Thí sinh chăm chú lắng nghe tại buổi tư vấn xét tuyển - Ảnh: Như Hùng |
Ngày hội do báo Tuổi Trẻ và Bộ GD-ĐT phối hợp tổ chức, cùng sự đồng hành của Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động - thương binh và xã hội) và Tập đoàn Vingroup.
Cả ngàn thí sinh từ huyện xa và tỉnh bạn đến dự
Các thí sinh đến từ các trường THPT Nguyễn Văn cừ (Hóc Môn), THPT An Nghĩa, THPT Cần Thạnh (Cần Giờ); THPT chuyên Tiền Giang; THPT Lý Thường Kiệt, THPT Nguyễn Trãi (Tây Ninh); THPT Hoàng Diệu (Sóc Trăng);...
Các trường trên đều được ban tổ chức hỗ trợ một phần chi phí đi lại để tạo điều kiện cho học sinh được tiếp cận gần hơn với thông tin tuyển sinh năm nay.
Ngoài ra, nhiều học sinh tại các trường THPT Bình Chánh, THPT Củ Chi (TP.HCM), THPT Cái Bè (Tiền Giang), THPT Thanh Bình (Đồng Tháp), THPT Cầu Ngang B (Trà Vinh),… cũng chủ động tự túc di chuyển để tham gia ngày hội.
Học sinh trường THPT Nguyễn Trãi (Tây Ninh) đến tham gia ngày hội - Ảnh: Như Hùng |
Nếu cần điều chỉnh nguyện vọng, nên thực hiện sớm
TS Nguyễn Thị Kim Phụng, vụ trưởng Vụ GD ĐH, Bộ GD - ĐT, kể: “Có nhiều thí sinh đã hỏi tôi rằng: em đủ điểm để đậu cả 3 nguyện vọng thì có trúng tuyển hết cả 3 nguyện vọng không? Xin trả lời là thí sinh chỉ đậu 1 nguyện vọng duy nhất và cao nhất mà thôi. Tức là nếu thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng 1 thì không được xét nguyện vọng 2; hoặc rớt nguyện vọng 1 nhưng trúng tuyển nguyện vọng 2 thì không được xét tiếp nguyện vọng 3 nữa”.
Bà Phụng đưa ra lời khuyên: thí sinh nên điều chỉnh theo cách trực tuyến vì mình có thể chủ động mà không phải phụ thuộc vào các cơ sở tiếp nhận. Tuy nhiên, nếu các em muốn tăng thêm nguyện vọng thì phải điều chỉnh bằng phiếu. Tôi xin khẳng định là không giới hạn phạm vi, nội dung nguyện vọng: có thể thay tổ hợp xét tuyển, thay ngành xét tuyển, trường và nguyện vọng xét tuyển,...”
Theo bà Phụng: thí sinh có thể tham khảo cách hướng dẫn cụ thể để điều chỉnh nguyện vọng tại Cổng thông tin thi - tuyển sinh của Bộ GD- ĐT. Đặc biệt, hệ thống đã mở từ ngày 9 đến ngày 11-7 để các thí sinh thực hành điều chỉnh nguyện vọng.
"Các em yên tâm đây chỉ là thực hành nên mọi thông tin sẽ thực hiện trên sever khác, không liên quan đến những thông tin chính thức của mình khi xét tuyển vào ĐH.
Tôi xin lưu ý là thí sinh chỉ được điều chỉnh 1 lần trong hệ thống. Tức là nếu thí sinh đã điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến nhưng sau đó lại điều chỉnh bằng phiếu nữa thì hệ thống sẽ không chấp nhận", bà Phụng nhắc.
Bà Phụng khuyên các thí sinh không nên để để sát đến ngày hết hạn mới điều chỉnh nguyện vọng mà nên điều chỉnh sớm sau khi đã nắm đủ thông tin. “Vì có thể có những sai sót trong quá trình thay đổi nguyện vọng, nếu sát ngày hết hạn thay đổi nguyện vọng thì việc khắc phục sai sót sẽ rất khó khăn”, bà Phụng nói.
Thí sinh thích thú trải nghiệm phần mềm thực tế ảo - Ảnh: Ngọc Biển |
Khám phá mô hình thông minh
Không chỉ được tiếp cận với những thông tin tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ, thí sinh và phụ huynh đến với ngày hội tư vấn xét tuyển năm 2017 còn được trải nghiệm trực tiếp những sản phẩm công nghệ thông minh ngay tại các gian hàng tư vấn.
ĐH Nguyễn Tất Thành là một trong những gian hàng tư vấn thu hút sự chú ý, vì tại đây, thí sinh và phụ huynh được giới thiệu và trải nghiệm mô hình nhà nông nghiệp thông minh trong lòng thành phố và công nghệ thực tế ảo.
Ông Dương Trọng Hải, viện trưởng Viện Khoa học công nghiệp 4.0, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết: "Đây là lần đầu tiên chúng tôi giới thiệu mô hình nhà nông nghiệp thông minh đến với phụ huynh, học sinh tại ngày hội tư vấn xét tuyển.
Điểm nổi bật của mô hình này là con người có thể điều khiển được nhiệt độ, độ ẩm, tác động gió, ánh sáng, lượng nước tưới,... phù hợp, đảm bảo sự sinh trưởng, phát triển của các loại cây trồng trong chính ngôi nhà mà họ đang ở, thông qua việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo. Qua đây, chúng tôi muốn mang đến cái nhìn trực quan nhất cho phụ huynh và học sinh về trường ĐH của mình."
Bên cạnh đó, nhiều thí sinh cũng tỏ ra rất thích thú khi được tương tác trực tiếp với hình ảnh 3D của các cơ quan nội tạng trong cơ thể người nhờ phần mềm ứng dụng công nghệ thực tế ảo.
Theo đó, khi dùng phần mềm công nghệ thực tế ảo soi, chiếu vào hình ảnh phẳng trên trang giấy (hình ảnh đã được lập trình sẵn trong phần mềm) thì lập tức màn hình điện thoại thông minh sẽ hiển thị hình ảnh 3D bao quát tất cả các góc cạnh của hình ảnh phẳng ban đầu nhờ công nghệ xử lí ảnh và công nghệ minh họa sâu 3D.
Ngoài ra, nhóm sinh viên tại gian hàng tư vấn trường ĐH Nguyễn Tất Thành còn mang đến ngày hội mô hình hai robot lễ tân có khả năng chào hỏi, vỗ tay, trò chuyện.
Không riêng gian hàng tư vấn trường ĐH Nguyễn Tất Thành, các gian hàng đến từ các trường ĐH, CĐ khối ngành khoa học kỹ thuật cũng mang đến các mô hình sáng tạo khác như: máy in 3D, máy vẽ tranh (ĐH Bách khoa TP.HCM); máy cắt laser, máy pha cafe (ĐH Sư Phạm Kỹ Thuật TP. HCM); mô hình xử lí nước thải (ĐH Lạc Hồng)....
Sinh viên năm nhất ĐH Quốc tế đem máy đóng nắp chai tự động đến ngày hội tư vấn xét tuyển - Ảnh: Huệ Lâm |
Giới thiệu máy đóng nắp chai tự động của sinh viên năm nhất
Tại ngày hội, Trường ĐH Quốc tế trưng bày và giới thiệu mô hình máy đóng nắp chai tự động. Đây là sản phẩm của 10 bạn sinh viên năm nhất thuộc ngành kỹ thuật hệ thống công nghiệp.
Máy đóng nắp chai tự động của nhóm mô phỏng lại cơ cấu đóng nắp chai trong sản xuất công nghiệp. Bên cạnh đó, sản phẩm có một số điểm cải tiến về kỹ thuật so với các máy đóng nắp phổ biến hiện nay.
"Máy sử dụng cơ cấu cơ là chủ yếu thay vì lập trình điện như các máy đóng nắp khác nên độ chính xác cao hơn. Máy có hai khâu là rót nước và đóng chai tự động. Hệ thống rót sử dụng van điện từ với khả năng điều tiết lượng nước và tốc độ chảy" - Trần Ngọc Yến Vy, thuộc nhóm nghiên cứu, cho biết.
Nhiều người đến tham dự khá thích thú với sản phẩm của các sinh viên. Khi một học sinh đặt câu hỏi liệu máy có thể đóng nắp nhiều chai một lúc để tiết kiệm thời gian thay vì từng chai một không. Yến Vy chia sẻ: "Đây chỉ mới là mô hình thu gọn. Việc đóng nhiều chai một lúc sẽ cần hệ thống phức tạp hơn. Nhưng nếu bạn có ý tưởng thì có thể cải tiến đồ án này cùng nhóm mình vào những năm tới".
Thầy Nguyễn Văn Chung, giảng viên phụ trách bộ môn, cho biết: "Mặc dù chưa phải là một sản phẩm hoàn thiện và chuyên nghiệp vì các em chỉ mới năm nhất nhưng khi giới thiệu hôm nay, chúng tôi hi vọng sẽ giúp các học sinh đến đây phần nào hình dung được khi vào ngành, mình sẽ học gì. Sản phẩm trực quan do sinh viên tự làm là một cách tiếp cận ngành nghề hay".
Sinh viên Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật TP.HCM giới thiệu máy bán hàng tự động do chính sinh viên chế tạo - Ảnh: Tường Hân |
Thí sinh lắng nghe tư vấn của các thầy cô tại ngày hội tư vấn xét tuyển ĐH – CĐ 2017 - Ảnh: Hữu Khoa |
Giới thiệu bàn tay robot tại ngày hội tư vấn - Ảnh: Hữu Khoa |
Thí sinh chăm chú lắng nghe tại buổi tư vấn xét tuyển - Ảnh: Như Hùng |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận