Tổng thống Trump sẽ có nhiều thời gian và sự tập trung cho chiến dịch tái tranh cử khi cuộc luận tội kết thúc - Ảnh: AFP
Hai phiên chất vấn cuối cùng trong tiến trình luận tội ông Trump đã kết thúc tại Thượng viện ngày 30-1 (giờ địa phương), đồng nghĩa bước tiếp theo sẽ là thủ tục bỏ phiếu bãi nhiệm tổng thống thứ 45 của Mỹ.
Nhưng phe Cộng hòa của ông Trump đang kiểm soát Thượng viện nên viễn cảnh ông "về vườn" sẽ không xảy ra, thay vào đó ông sẽ được tha bổng.
Nỗ lực cuối cùng của Đảng Dân chủ
Những người Dân chủ tin rằng lời khai của cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton sẽ là cơn địa chấn trong tiến trình luận tội Tổng thống Trump, nên đã lập luận về sự cần thiết phải có mặt ông này. Nhưng để triệu tập thêm người từng kề cận bên ông Trump, theo quy định cần phải có ít nhất 51/100 thượng nghị sĩ đồng ý.
Đảng Dân chủ nắm 47 ghế tại Thượng viện, nên cần sự ủng hộ của tối thiểu 4 thượng nghị sĩ Cộng hòa. Tính đến cuối ngày 30-1 (giờ Mỹ), đã có 3 thượng nghị sĩ Cộng hòa đồng ý nhưng người có khả năng về phe Dân chủ nhất, thượng nghị sĩ Lamar Alexander, đã dập tắt mọi hi vọng khi tuyên bố ông sẽ phản đối việc triệu tập thêm nhân chứng. Các thượng nghị sĩ Cộng hòa còn lại trước đó đã tuyên bố sẽ đứng sau ông Trump.
Cựu cố vấn Bolton được săn đón sau khi một tờ báo tiết lộ rằng ông Bolton sẽ thừa nhận trong một quyển sách sắp xuất bản việc ông Trump có yêu cầu ông đóng băng khoản viện trợ quân sự 391 triệu USD cho Ukraine. Ông Bolton không phủ nhận, nhưng cũng chẳng xác nhận những gì đã được nêu trên mặt báo, theo Hãng tin Reuters.
"Chúng tôi biết tại sao những người Cộng hòa lại không muốn ông Bolton ra làm chứng. Bởi vì họ không muốn để cho người dân Mỹ biết được những thứ xấu xí, bẩn thỉu của chính quyền này" - hạ nghị sĩ Adam Schiff, người dẫn dắt nhóm công tố của Hạ viện, tỏ ra gay gắt.
Tổng thống Trump bị Hạ viện buộc tội lạm dụng quyền lực để tư lợi và ngăn cản Quốc hội thực thi công lý. Phe Dân chủ cáo buộc ông Trump đã yêu cầu đóng băng viện trợ cho Ukraine để gây sức ép buộc Kiev mở một cuộc điều tra nhắm vào ông Joe Biden, người có khả năng trở thành đối thủ chính của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 năm nay.
Các ủy ban Hạ viện do Đảng Dân chủ kiểm soát đã triệu tập nhiều quan chức và cựu quan chức ra các cuộc điều trần, nhưng không tìm thấy bất cứ bằng chứng trực tiếp nào cho thấy ông Trump đã ra lệnh hoãn viện trợ cho Ukraine để đổi lấy lợi ích cá nhân.
Các kịch bản bỏ phiếu
Theo Reuters, các thượng nghị sĩ sẽ lần lượt nghe luật sư bào chữa cho ông Trump và các hạ nghị sĩ Dân chủ giữ vai trò công tố lập luận việc yêu cầu thêm tài liệu và nhân chứng có cần thiết hay không.
Phiên này bắt đầu lúc 13h ngày 31-1 (giờ Mỹ), tức 1h sáng 1-2 theo giờ Việt Nam. Mỗi bên sẽ có 4 tiếng để trình bày, các thượng nghị sĩ sẽ bỏ phiếu quyết định có triệu tập nhân chứng và tài liệu hay không sau các phiên này.
Trong trường hợp số phiếu ngang bằng nhau (50-50), chánh án Tòa tối cao Mỹ John Roberts - người đang giữ vai trò chủ tọa - sẽ giữ vai trò quyết định. Nếu ông từ chối bỏ phiếu phá vỡ bế tắc, tiến trình luận tội sẽ được đẩy tới bước cuối cùng: các thượng nghị sĩ bỏ phiếu về hai điểm buộc tội ông Trump. Kết quả của phiên bỏ phiếu này đã được dự báo từ trước và nhắc đi nhắc lại: Tổng thống Trump sẽ được tha bổng.
Nếu chánh án Roberts đứng về phe Dân chủ, các thượng nghị sĩ sẽ tiến hành tiếp một phiên bỏ phiếu nữa để quyết định các nhân chứng nào nên bị triệu tập và tài liệu nào cần được bổ sung. Nhưng theo Hãng thông tấn AP của Mỹ, khả năng ông Roberts ủng hộ phe Dân chủ là gần như không thể, đồng nghĩa tiến trình luận tội sẽ được đẩy tới phiên cuối như đã nhắc ở trên.
Cơn ác mộng luận tội của ông Trump sắp sửa khép lại trong vòng vài ngày nữa, sớm nhất vào ngày mai 2-2.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận