Thậm chí, Yevgeny Prigozhin còn "lớn mật" đến nỗi dám có những tuyên bố được coi là chống lại lệnh của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Điều gì đã khiến cho một đồng minh thân cận trong nhiều năm của Tổng thống Putin trở nên "cứng đầu" và liều lĩnh đến vậy? Liệu ngày tàn của Prigozhin đã đến gần hay ông Putin tiếp tục làm ngơ những chiêu trò của ông trùm Wagner như một cách để tạo một thế lực đối trọng với các tướng lĩnh quân đội Nga?
Ông trùm Wagner tự gây khó vì vạ miệng?
Tập đoàn lính đánh thuê Wagner đã được Prigozhin thành lập vào năm 2014 và một trong những nhiệm vụ đầu tiên của công ty quân sự tư nhân này là giúp cho lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn kiểm soát và sau đó sáp nhập bán đảo Crimea.
Sau đó Wagner lại tiếp tục hỗ trợ lực lượng ly khai thân Nga tại Donbass.
Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Wagner không phải là một công ty quân sự tư nhân đơn thuần mà là một hệ thống chuyên cung cấp từ dịch vụ hỗ trợ an ninh, cố vấn quân sự cho đến lính đánh thuê.
Wagner hiện đang hoạt động tại 30 quốc gia và có hai trung tâm huấn luyện tại Nga. Và cũng theo CSIS, Wagner được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ Điện Kremlin, hoạt động của tập đoàn này có liên kết chặt chẽ với quân đội và các cơ quan tình báo của Nga.
Và hơn thế nữa, theo truyền thông phương Tây, người đứng đầu Wagner là ông Prigozhin còn được gọi là "đồng minh thân cận" của Tổng thống Vladimir Putin.
Mùa hè năm 2022, giữa lúc quân đội Nga chịu nhiều tổn thất trên chiến trường, cần gấp một lực lượng lớn bổ sung thì Wagner mới chính thức tham chiến.
Với sáng kiến tuyển tù nhân đi cầm súng ngoài chiến tuyến để đổi lấy tự do của Prigozhin, cho đến nay Wagner có hơn 50.000 lính đánh thuê được triển khai tại Ukraine.
Liền khi bắt đầu tham chiến, lực lượng Wagner luôn đóng vai trò tấn công chủ lực tại các điểm nóng mà điển hình nhất phải kể đến chiến địa đẫm máu Bakhmut, từ đầu năm 2023 cho đến khi Prigozhin tuyên bố đã hoàn toàn "giải phóng" Bakhmut vào ngày 20-5.
Và cũng từ chiến địa này bắt đầu âm ỉ nảy sinh những mâu thuẫn, những cuộc tranh cãi công khai với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov.
Việc quân đội chính quy Nga rơi vào tình trạng khó khăn lúc đầu trong cuộc chiến với Ukraine đã trao cơ hội cho thủ lĩnh của Wagner nổi lên thành một ngôi sao tầm cỡ quốc gia, người có khả năng gỡ thế bí cho Matxcơva bằng đội lính đánh thuê cảm tử, sẵn sàng hy sinh để đạt được mục tiêu.
Và khi Prigozhin càng ngày càng nổi bật hơn, ông mạnh miệng hơn, thì chuyện rắc rối bắt đầu. Thủ lĩnh Wagner trong nhiều video đăng tải trên trang cá nhân đã rất giận dữ công kích, cáo buộc Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov không cung cấp đầy đủ vũ khí và nhân lực cho trận chiến ở Bakhmut.
Cụ thể, trong video phát đi ngày 5-5 năm nay, ông trùm Wagner đã nổi đóa tuyên bố: "Đối với hàng chục ngàn người bị tử trận và bị thương, các ông ấy (ám chỉ ông Shoigu và ông Gerasimov) phải chịu trách nhiệm, và tôi chắc chắn sẽ hiện thực hóa điều này".
Bộ Quốc phòng Nga ra tay
Người ta không biết chính xác những cáo buộc của ông Prigozhin có đúng hay không, nhưng cứ theo lẽ thường và một số thông tin tình báo bị rò rỉ, thì Bộ Quốc phòng Nga sẽ phải tìm cách này hay cách khác để kiềm chế "con ngựa bất kham" này.
Và cách đơn giản nhất, hiệu quả nhất để hạ uy tín Wagner chính là không cung cấp vũ khí và gây khó khăn cho việc tuyển quân.
Chiêu tiếp theo mà Bộ Quốc phòng Nga tung ra là chuyện hợp đồng. Vào ngày 10-6, Bộ Quốc phòng Nga thông báo ông Shoigu đã ra lệnh cho tất cả "đơn vị tình nguyện" ký hợp đồng với bộ của ông vào cuối tháng này.
Theo giải thích của bộ này thì hợp đồng nhằm mục đính tăng tính hiệu quả của quân đội Nga. Thế nhưng giới truyền thông ai cũng hiểu là hợp đồng này nhằm khiến cho những người lính đánh thuê phải vào quy củ.
Chuyên gia Kateryna Stepanenko thuộc Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ bình luận: "Nỗ lực chính thức hóa các lực lượng tham chiến của Bộ Quốc phòng Nga có thể nhằm tập trung kiểm soát nhân sự và nguồn cung cho các đơn vị phi chính quy để đối phó đợt phản công của Ukraine, cũng như hạn chế khả năng hoạt động độc lập của ông Prigozhin".
Thế nhưng khi được hỏi về chuyện hợp đồng, ông trùm Wagner liền đáp trả một cách cứng rắn: "Wagner sẽ không ký bất kỳ hợp đồng nào với ông Shoigu" và "ông Shoigu không thể quản lý hợp lý các đội hình quân sự".
Tổng thống Putin ra tay, nghiêng về phe quân đội?
Trong bối cảnh các cuộc phản công của quân đội Ukraine đã chính thức bắt đầu thì việc đấu đá nội bộ như vậy giữa Wagner và Bộ Quốc phòng quả thật không hay.
Trước đây, Tổng thống Putin thường im lặng trước những tuyên bố "hổ báo" của ông Prigozhin khi chỉ trích đích danh các cộng sự của mình, thế nhưng vào ngày 13-6 vừa qua, phát biểu trước một nhóm các blogger ủng hộ chiến tranh, tổng thống Nga cho biết ông hoan nghênh sáng kiến của Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu nhằm buộc các nhóm lính đánh thuê ký hợp đồng với Bộ Quốc phòng Nga.
"Điều này phải được thực hiện và nó phải được thực hiện càng nhanh càng tốt", ông Putin nói về các hợp đồng quân sự, đồng thời cho biết điều đó "phù hợp với lý lẽ thường tình, với thông lệ đã được thiết lập và luật pháp".
Như vậy đây là lần đầu tiên Tổng thống Putin lên tiếng chính thức ủng hộ phe các chỉ huy quân sự của Bộ Quốc phòng Nga.
Theo nhận định của báo The Guardian (Anh), "quyết định này làm suy yếu nghiêm trọng Prigozhin, người đã nhờ vai trò của Wagner trong việc chiếm Bakhmut, mà trở thành một nhân vật nổi tiếng trước công chúng ở Nga đến mức ông ta có thể sử dụng thanh thế của mình để mắng mỏ các tướng lĩnh của Putin và tự đề cao mình".
Ông trùm Wagner không chịu khuất phục
Một ngày sau, khi được yêu cầu bình luận về những tuyên bố của Tổng thống Putin, một Prigozhin ưa thách thức đã phùng mang trợn mắt. "Khi chúng tôi bắt đầu tham gia vào cuộc chiến này, không ai nói rằng chúng tôi có nghĩa vụ phải ký kết các thỏa thuận với Bộ Quốc phòng" - ông Prigozhin tuyên bố, được cho là lần phản đòn trực tiếp hiếm hoi nhắm vào Tổng thống Putin.
"Không ai trong số các thành viên Wagner sẵn sàng đi vào con đường ô nhục một lần nữa. Và vì vậy sẽ không có ai ký hợp đồng", Prigozhin nói mạnh miệng, đồng thời cho biết thêm rằng ông tin tổng thống Nga sẽ tìm ra "sự thỏa hiệp" cho Wagner.
Sự can thiệp trực tiếp của Tổng thống Putin đã đẩy Prigozhin vào một tình thế bấp bênh nhất kể từ đầu cuộc chiến.
Hơn nữa, sự ngang ngược bất tuân lệnh tổng thống một cách công khai của ông Prigozhin lần này làm cho rất nhiều người ngạc nhiên.
Đó là dấu hiệu khởi đầu cho ngày tàn của Prigozhin, hay còn ẩn tàng những nguyên nhân sâu xa nào khác?
Theo một số chuyên gia quân sự như Andrei Soldatov và Irina Borogan nhận định trong bài viết "Why Putin needs Wagner", những lời chỉ trích nặng nề, liên tục nhắm vào Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov chỉ có thể giải thích bằng sự ủng hộ mạnh mẽ từ cá nhân Tổng thống Putin đối với ông Prigozhin.
Lòng trung thành và sự ủng hộ tuyệt đối của quân đội là điều mà Tổng thống Putin luôn cần, thế nhưng ở một đất nước rộng lớn với đội quân và những khí tài hùng mạnh như Nga, quyền lực của quân đội là rất lớn, cuộc chiến càng kéo dài thì quyền lực của quân đội lại càng nhiều hơn.
Cho nên việc "dung túng" cho Prigozhin để tạo một thế lực đối trọng với quân đội có thể là những toan tính chiến lược của Tổng thống Putin.
Nếu như nhận định này chính xác thì trong tương lai gần, theo như phát biểu của Prigozhin, Tổng thống Putin sẽ có "sự thỏa hiệp" cho Wagner.
Còn nếu không thì chắc chắn ngày tàn của Prigozhin đã đến gần.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận