04/10/2021 18:00 GMT+7

Ngày 'Kỹ năng lao động Việt Nam': Nhanh chóng khôi phục lại thị trường lao động

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng đã có những chia sẻ với phóng viên Tuổi Trẻ Online về tầm quan trọng của chất lượng nguồn nhân lực trong ngày 'Kỹ năng lao động Việt Nam' 4-10.

Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam: Nhanh chóng khôi phục lại thị trường lao động - Ảnh 1.

Công nhân làm việc tại một doanh nghiệp may trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai - Ảnh: A LỘC

Ông Lê Tấn Dũng nói: Kỹ năng lao động luôn có vai trò rất quan trọng, góp phần tăng năng suất, năng lực cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh công nghệ số, tự động hóa, toàn cầu hóa.

Trong những năm qua, việc đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị nhân lực có kỹ năng nghề được Đảng, Nhà nước rất quan tâm, có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức, quy mô tuyển sinh, chất lượng và hiệu quả đào tạo.

Hệ thống các quy định pháp luật về giáo dục nghề nghiệp từng bước được hoàn thiện, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát triển rộng khắp, đa dạng về loại hình và trình độ.

Ngày càng xuất hiện ngày càng nhiều mô hình đào tạo chất lượng cao, đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Dù có nhiều chuyển biến tích cực, nhìn một cách tổng thể thì quy mô, cơ cấu và chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nhân lực trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội của 1 quốc gia gần 100 triệu dân, 55 triệu lao động đang trong giai đoạn dân số vàng.

* Được biết Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang thực hiện chỉ đạo của Chính phủ xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp và Đề án "Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam". Trong đề án này, các chiến lược sẽ được xây dựng trên những định hướng nào, thưa ông?

- Ông Lê Tấn Dũng: Mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong từng giai đoạn sẽ quyết định tới nhu cầu về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực. Nội dung đột phá chiến lược đã được xác định là tiếp tục phát triển toàn diện nguồn nhân lực, chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao, đẩy nhanh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo…

Trong đề án, chúng tôi xác định lực lượng lao động có chất lượng, kỹ năng và hiệu quả cao là nguồn tài nguyên vô giá, là nhân tố quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, "Nâng tầm kỹ năng lao động" cần được ưu tiên để nhanh chóng khôi phục lại thị trường lao động, đảm bảo chuỗi cung ứng lao động không bị đứt gãy và chuẩn bị cho công cuộc phục hồi nền kinh tế sau covid-19.

Các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan ưu tiên nguồn lực, cơ chế chính sách và hành động quyết liệt để đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng, tay nghề cao, phổ cập nghề cho thanh niên.

Phát triển kỹ năng lao động là quá trình được hình thành trong học tập, lao động và cuộc sống. Thay vì tư duy đào tạo một lần để làm việc suốt đời, chúng ta cần thay đổi chuyển từ đào tạo một lần sang học tập thường xuyên, học tập suốt đời để không ngừng nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp.

"Nâng tầm kỹ năng lao động", không phải là nhiệm vụ riêng của một ai, mà là của toàn xã hội. Cộng đồng doanh nghiệp và người sử dụng lao động cũng cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ đào tạo nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động.

* Trong bối cảnh dịch COVID-19, Bộ đã tham mưu Chính phủ những chính sách nào để duy trì chất lượng kỹ năng lao động, thưa ông?

- Ngay trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các bộ, ngành tham mưu nhiều chính sách và ưu tiên nguồn lực để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động, tong đó có chính sách hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất, tạo việc làm cho người lao động, chống đứt gãy chuỗi cung ứng lao động…

Có thể kể đến Nghị quyết số 68/NQ-CP (gói hỗ trợ 26.000 tỉ) và Nghị quyết 116/NQ-CP (gói hỗ trợ 38.000 tyỉ) về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Quyết định số 1446/QĐ-TTg phê duyệt chương trình "Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư".

Trước đó ngày 28-5-2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 24/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.

Ngày kỹ năng lao động Việt Nam

Từ năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định công nhận ngày 4-10 hằng năm là Ngày kỹ năng lao động Việt Nam.

Ngày kỹ năng lao động Việt Nam được Chính phủ xác định là dịp tôn vinh người lao động có kỹ năng của các nước trên thế giới, đồng thời thúc đẩy nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, vai trò, giá trị của người lao động Việt Nam có kỹ năng trong tình hình mới

Chủ tịch nước: Chủ tịch nước: 'Lao động có kỹ năng là nguồn tài nguyên vô giá'

TTO - Nhân Ngày kỹ năng lao động Việt Nam (4-10), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có thư kêu gọi đồng hành nâng tầm kỹ năng lao động vì một Việt Nam chiến thắng dịch bệnh và phát triển thịnh vượng.

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên