TTCT - Ngày 30-4-1975, ngày thống nhất đất nước, đã diễn ra thế nào ở Hà Nội? Ngày 30-4-1975, ngày thống nhất đất nước, đã diễn ra thế nào ở Hà Nội, một nơi dường như xa chiến trường nhưng lại không hề xa lạ đạn bom trong suốt hơn 30 năm? Hai người Hà Nội, họa sĩ Lê Thiết Cương và NSND Nguyễn Hữu Tuấn kể lại câu chuyện ngày tháng đó, cũng là những năm tháng tuổi trẻ của họ, với những ký ức mộc mạc, dịu dàng, như lời bài hát nổi tiếng Hà Nội - Huế - Sài Gòn (Hoàng Vân, thơ Lê Nguyên): "Trên đất mẹ nắng hồng như lụa, trải nghìn năm gắn bó hai miền, như cành chung gốc lớn lên, như anh em của mẹ hiền Việt Nam. Huế cầm tay Sài Gòn Hà Nội...". Người đầu tiên tôi hỏi, chính là con trai của tác giả lời ca đó - họa sĩ Lê Thiết Cương.Bản nhạc Hà Nội - Huế - Sài Gòn (1961) trong tập nhạc Hai chị em, Văn Hóa, 1972Họa sĩ Lê Thiết Cương: "Đã có thời người ta yêu nước không phải cố"Thưa anh, đúng ngày 30-4-1975 thì ở Hà Nội không khí thế nào?Năm đó tôi 13 tuổi. Từ khi lớn lên, tôi cũng như tất cả trẻ con phố cổ Hà Nội, trừ mấy năm ở giữa, đều phải đi sơ tán cho đến khi ký Hiệp định Paris năm 1973 thì mới về phố. Lúc đó tôi học Trường Nguyễn Du, đến cấp III thì học Trường Lý Thường Kiệt. Hồi sơ tán học ở mạn gần Bình Đà, Thanh Oai bên sông Đáy. Lúc đó là những ngày học cuối cùng để chuẩn bị nghỉ hè.Thực ra không khí giải phóng đã rục rịch từ tháng 3. Hồi đó nhà tôi ở cùng ông nội và nhiều gia đình họ hàng tại số 10 Hàng Thùng, ngay gần là nhà nhạc sĩ Hoàng Vân (tên thật Lê Văn Ngọ, là ông trẻ) ở số 14, đều là dòng dõi Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.Nhà có ông bác làm ở phát thanh Quân đội, là người thường xuyên mang báo về nhà đọc. Trẻ con chẳng biết gì nhưng thấy người lớn háo hức chờ bác đi làm mang báo về để xem có tin chiến thắng thì cũng rất tò mò.Nhà thơ Lê Nguyên, ảnh chụp tại Hà Nội năm 1955, trong kỳ nghỉ phép đầu tiên sau chiến dịch Điện Biên Phủ, sau đó ông quay lại Điện Biên Phủ để thu thập tư liệu cho Bảo tàng Quân đội (Ảnh tư liệu gia đình)Cùng dạo đó, một ông bác nữa cũng ở cùng số nhà làm tại Sở Điện, xin được giấy phép lắp một cái đài be bé treo trên tường để phát hằng ngày, mỗi tháng đóng mấy hào lệ phí. Tôi hay nghe nhạc cổ điển chính là từ cái đài này. Ông nội sợ trẻ con nghịch hỏng nên đóng cao lên trên, mình phải bắc ghế lên dí tai vào nghe. Khổ nỗi là đúng ngày 30-4 thì đài lăn ra hỏng, có lẽ vì trẻ con vặn to quá nên dần dần nó bé đi, chỉ còn lẹt xẹt.Chỉ còn một cách là ra cây si trước cửa hiệu kem Hồng Vân - Long Vân ở Bờ Hồ. Cây đó có một cành huyền rất to chìa ra đường, treo một cái loa bằng gang dạng giống cái chụp đèn. Toàn bộ dân mấy phố xung quanh đi ra, cực kỳ đông vì người đi đường cũng dừng xe đạp bên dưới để nghe.Ông nội tôi không đi được nên tôi chạy về kể cho ông lõm bõm những mình nhớ, vừa lúc ông bác mang báo đăng tin giải phóng về. Ông nội mừng lắm, bảo lên Hàng Mã mua những tờ giấy in nhiều lá cờ, cắt ra rồi dùng hồ dán vào những cái cán chẻ từ đũa ăn cơm ra. Nhà có cái lọ gốm cổ rất quý, ông cắm cờ vào những cái lọ đó rồi dặn các cháu đi đâu ra khỏi nhà là phải cầm một lá để vẫy. Điều ấy khiến tôi nghĩ lại vẫn xúc động, đã có thời người ta yêu nước một cách chân thật, không phải cố gắng.Tôi nghĩ là ông nội anh có những người con rất đặc biệt nữa, như bố anh, nhà thơ Lê Nguyên, tác giả bài thơ Hà Nội - Huế - Sài Gòn đã được nhạc sĩ Hoàng Vân phổ nhạc.Tên thật của bố tôi là Lê Quốc Toàn, sinh năm 1931. Ông trốn nhà đi bộ đội cùng mấy người anh năm 1946, là chiến sĩ sư đoàn 312, ông giữ nhiệm vụ viết cho tờ báo của sư đoàn. Do biết tiếng Pháp, ông được tướng Lê Trọng Tấn và Trần Độ giao nhiệm vụ sang phỏng vấn tù binh Pháp ở chiến trường Điện Biên Phủ. Sau chiến thắng, ông có ý muốn giải ngũ. Ông Trần Độ nói: "Cậu biết là trong đơn vị của mình có rất nhiều người Tày, Nùng, cậu nên dạy học cho họ. Cậu có trình độ, lại viết báo, cậu nên ở lại thêm một năm, sưu tập các hiện vật của chiến dịch để lưu lại cho bảo tàng, cần viết những ghi chép để lưu trữ". Sau đó, ông Trần Độ về ngành văn hóa, bố tôi ở trong quân ngũ khoảng một năm mới về Hà Nội, đi học biên kịch ở Trường Điện ảnh. Những điều định hướng của các vị tướng quan tâm đến văn hóa đó đóng vai trò lớn trong con đường của bố tôi.Hành trình của bài thơ đã làm nên bài hát nổi tiếng của Hoàng Vân như thế nào, thưa anh?Bài thơ Hà Nội - Huế - Sài Gòn in ở báo Thái Nguyên năm 1960, hồi đó ông có mấy bài nữa như Bài thơ gửi Thái Nguyên. Lúc đó ông đang tán cô Thảo, là phiên dịch tiếng Trung ở khu gang thép Thái Nguyên, tức là mẹ tôi sau này. Cả hai bài đều được Hoàng Vân phổ nhạc ngay năm 1961.Về bài Hà Nội - Huế - Sài Gòn, ông có tâm sự với tôi, đó là một bài thơ làm ra bản đồ hình chữ S với dụng ý nhân cách hóa bằng hình ảnh cô gái Huế ở giữa nắm tay hai cô gái Sài Gòn và Hà Nội. Khi bố mất, tôi chỉ xin hai kỷ vật là chiếc bút máy và đĩa hát 33 vòng có bài Hà Nội - Huế - Sài Gòn do nhạc sĩ Hoàng Vân tặng năm 1976. Ở bìa đĩa có lời đề tặng: "Tặng Lê Nguyên thân yêu nhân dịp Tết con Rồng Bắc Nam xum họp - Đĩa hát đầu tiên hoàn toàn do Việt Nam sản xuất".Hà Nội - Huế - Sài Gòn sau khi được nhạc sĩ Hoàng Vân phổ nhạc, có cấu trúc một trường ca, mang âm hưởng dân ca Trị Thiên, đã được Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội ghi nhận là một trong 3 bài Ông Nguyên thời trẻ hát được phổ biến nhất năm 1963. Bài hát đã được nhiều giọng ca tên tuổi thể hiện thành công, từ Kim Oanh, Thanh Huyền, Thu Hiền, Nhã Phương đến gần đây là Anh Thơ, Trọng Tấn.Anh có một người ông trân trọng những lá cờ, một người bố đúc kết một biểu tượng thống nhất, điều đó ý nghĩa thế nào với anh?Tôi nghĩ người Hà Nội vượt qua được khó khăn hay giành được chiến thắng vì họ biết sống, biết chơi, kể cả trong bom đạn. Giữa thời chiến, ông Lâm cà phê vẫn đạp xe đến tận nhà Văn Cao để được vẽ chân dung, khổ to tầm cả 1m, vừa vẽ vừa uống rượu với nhau. Một trong điều làm nên "Điện Biên Phủ trên không" năm 1972 là người Hà Nội vẫn biết chơi, biết trân trọng những cái đẹp. Tôi ấn tượng với câu chuyện nhạc sĩ Cao Việt Bách kể về việc dàn nhạc giao hưởng từ Hà Nội vào biểu diễn ở Nhà hát Lớn Sài Gòn ngày 2-9-1975, góp phần xóa đi sự tuyên truyền tiêu cực của chính quyền cũ về miền Bắc. Họ nhận ra ở phía sau đó là một đời sống văn hóa của Hà Nội vẫn còn đó.NSND Nguyễn Hữu Tuấn: "Người Hà Nội vui râm ran chứ không ồn ào"Ngược chiều với ký ức tại Hà Nội của họa sĩ Lê Thiết Cương về một nét nhạc hình dung "trải nghìn năm gắn bó ba miền", nhà quay phim, NSND Nguyễn Hữu Tuấn lại có một hành trình khác: từ Hà Nội vào Sài Gòn đúng dịp 30-4-1975.Thưa ông, chuyến đi Sài Gòn của ông được chuẩn bị thế nào?Lúc đó tôi đang là sinh viên ngành quay phim Trường Điện ảnh Việt Nam. Người Hà Nội đã râm ran cơ chừng là sắp giải phóng Sài Gòn rồi, nhất là sau khi Huế và Đà Nẵng được giải phóng, anh em ngành phim ảnh bắt đầu có cảm giác là phải chuẩn bị. Trường Điện ảnh điều động những sinh viên "cứng cựa" nhất đi quay phim cùng các thầy. Đoàn chúng tôi là đoàn vét. Nhiều người giỏi hơn tôi không được đi, nên với tôi đó là may mắn. Chúng tôi được lệnh đi và chuẩn bị quân trang vào hai ngày 27 và 28-4, nghĩa là tình hình chiến thắng hoàn toàn đến nơi rồi.Nhà quay phim, NSND Nguyễn Hữu Tuấn. Ông sinh năm 1949 tại Hà Nội, từng học trung cấp Mỹ thuật Hà Nội, ngành hóa hữu cơ ở Thượng Hải (Trung Quốc, 1968-1972) và Trường Điện ảnh Việt Nam (1972-1976). Quay phim chính tại Hãng phim truyện Việt Nam (1976-2009), tham gia quay hơn 30 phim truyện dài và đạo diễn 7 phim tài liệu. Ảnh: N.T.Q.Đi hai ngày đến Vinh thì dừng lại để qua phà Bến Thủy. Lúc xuống xe, thấy không khí và thái độ mọi người rất lạ. Lúc đó là trưa ngày 30-4. Có tiếng người khẽ bảo nhau: "Giải phóng Sài Gòn rồi đấy". Chẳng kịp cảm nhận gì thì mọi người giục xe đi tiếp, và cứ thế chúng tôi cuốn đi theo hành trình.Tôi đến Sài Gòn vào khoảng 6 và 7-5. Ấn tượng đầu tiên về miền Nam là đang đi đường nhỏ, đột nhiên đến một quãng đường rộng thênh thang. Người lái xe bảo, xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa đấy. Tôi bừng tỉnh, nhớ ra tôi đã tưởng tượng ra nơi này từ hồi năm 1960, khi báo chí miền Bắc đưa tin về việc Mỹ làm xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa để "làm sân bay trá hình". Tôi nhìn ra xung quanh thấy những người lính chế độ cũ thất thểu chạy, xe tăng nằm lăn lóc, hai bên đường ngổn ngang quân trang bị vứt lại. Ngồi trên chiếc xe com-măng-ca, cầm máy quay phim, tâm trạng tôi hào hứng kiểu "ta đang ở Sài Gòn rồi!".Ấn tượng về con người Sài Gòn thì ra sao ạ?Đi qua cầu Sài Gòn, chạy mãi thì thấy trên đường mọi người nhìn mình rất lạ, họ bảo gì chúng tôi nghe không hiểu. Một lúc sau tôi mới bảo anh lái xe, hình như mình đi ngược chiều rồi. Lúc đó rất nhiều người con trai, con gái đi xe máy chạy gần đến xe chúng tôi, gọi "Các anh ơi, các anh đi đến đâu, chúng tôi hướng đạo cho!". Chúng tôi nói điểm đến là khách sạn Caravelle, nơi tập kết các đoàn quay phim, báo chí. Họ hô lên, "Theo tôi!". Đấy là những người đón chúng tôi đầu tiên. Tất cả đều hồ hởi lịch sự. Có lẽ do hình ảnh đầu tiên của mấy ông bộ đội chắc cũng rất đẹp, lính miền Bắc có cái vẻ ngây ngô, đáng yêu, rất dễ thương.Thực sự thì lính trẻ dễ thương thật vì họ rất nhát trong giao tiếp và bị chỉ huy dặn dò nhiều quá. Có thể họ nhát khi nhìn những người dân Sài Gòn mặc com lê, đi Vespa, đâm ra có mặc cảm. Tôi thì già dặn hơn, đã từng đi nước ngoài, có sự tự tin từ bé, nên tôi không bị mặc cảm đó. Vào chợ Bến Thành, người dẫn đường nói lớn, các anh ở R về, bà con bán hàng đừng bán đắt nhé! Xôn xao một lúc là cả chợ biết. Đó là những ngày đầu tiên.Những chàng trai Hà Nội có gặp cú sốc văn hóa nào kiểu đồ ăn lạ không?Đồ ăn thì thường thanh niên cũng chỉ biết ăn cho no. Nhưng có kỷ niệm vui vui là đi ăn phở ở Sài Gòn. Cậu Vương Khánh Luông (sau làm ở Hãng phim Tài liệu Khoa học TW) phát hiện ra trong hẻm gần chỗ ở "có hiệu phở to lắm". 6 giờ rưỡi sáng hôm sau, chúng tôi đã đi ăn. Luông lúc ấy mới 19 tuổi, da trắng, thấy con gái là mặt đỏ bừng nên cô bán hàng chắc để ý, cứ mủm mỉm cười. Ăn xong về khách sạn thì các thầy (NSND Lê Đăng Thực, NSND Trần Thế Dân) và các bạn lúc này mới dậy, thầy lại rủ đi ăn, lần này thầy trả tiền. Hai cậu trai lại giả vờ chưa ăn sáng, cũng đi cùng. Thầy hỏi đi đâu, cậu Luông trẻ người non dạ nhanh nhảu chỉ đến quán phở. Lần này thầy cho cả nhóm ăn mỗi người hai bát, như vậy là tôi và Luông ăn tận ba bát trong buổi sáng.Ông Vương Khánh Luông những ngày ở SàI Gòn năm 1975.Ông có quan sát đời sống văn nghệ những ngày đó ở Sài Gòn không?Chúng tôi được phổ biến đi quay cảnh sinh viên đốt văn hóa phẩm đồi trụy ở sân Trường Sư phạm. Lúc sinh viên đốt, tôi giở ra xem và có lẩm bẩm nói, sách này tốt mà. Chỉ nói thầm vậy mà đã lan truyền trong sinh viên ngay sau đó, có ông bộ đội bảo sách không sao.Bài hát miền Nam thì trước đã biết rồi, còn ấn tượng đầu tiên chính là lúc sinh viên sinh hoạt tập thể, họ hát bài Nối vòng tay lớn của Trịnh Công Sơn.Bao lâu sau ông về Hà Nội và nhìn lại Hà Nội ông có cảm giác gì?Khoảng 3-4 tháng sau tôi trở về Hà Nội. Tôi từng đi nước ngoài về, từng có cảm giác Hà Nội nghèo quá. Lần này thì không còn cảm giác ấy, vì có nhiều chuyện phải kể quá, nhiều quà phải chia cho mọi người, bạn bè... nhiều khi chỉ là cái bút dạ cho bạn bè, nước hoa cho bạn gái. Lúc đó, về Hà Nội chỉ có cảm giác là được về nhà, yên tâm tự hào về một việc đặc biệt đã làm được là quay những thước phim mình cho là tốt.Trong gia đình ông lúc ấy, việc thống nhất hai miền có tạo ra cảm xúc gì không?Gia đình tôi là hiệu vải Tam Kỳ từ thời Pháp, mẹ tôi hồi đó có danh sách những người nợ tiền hàng đã di cư vào Nam năm 1954. Trước khi đi mẹ tôi có dặn là con vào Sài Gòn thì tìm đến đường Gia Long (nay là Lý Tự Trọng), hỏi thăm mấy bác bạn hàng cũ. Hồi đó người Hàng Đào vào sống nhiều ở cùng một dãy. Một tối tôi rủ cậu Luông đến một nhà, có lẽ họ cũng bất ngờ. Nhưng tôi tránh nói đến việc nợ nần mà nói mẹ cháu bảo vào nếu bỡ ngỡ thì đến thăm bác. Đôi bên cũng chẳng biết làm gì ngoài việc uống nước chè, ăn bánh quy và nói chuyện. Ra về, mặc dù nghĩ đến lời mẹ nhưng tôi cũng thấy ngượng nên không quay lại đó. họ cũng không đến tìm tôi.Nghĩ lại về cuộc gặp gỡ Nam Bắc năm ấy, tôi nghĩ đến cảm xúc trước thời khắc lịch sử ấy, người Hà Nội thực ra không bộc lộ một cách ồn ào, mà chỉ vui râm ran thôi. Điều đó là thực tế chiến tranh. Người Hà Nội đã mừng hụt vài lần, như hồi năm 1968 tưởng thắng lợi đến nơi rồi, sau đó việc trải qua 12 ngày đêm tháng chạp 1972 bị bom B-52 tàn phá vẫn còn làm họ bàng hoàng, nên có lẽ tin chiến thắng làm người ta chùng xuống, không bộc lộ ào ào như cách truyền thông sau này dựng lại. ■ Tags: Họa sĩ Lê Thiết CươngGiải phóng miền NamHuế - Sài Gòn - Hà NộiNhà thơ Lê NguyênNgày 30-4
Trung ương đồng ý cho ông Nguyễn Văn Thể, Bùi Văn Cường thôi chức, khai trừ Đảng 3 cựu bí thư THÀNH CHUNG 25/11/2024 Trung ương Đảng đã đồng ý cho ông Nguyễn Văn Thể, Bùi Văn Cường thôi chức, khai trừ Đảng 3 cựu bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Phú Thọ.
7 chiếc tiêm kích Su30-MK2 bay trên bầu trời Hà Nội NAM TRẦN 25/11/2024 Trưa 25-11, bảy chiếc tiêm kích Su30-MK2 cùng nhiều trực thăng Mi bay tập trên bầu trời quanh sân bay Gia Lâm, Long Biên, Hà Nội.
Đã tìm thấy hơn 400 bộ tiểu sành, hài cốt trên phố Tây Sơn, Hà Nội PHẠM TUẤN 25/11/2024 Cải tạo hệ thống thoát nước ở ngõ 167 Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện hơn 400 bộ tiểu sành dưới mặt đất.
Ông Trump sẽ dàn xếp chiến sự Ukraine, Israel ra sao? TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Để chứng minh mình là nhà lãnh đạo mong mỏi hòa bình và khác biệt chính quyền Biden, ông Trump đang tìm cách tạo ra một thế giới ổn định.