Phóng to |
Nhiều khán giả ái mộ nán lại tặng hoa cho các nghệ sĩ sau đêm diễn Tiếng trống Mê Linh - một trong năm suất diễn kỷ niệm 64 năm thành lập đoàn Thanh Minh - Thanh Nga - Ảnh: Gia Tiến |
Cánh màn nhung đêm 9-3 khép lại, tiếng vỗ tay dài như không muốn dứt. Những cụ bà được con cháu dìu đi. Lững thững nối đuôi đoàn người, còn thoảng nghe tiếng nói: “Hồi xưa coi xong chưa có “dìa” liền, phải ráng chờ để ngó mặt nghệ sĩ”.
Tôi đứng lặng lẽ ngắm nhìn chân dung các vị tiền bối được treo trang trọng trước sảnh nhà hát. Những bậc tài danh không chỉ làm nên danh tiếng của một đại ban mà hơn hết, các vị đã để lại danh tiếng lẫy lừng của cải lương một thời trong lòng khán giả.
Tiếng bình luận lớn hơn tiếng hát
Vào những năm 1980-1990 khi chúng tôi lớn lên, cải lương không còn ở thời kỳ đỉnh cao với hàng chục đoàn lớn nhỏ, hàng chục điểm diễn mỗi đêm. Tuy vậy, chúng tôi vẫn may mắn có những cơ hội để được biết đến cải lương của một thời hoàng kim với những tên tuổi vẫn còn sức hút với hôm nay.
"Hãy đến xem, hãy nhìn những khuôn mặt hân hoan của khán giả ở mọi lứa tuổi mới thấy khán giả còn nặng lòng với cải lương đến như thế nào" |
Mỗi tuần, chúng tôi mong chờ đến ngày thứ bảy để được coi cải lương, coi kịch trên tivi. Thời đó chỉ có tivi đen trắng mà sao say mê đến lạ. Cả xóm tụ tập lại cùng nhau coi, cùng nhau bàn luận. Tôi biết đến Bên cầu dệt lụa, Tiếng trống Mê Linh... từ đó. Nửa đời hương phấn, Sầu vương biên ải, Ðời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt... thì được nghe hằng ngày qua băng cassette. Nhưng coi trên tivi hay nghe qua radio, cassette chả thể nào hấp dẫn bằng coi trực tiếp, thấy vua chúa, hoàng tử, công chúa, Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga... bằng xương bằng thịt.
Rạp Hưng Ðạo hồi đó là “thánh đường” cải lương (Nhà hát lớn TP thì chỉ mấy chương trình ca múa nhạc hiện đại mới được diễn thôi). Tối tối dân “phe vé” chợ đen đứng chật đường: “Anh chị mua vé hôn? Hôm nay có Lệ Thủy, Minh Vương, Vũ Linh, Tài Linh nè...”. Vô rạp Hưng Ðạo thì vừa coi vừa phải lấy quạt đuổi cái nóng và đuổi muỗi. Lâu lâu nghe nhột nhột dưới chân, hóa ra là một “ông tý” chạy đi kiếm đồ ăn. Con nít rần rần, mấy bà thì ào ào tranh nhau mà nói. Ðoạn nào hay thì rạp im, đoạn nào dở thì tiếng bình luận còn lớn hơn tiếng hát. Có lẽ nhờ vậy mà đào kép nào cũng ráng hết sức ca cho hay, diễn cho tốt nhằm thu hút khán giả.
Hồi đó trên sân khấu có một dàn micrô treo toòng teng được kéo dây cho chạy qua chạy lại. Diễn viên đi tới đâu thì micrô chạy theo tới đó. Có khi dây mắc kẹt nên diễn viên đang diễn ở chỗ này nhưng khi hát phải chạy về đằng kia, chỗ micrô treo. Có một lần đi coi vở Lục Vân Tiên. Ðến đoạn Vân Tiên bị mù và đang trên đường lang thang thì một cơn gió thổi qua, cái phông sân khấu muốn đổ xuống. Thế là ngay lập tức Vân Tiên chống cây gậy lên đỡ. Ở dưới khán giả cười cái rần.
“Sẽ còn chỗ đứng”
Ở trường tôi (nay là Nhạc viện TP.HCM) có một người hâm mộ nghệ sĩ Thanh Nga, đó là bà Bảy ở căngtin. Bữa nào học xong, rảnh rỗi chúng tôi lại qua thăm bà Bảy và đòi bà kể chuyện cải lương. Khoái nhất là đoạn bà kể về những ngày đi coi vở Thái hậu Dương Vân Nga. Bà nói: “Cô Thanh Nga cổ đẹp gì đâu, diễn thì hay gì đâu, oai nghi thì thôi rồi, miễn bàn. Còn Bảo Quốc hả? Mới ra là thấy mắc cười rồi, khoan diễn gì hết”. Xin nói thêm bà Bảy đúng là dân ghiền cải lương chính hiệu, chiều nào cũng hối các con lẹ lẹ ăn cơm rồi chở bà tới rạp. Lần đó bà Bảy mua vé nguyên tuần đi coi vở Thái hậu Dương Vân Nga, mà mới coi được có mấy ngày thì xảy ra chuyện hai vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga bị sát hại. Con cháu lại chở bà Bảy đi thắp nhang, đi đám. Về nhà bà Bảy buồn cả tuần. Nhờ bà Bảy mà tuy chúng tôi không được đi coi nhưng cũng biết được những đào kép, những vở cải lương lừng danh ngày ấy. Nhớ về bà Bảy, tôi lại thầm nghĩ nếu bà Bảy còn sống, bà sẽ ngạc nhiên biết bao nhiêu.
Hẳn điều ngạc nhiên lớn nhất là sân khấu hôm nay đẹp quá. Một sân khấu đẹp nằm trong một khán phòng đẹp, điều đó tạo nên một lớp khán giả “đẹp”. Ai đi coi cũng ăn mặc lịch sự, nói năng nhỏ nhẹ. Không nhìn thấy bất cứ một “bộ đồ bộ” nào - trong khi đó là trang phục chính của khán giả trước đây. Không có tiếng nhai nhóp nhép, tiếng tí tách cắn hạt dưa. Không nghe thấy bất cứ tiếng nói chuyện nào trong khi sân khấu sáng đèn, không có tiếng chuông điện thoại, tiếng nói chuyện qua điện thoại... làm mất sự tập trung của người bên cạnh. Ðó chính là khán phòng cùng với khán giả tuyệt vời mà bất cứ nghệ sĩ nào cũng mong muốn được đứng diễn.
“Ðêm nay có xa nhau, cho ngày mai ta lại gần”. Tôi cứ mong mãi lời hát ấy sẽ chỉ là lời tạm biệt của gánh hát Thanh Minh - Thanh Nga đối với khán giả tối nay (tối 9-3, đêm diễn cuối cùng của chương trình Chút tình gửi lại nhân gian). Bởi vì hãy đến xem, hãy nhìn những khuôn mặt hân hoan của khán giả ở mọi lứa tuổi mới thấy khán giả còn nặng lòng với cải lương đến như thế nào. Bên những mái đầu bạc lác đác một vài mái đầu xanh. Nhưng tôi tin rằng nếu cải lương được đầu tư một cách nghiêm túc, có những tích tuồng hay, đầy chất nghệ thuật và lay động được trái tim quần chúng thì cải lương mãi vẫn sẽ còn chỗ đứng trong đời sống nghệ thuật hôm nay. Chắc chắn sẽ có thêm nhiều mái đầu xanh cùng đồng hành với cải lương cho đến ngày trở thành đầu bạc.
“Coi tuồng này mới đã nè” Tuồng Tiếng trống Mê Linh đã thuộc vào hàng kinh điển nên tôi không lấy làm lạ khi bên cạnh mình nhiều người đã lẩm nhẩm hát theo từng đoạn nhạc. Từng câu chữ sao mà hay quá, cảm giác như lời hát không phải thoát ra từ thanh quản mà đi thẳng từ trái tim đến trái tim, làm mình cảm nhận trái tim đang đập dồn trong lồng ngực. Một bạn trẻ ngồi bên cạnh nói với tôi: “Chị ơi, coi tuồng này mới đã nè, oai hùng mà không có gào thét”. Tôi giật mình. Lâu nay tôi từng nghe học trò nói rằng cảm thấy mệt khi coi các trích đoạn đi thi. Trích đoạn nào cũng phải cố diễn tả nội tâm bằng cách lăn lộn, gào thét, khóc lóc. “Bộ cải lương là phải vậy sao cô?”. Tôi làm sao giải thích khi mà em chưa từng được xem những vở tuồng giá trị đầy tính nhân văn với những câu chữ được trau chuốt khéo léo, em chưa có cơ hội thưởng thức những nghệ sĩ tài năng đã “cháy” hết mình trong từng vai diễn. Tiếc rằng những trích đoạn em được xem trong các cuộc liên hoan, trong những chương trình thể hiện tài năng ấy thường chú trọng đến kỹ thuật nhiều hơn là nghệ thuật. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận