Tôi đến Hobart, thành phố thủ phủ của bang Tasmania trên chuyến bay sớm từ Sydney. Bằng màn chào hỏi không gì ấn tượng hơn, Hobart đón tôi với cái lạnh 6 độ C.
Lúc này, mặc dù đang vào thời điểm đầu xuân, nhưng vì Tasmania nằm về phía gần Nam Cực hơn so với Sydney nên nhiệt độ ngoài trời vẫn rất lạnh.
Trên đường từ sân bay Hobart về trung tâm thành phố, bạn sẽ phải đi ngang qua cầu Tasman - là niềm tự hào của người dân nơi đây về độ cao "khủng" của nó.
Cầu Tasman, một phần của hệ thống đường cao tốc ở Tasmania, nối từ sân bay Hobart vào khu trung tâm. Cầu đã bị sập một lần vào tháng 1 năm 1975, sau khi bị một sà lan chở quặng đâm vào.
Đường phố ở Hobart
Công viên ở Hobart
Hàng cây phía trước khu chợ Salamanca
Thiên nhiên hoang dã Tasmania qua cửa kính
Trung tâm thành phố lúc này vẫn còn khá sớm, các con đường vắng vẻ bóng người. Các ngôi nhà ở đây theo phong cách kiến trúc Georgian, do đó, nếu đã từng đến Anh Quốc hay một vài thành phố khác ở châu Âu, bạn sẽ thấy Hobart thật thân quen.
Nếu có dịp đến Hobart vào cuối tuần, đừng quên ghé chân qua khu chợ phiên Salamanca nổi tiếng. Phiên chợ chỉ họp vào mỗi thứ bảy hàng tuần, nơi người dân tụ tập trao đổi, mua bán các loại rau củ quả tự trồng hay các loại hải sản đánh bắt được, cũng như các loại sản vật khác ở địa phương.
Hãy đến Tasmania nếu bạn muốn tìm về những giá trị lịch sử, song hành với việc khám phá những vùng đất thiên nhiên hoang dã bạt ngàn. Cách trung tâm Hobart khoảng 25km, bạn sẽ đến làng cổ Richmond, với phong cảnh miền quê yên bình, cùng với nhà tù lịch sử Richmond Gaol và cây cầu bằng đá lâu đời nhất nước Úc.
Bên ngoài khuôn viên nhà tù Richmond
Cầu Richmond
Một góc làng cổ Richmond
Quay về Hobart và lái xe dọc theo đường ven biển về phía đông của đảo - một trong những cung đường lái xe đẹp nhất nước Úc, bạn sẽ đến công viên quốc gia Freycinet. Nơi đây, nếu có thời gian, hãy dừng chân vài ngày để đi bộ theo con đường mòn lên đỉnh núi Amos, phóng tầm mắt xuống vịnh Wineglass với làn nước trong xanh và bãi cát trắng dài.
Trên đường về, đừng quên ghé trang trại nuôi hàu trứ danh Freycinet Marine Oyster Farm nằm bên trong vịnh Coles để thưởng thức món hàu sống với nhiều cách chế biến khác nhau.
Những buổi chiều ở Hobart, hãy lang thang qua các con đường để đến bến tàu, ngồi ngắm hoàng hôn và dùng thử món "fish and chip" trứ danh của nhà hàng Frenzy.
Chỉ bằng những gì thật đơn giản và tự nhiên, tôi đã để quên tim mình ở Tassie như thế.
Vịnh Wineglass
Bến tàu ở Hobart
Món ăn "fish and chip"
Thông tin cần thiết
- Tasmania có hai sân bay là Hobart và Launceston. Hàng ngày từ Sydney và Melbourne đều có các chuyến bay đến đây. Các hãng hàng không chính là Quantas, Virgin và Jetstar.
- Bốn mùa ở Úc khác với Việt Nam với mùa xuân từ tháng 9 đến tháng 11; mùa hè từ tháng 12 đến tháng 2; mùa thu từ tháng 3 đến tháng 5; mùa đông từ tháng 6 đến tháng 8.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận