Theo ông Năm, hiện nay nếu không có các bộ “kit” để test nhanh thì giải pháp mà các nước có nền khoa học hiện đại, tiềm lực kinh tế mạnh phải áp dụng là “giải mã” các đoạn gien trong các mẫu thực phẩm được thu thập sau khi nghi ngờ có virus cúm A/H1N1 để nhận dạng và thường phải có công nghệ cực kỳ hiện đại, lại mất rất nhiều thời gian (Việt Nam hiện nay chưa thể làm được). Tuy nhiên, nếu có các bộ “kit” để kiểm tra thì chỉ cần sau khoảng 4-5 giờ đồng hồ là có kết quả một cách chính xác.
Do lượng “kit” mà phía Mỹ gửi hỗ trợ Việt Nam có hạn nên trước mắt, ông Năm khẳng định sẽ đưa về hai trung tâm chẩn đoán thú y ở hai đầu mối của cả nước là Hà Nội và TP.HCM. Tất cả các mẫu thực phẩm nghi ngờ có virus cúm A/H1N1 sẽ được đưa về đây để kiểm định.
* Hà Nội: Bệnh nhân nữ người Hàn Quốc đã được ra viện
Sáng 5-5, ông Phạm Xuân Thu, Giám đốc Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế Hà Nội cho biết: một bệnh nhân nữ (khách du lịch trong đoàn 16 người Hàn Quốc từ Campuchia nhập cảnh vào Việt Nam ngày 3-5) đã được ra viện sau khi Bệnh viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia xác định bệnh nhân âm tính với cúm A/H1N1.
Sở Y tế Hà Nội đã đề nghị Sở Y tế Quảng Ninh giám sát tình hình sức khỏe của đoàn khách du lịch này. Sở Y tế Hà Nội cũng đang giám sát đoàn công tác của Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng gồm 6 người từ Mexico về Hà Nội từ 22-4 đến 2-5. Hiện sức khỏe mọi người đều bình thường.
Cũng theo ông Thu, khoảng 2 tuần nữa, Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế Hà Nội sẽ lắp thêm 2 máy đo thân nhiệt tại sân bay quốc tế Nội Bài. Tất cả mọi hành khách đến sân bay đều được kiểm tra đo thân nhiệt, phát tờ khai. Những hành khách có biểu hiện sốt cao trên 38 độ C sẽ được đưa ngay vào phòng cách ly, được các nhân viên y tế khám sàng lọc, phân loại ngay.
Được biết, ngành Y tế Hà Nội đã được trang bị 184 máy, bình phun hóa chất phòng chống dịch các loại; 28 tấn chloramin B và 95 chiếc máy thở (có 17 máy thở trẻ em); 5.000 viên Tamilu, 10.000 khẩu trang N95.
* FAO khuyến cáo các nước theo dõi chặt chẽ nguy cơ nhiễm virus A/H1N1 ở heo
Ngày 4-5, Tổ chức Lương-Nông Liên hiệp quốc (FAO) đã ra thông cáo kêu gọi các nước giám sát chặt chẽ các đàn heo và kiểm tra kỹ bất kỳ triệu chứng cúm nào xuất hiện ở động vật nuôi. Thông cáo được đưa ra sau khi trường hợp virus cúm A/H1N1 truyền từ người sang heo ở Canada được xác nhận.
FAO đặc biệt khuyến cáo người dân và cơ quan chức năng các nước tăng cường theo dõi các bệnh về đường hô hấp ở heo, thông báo ngay với cơ quan thú y về tất cả những trường hợp heo có biểu hiện mắc bệnh. Tổ chức này cũng yêu cầu các nước phải thông báo ngay khi phát hiện ổ dịch cúm A/H1N1 ở heo; áp dụng các biện pháp an ninh sinh học nghiêm ngặt như hạn chế vận chuyển heo, hàng hóa và người ở những trang trại hoặc khu nuôi heo có dấu hiệu nhiễm dịch. FAO cũng cho rằng không nên tiêu hủy heo như một biện pháp phòng dịch.
Quan chức phụ trách thú y của FAO, ông Joseph Domenech, cho rằng các nước không nên hoảng loạn trước hiện tượng heo nhiễm virus A/H1N1 ở Canada vì điều này là bình thường. Tuy nhiên, ông cho rằng cần giám sát chặt diễn biến dịch bệnh vì virus cúm thường xuyên biến đổi gene, dẫn đến những thay đổi khó lường về khả năng gây bệnh.
* Trong bối cảnh dịch cúm A/H1N1 ở Mexico có dấu hiệu "thuyên giảm", một số hãng hàng không quốc tế ngày 4-5 đã nối lại các chuyến bay đến Mexico. Tuy nhiên, nhiều hãng vận chuyển tuần dương quốc tế vẫn tránh không đi qua các cảng của Mexico, các công ty du lịch ở châu Âu tiếp tục hủy các "tour" du lịch trọn gói tới Mexico.
Mexico cũng là một trong những nước chịu thiệt hại nhiều nhất do khoảng 20 quốc gia đã cấm nhập khẩu lợn và sản phẩm thịt heo của nước này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận