Bắt các em học sinh tiểu học phải ngồi dưới trời nắng nóng và nghe người lớn phát biểu trông thật tội nghiệp. Trong ảnh: học sinh lớp 1 ở một trường tiểu học tại TP.HCM trong lễ khai giảng - Ảnh: NHƯ HÙNG |
Mới đây, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề xuất sẽ chọn một thời khắc khai giảng đồng loạt cả nước, làm trang trọng và đúng ý nghĩa, dành thời gian cho giáo viên và học sinh.
Dướ đây là một số ý kiến của các học sinh về ngày khai giảng.
Con thích coi thả bong bóng, múa lân
Con ước lễ khai giảng ở trường con ngoài việc thả bong bóng như những năm học trước thì năm nay có múa lân hoặc là biểu diễn ảo thuật sẽ rất vui.
Con không thích nhiều người lên bục phát biểu vì nghe hoài không thấy hay, chỉ có các bạn nhảy múa trên sân khấu mới hay thôi.
Năm trước, sau khi khai giảng xong là tụi con phải lên lớp học. Con ước năm nay sau lễ khai giảng thì tụi con được chơi trò chơi như bịt mắt bắt dê, kéo co, nhặt đậu... thì sẽ thích hơn.
Không thích ngồi ngoài nắng nghe phát biểu
Lễ khai giảng ở trường con rất vui. Vui nhất là lúc thả bong bóng, lúc các bạn biểu diễn văn nghệ và lúc thầy hiệu trưởng dắt tay các em lớp 1 vào sân trường.
Nhưng con không thích ngồi ngoài nắng nghe các bác, các cô phát biểu (mặc dù sân trường có dù che nhưng vẫn nắng và rất nóng). Những lúc các bác phát biểu, tụi con ngồi bên dưới chẳng đứa nào chịu nghe mà toàn “tám” với nhau.
Con ước trường con có một hội trường thật to để có thể tổ chức lễ khai giảng trong ấy. Trong hội trường có nhiều quạt cho mát mẻ, có ghế dựa được xếp theo thứ tự từ thấp đến cao như trong rạp phim để tất cả học sinh đều nhìn thấy được những gì diễn ra trên sân khấu.
Chứ như hiện tại thì đi khai giảng mệt lắm, tụi con phải ngồi ghế nhựa thấp như ghế của mẹ con ngồi giặt đồ ở nhà, mỏi lưng quá.
Đã vậy, tụi con lớn nên phải ngồi phía sau, ưu tiên cho các em lớp 1, lớp 2 ngồi gần sân khấu nên có nhiều lúc tụi con chỉ thấy đầu của các em chứ chẳng thấy gì phía trên.
Con còn ước lễ khai giảng ở trường con diễn ra ngắn thôi, chỉ một mình thầy hiệu trưởng phát biểu để tụi con đỡ phải ngồi lâu, đỡ phải chịu nắng.
Oi bức và nhốn nháo
Em và các bạn hầu như không có ấn tượng gì về ngày khai giảng năm học mới. Cái chúng em nhớ được là những lễ khai giảng diễn ra trong oi bức, nhốn nháo. Học sinh phải xếp hàng nghe đọc diễn văn rất dài, rồi phát biểu của cấp trên, phát biểu của đại diện phụ huynh, cựu học sinh.
Em thấy gần như những bài phát biểu không ai nghe và cũng rất khó nghe cho hết trong không khí ồn ào.
Lễ khai trường em nhớ nhất là năm lớp 1. Hồi đó em không nhớ có bao nhiêu đại biểu tới dự và họ đã đọc bài phát biểu như thế nào, có những nội dung gì đã diễn ra, em chỉ nhớ cô giáo chủ nhiệm lớp 1 rất hiền và ân cần. Cô đón tay em rồi bảo em chào mẹ trước khi đứng vào hàng. Có lẽ ấn tượng về khai giảng của em chỉ là một cử chỉ quan tâm, ân cần chào đón.
Mong được gửi gắm và kỳ vọng Nhìn chung, tôi thấy các trường hiện nay ít đầu tư cho lễ khai giảng mặc dù nó rất quan trọng trong cuộc đời học sinh. Lễ khai giảng bây giờ đa số tổ chức theo lối mòn: đón học sinh mới - chào cờ - hát quốc ca - đọc thư của Chủ tịch nước - diễn văn khai giảng của thầy hiệu trưởng - đại diện lãnh đạo quận phát biểu - đại diện phụ huynh phát biểu - một học sinh đạt thành tích cao trong kỳ thi tuyển sinh vào ĐH phát biểu... Không giống như những trường khác, các vị lãnh đạo tới dự lễ khai giảng ở trường tôi không phát biểu dài lê thê, chỉ nói vài câu ngắn gọn đại loại như: “Chúc mừng năm học mới. Chúc các em học tốt” là xong. Tuy nhiên, tôi lại mong nhiều hơn thế, nhất là những kỳ vọng, nhắn nhủ đối với chúng tôi. Tôi còn mong các vị lãnh đạo địa phương khi phát biểu trong lễ khai giảng năm học cần nói đến việc các bác ấy sẽ làm gì để học sinh được học tập trong môi trường tốt hơn. Ngoài ra, tôi cũng mong lễ khai giảng của các trường phổ thông cần có những “điểm nhấn” mang tính giáo dục học sinh chứ không chỉ là những nghi lễ. Nếu được như vậy thì lễ khai giảng thật sự là một ngày hội giáo dục ý nghĩa đối với cả thầy và trò. |
* Mời đón xem các ý kiến của các bậc phụ huynh, thầy cô giáo và nhà nghiên cứu ở bài sau. Bạn cũng có thể khuyến khích con bạn cũng như chính bạn bày tỏ suy nghĩ của mình về một ngày khai giảng mong đợi ở phần Ý kiến bạn đọc ngay dưới bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận