Ngày hội khuyến mãi ở thời "sale" quanh năm

TRÚC ANH 21/11/2023 05:00 GMT+7

TTCT - Giữa thời thắt chặt chi tiêu và chuyện "sale sập sàn" diễn ra rải rác hầu như suốt năm, những ngày hội mua sắm như Ngày lễ độc thân hay Black Friday có còn sức hút?

Quảng cáo quảng bá cho lễ hội mua sắm Ngày Độc thân 2023 của Alibaba tại một trạm xe buýt ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters

Quảng cáo quảng bá cho lễ hội mua sắm Ngày Độc thân 2023 của Alibaba tại một trạm xe buýt ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters

Mất sức hút?

Lễ độc thân (Singles Day) - từ một sáng kiến vào năm 2009 của Alibaba đã thành ngày hội mua sắm toàn quốc ở Trung Quốc và có thể nói là lớn nhất hành tinh - diễn ra vào ngày 11-11 hằng năm, vì cách viết bốn số 1 như bốn người cô đơn đứng cạnh nhau.

Đọc báo chí nước ngoài và truyền thông Trung Quốc về sự kiện 11-11 (còn có tên gọi khác là Double 11) năm nay mà cứ tưởng cả hai đang không nói về cùng một thứ. AFP ngày 12-11 dẫn lời Jacob Cooke - CEO một hãng tư vấn thương mại điện tử có trụ sở ở Bắc Kinh - cho biết Singles Day đã "mất sức hút" vì nhiều lý do: bán hàng qua livestream nổi lên, và các lễ hội mua sắm diễn ra quanh năm, người tiêu dùng không cần phải chờ tới đúng ngày mới có thể săn hàng đại khuyến mãi.

Trong khi đó, tờ Thời báo Hoàn Cầu ngày 12-11 có bài "[Lễ độc thân] đạt "con số kỷ lục" khi tiêu dùng phục hồi". "Con số kỷ lục" mà tờ báo Trung Quốc này nhắc tới thật ra không phải là con số cụ thể nào. Alibaba - công ty thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc - thông báo có "tăng trưởng doanh thu tích cực" sau Singles Day, trong khi đối thủ JD.com nói "doanh thu đạt kỷ lục", dù không công bố là bao nhiêu. 

Đây là năm thứ hai liên tiếp hai gã khổng lồ này không công khai doanh số "Lễ độc thân". Tạp chí tài chính Barron's của Mỹ ngày 13-11 cho rằng "tăng trưởng có thể đã chững lại" ở cả hai, và dù họ tuyên bố kết quả khả quan, "đó không phải là chiến thắng cho (sự phục hồi) của kinh tế Trung Quốc".

Thời báo Hoàn Cầu tất nhiên nói khác. Dẫn ước tính của một hãng dữ liệu độc lập, tờ này cho rằng tổng khối lượng bán hàng (GMV) của các nền tảng thương mại điện tử lớn đã tăng 2,08% lên 1,14 nghìn tỉ nhân dân tệ (156 tỉ USD) so với mức tăng trưởng 2,9% của năm ngoái. Ngoài ra, Cục Bưu điện Nhà nước Trung Quốc nói họ đã lập kỷ lục mới khi xử lý 639 triệu bưu kiện trong "Lễ độc thân", gấp 1,87 lần số lượng ngày thường. 

Thời báo Hoàn Cầu kết luận: dù thế nào đi nữa, tổng doanh số bán hàng dự kiến sẽ tăng trưởng hai con số, khẳng định sự phục hồi tiêu dùng của Trung Quốc, "bất chấp truyền thông nước ngoài cho rằng Singles Day đã mất sức hút vì áp lực suy thoái của kinh tế Trung Quốc".

Nếu đúng phương Tây có ý "dìm hàng" đại hội mua sắm của Trung Quốc, thì họ lại sắp sửa vào vai bị soi, khi Black Friday - thứ sáu ngay sau lễ Tạ ơn, năm nay là 24-11 - đã cận kề. Một thăm dò trên 1.200 người trưởng thành gần đây của YouGov cho thấy 52% người tiêu dùng Mỹ có ý định "nói không tuyệt đối" với Black Friday 2023; trong số này có 24% đã từng mua sắm vào đợt này năm ngoái.

Những người này sẽ tạm đóng hầu bao "và chờ đến cuối năm khi các nhà bán lẻ giảm giá sâu hơn" - tác giả Pamela N. Danziger viết cho Forbes ngày 13-11, kèm nhận định: Black Friday đã mất sức hút rồi. Cái này tự báo Mỹ "chúng tôi nói về chúng tôi", truyền thông Trung Quốc không cần lên tiếng.

Ảnh: Hollie Adams/Getty Images

Ảnh: Hollie Adams/Getty Images

Không cần theo số đông

Một xu hướng đáng chú hơn là các thương hiệu, chuỗi bán lẻ không thèm tham gia Black Friday, giữa thời siêu khuyến mãi quanh năm suốt tháng. Lý do, theo BBC, có thể là vì để giữ hình ảnh, giá trị thương hiệu, vì đạo đức kinh doanh, hay đơn giản là bài toán kinh tế.

Các thương hiệu đang ưu tiên vì môi trường, trách nhiệm xã hội sẽ "không thoải mái khi tham gia vào một ngày hoặc một chương trình khuyến mãi bán hàng chỉ để thúc đẩy tiêu dùng không cần thiết" - Lisa Hutcheson, giám đốc điều hành chiến lược bán lẻ hãng tư vấn J.C. Williams Group (Canada), lý giải. Tương tự, các thương hiệu sang trọng sẽ không muốn tham gia ngày hội siêu khuyến mãi vì như thế sẽ mất giá trị thương hiệu.

Robert Overstreet, trợ giáo sư quản lý chuỗi cung ứng Trường kinh doanh Ivy Đại học bang Iowa (Mỹ), chỉ ra một nguyên nhân khác: nhiều nhà bán lẻ không muốn vất vả chạy quảng cáo, cập nhật giá, chỉ để thu hút những người thích săn hàng sale, khó trở thành khách hàng trung thành của thương hiệu. 

David Soberman, giáo sư marketing Trường quản lý Rotman Đại học Toronto góp thêm rằng làm thế là đúng, để tránh tác dụng ngược: những khách hàng cốt lõi của thương hiệu sẽ mất hứng mua sắm nếu cửa tiệm đông đúc những người lùng mua đồ giá rẻ.

Không tham gia đôi khi lại được nhiều hơn mất. Mùa Black Friday này, 181 cửa hiệu mặt tiền của chuỗi thời trang ngoài trời REI sẽ đóng cửa tắt đèn, và 16.000 người lao động, kể cả bộ phận văn phòng và kho bãi, sẽ ở nhà nghỉ khỏe. Đây là "truyền thống" của hãng từ năm 2015.

Ben Steele, giám đốc phụ trách mảng khách hàng, nhớ lại: thông tin REI không tham gia Black Friday 2015 khiến thương hiệu xuất hiện đến 7 tỉ lần (impresssion) trên các phương tiện truyền thông đại chúng - từ TV, đài phát thanh, báo in, trang web đến các nền tảng khác. 

"Rất nhiều người biết đến REI và điều khiến chúng tôi trở nên độc đáo, đặc biệt và khác biệt trong thời điểm đó" - Steele nói về chuyện được nhiều hơn mất.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận