Hai phi hành gia Cảnh Hải Bằng (50 tuổi) và Trần Đông (38 tuổi) tại cuộc họp báo ngày 16-10 - Ảnh: Reuters |
Theo đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV, tàu Thần Châu 11 sẽ cất cánh từ Trung tâm phóng tàu vũ trụ Tửu Tuyền thuộc khu tự trị Nội Mông vào khoảng 7g30 sáng ngày mai (17-10), theo giờ địa phương. Tàu được phóng bằng tên lửa đẩy Trường Chinh 2F từng đưa tàu Thần Châu 10 vào không gian năm 2013.
Hai phi hành gia trên tàu là là Cảnh Hải Bằng (50 tuổi) và Trần Đông (38 tuổi), trong đó ông Cảnh là chỉ huy. Sau hành trình hai ngày, tàu sẽ kết nối với trạm không gian Thiên Cung 2, được Bắc Kinh phóng lên hồi tháng trước, đang hoạt động ở độ cao 393km.
Sứ mệnh của Thần Châu 11 là bổ sung hàng hóa thiết yếu cho trạm không gian, thực nghiệm kỹ thuật kết nối giữa tàu vũ trụ với trạm không gian, duy tu bảo dưỡng trạm không gian và tiến hành các hoạt động nghiên cứu khoa học khác.
Hai phi hành gia Trung Quốc sẽ ở lại trạm trong 30 ngày để tiến hành các nghiên cứu về y tế, vật lý và sinh học.
Từ năm 2003, Trung Quốc đã thực hiện năm sứ mệnh không gian có người điều khiển trong đó sứ mệnh gần nhất là tàu Thần Châu 10 kéo dài 15 ngày.
Trung Quốc đã đưa nhiều thiết bị lên không gian, trong đó, trạm Thiên Cung 1 dự kiến sẽ rơi xuống trái đất vào năm 2017 và nhiều chuyên gia trong ngành đoán rằng Bắc Kinh hiện đã mất kiểm soát đối với trạm không gian này.
Thiên Cung 2 và Thiên Cung 1 đều là nguyên mẫu thử nghiệm cho một trạm không gian đầy tham vọng khác của Trung Quốc dự kiến sẽ được Bắc Kinh phóng lên không gian vào năm 2022 để cạnh tranh với Trạm không gian quốc tế (ISS) vốn sẽ nghỉ hưu từ năm 2024.
Với kế hoạch này, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia duy nhất có sự hiện diện thường trực trên không gian sau năm 2024.
Đến nay, Mỹ vẫn cấm Cơ quan Hàng không và Vũ trụ (NASA) hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực không gian do lo ngại an ninh quốc gia.
Tuy nhiên kế hoạch đầy tham vọng của Trung Quốc, nếu thành công tốt đẹp, sẽ mở ra nhiều cánh cửa hợp tác và thậm chí là kinh doanh cho nước này.
“Các quan chức Trung Quốc hẳn muốn hợp tác với Mỹ để chứng minh rằng họ là một phần trong gia đình các nước du hành vũ trụ, nhưng với trạm không gian của riêng mình thì nhiều đối tác ngoài Mỹ sẽ sẵn sàng xếp hàng hợp tác với họ” - đài CNN dẫn lời giáo sư Johnson-Freese của trường Đại học chiến tranh hải quân Mỹ nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận