dứa, lá cẩm...

Ngày Tết lo... an ninh đường ruột - Ảnh 2.

Mấy chiêu “dằn” bụng

Đêm hôm Tết nhất, bệnh viện, phòng khám đóng cửa, nên thủ cho mình vài chiêu sơ cứu là ý không thừa. 

- Ngộ độc thức ăn: Cần tìm cách gây nôn (ngoáy họng bằng ngón tay hay dùng muỗng nhỏ, tăm bông kích thích gốc lưỡi). Nôn đầu thấp phòng sặc. Pha một gói Oresol với nước hoặc dùng nước muối đường để bù nước, giúp trung hòa chất độc. Nặng phải đưa đến cơ sở y tế.

- Chữa tiêu chảy chủ yếu là bù thất thoát bằng nước lọc, nước ép trái cây, trà pha đường hay Oresol. Sữa chua (acid lactic) rất hợp trợ lực đường ruột đang xính vính sau tiêu chảy.

- Ngộ độc rượu cũng có thể xếp vào nhóm an nguy đường ruột, nhất là khi chồng lấn với ngộ độc mồi nhậu. Sơ cứu mấy ông thái tử Ngọc Hoàng như sau: cho nằm đầu cao hoặc nghiêng để thoát đờm dãi, gây nôn, xát mạnh hai má. 

Ủ ấm, ăn cháo loãng (tránh hạ đường huyết), uống nước ấm (tránh mất nước, pha loãng và nhanh thải rượu) hoặc nước gừng, chè xanh, sữa nóng, cam vắt, nước chanh, nước cà chua, nước ép bưởi... 

 “Bảo bối” phòng thân 

 Mỗi nhà nên thủ tủ thuốc ngày Tết, phòng khi hữu sự, dập liền! Ngoài các thuốc “trái gió trở trời” (cảm ho, dị ứng, bông băng, thuốc đỏ) thì đừng quên dành cơ số kha khá cho an ninh đường ruột. Như vài gói Oresol (bù nước cho tiêu chảy, nôn ói), Loperamid (cầm “rượt”), Maalox (dạ dày), Domperidon (khó tiêu, buồn nôn); Lactomin, Enterogemina (men tiêu hóa)...

“Đại phu” trên kệ bếp

Ngày Tết không quá khó tìm “đại phu” ngay trên kệ bếp. Đầu bảng là mấy lát gừng, sếp sòng chữa đầy bụng, khó tiêu, cảm mạo ai cũng biết. Nhai sống, pha mật ong, hay đối ẩm bằng trà gừng đều nên thuốc cả. 

Vài tên tuổi khác như bạc hà, húng quế, tía tô, cần tây cũng mát tay không kém. Cam, quýt, tắc, bưởi đầy trên bàn thờ gia tiên cũng là hộ thần đường ruột thượng thừa. Một ly nước ấm vắt nửa trái chanh tươi, thêm ít muối trị đầy hơi, chướng bụng là trúng phóc. 

Nghệ cũng thuộc hàng tai to mặt lớn, dùng tươi hay pha nước sôi cùng mật ong đều phê cả! Chuối, táo giàu khoáng chất, còn giúp giảm tiêu chảy điệu nghệ.

Phát hiện sinh vật tuần hoàn máu qua đường ruột

TTO - Trước giờ chúng ta vẫn được học rằng hệ tuần hoàn đảm nhiệm vai trò vận chuyển máu trong khi hệ tiêu hóa vận chuyển thức ăn. Tuy nhiên, phát hiện mới đây cho thấy có loài không tuân theo 'quy trình' đó.

Bác sĩ TỊT TUỐT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên