12/04/2022 08:57 GMT+7

Ngày hội đến trường của trẻ mầm non

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Ngày 13-4, khoảng 550.000 trẻ lứa tuổi mầm non ở Hà Nội sẽ trở lại trường. Sự kiện này thực sự là một "ngày hội đến trường" của trẻ, điều thường chỉ có vào dịp khai giảng năm học mới.

Ngày hội đến trường của trẻ mầm non - Ảnh 1.

Giáo viên, nhân viên của hệ thống mầm non Happy Time (Hà Nội) lau dọn vệ sinh chuẩn bị đón trẻ trở lại trường - Ảnh: T.H.

Nhiều cơ sở mầm non ở Hà Nội đã tận dụng cả những ngày nghỉ lễ trong dịp giỗ Tổ để chuẩn bị cho sự trở lại của trẻ.

Kêu gọi phụ huynh đóng góp đồ chơi

"Chúng tôi giải thể một cơ sở. Còn một cơ sở thì tạm cho thuê lại mặt bằng tầng 1 làm cửa hàng rau sạch khi Hà Nội bùng dịch lớn vì nghĩ khó có thể cho học sinh trở lại ngay được. Khi thành phố cho phép đi học thì hợp đồng cho thuê vẫn còn tới hết tháng 5-2022. Chúng tôi đã phải thương lượng và chịu thiệt một chút để lấy lại mặt bằng. Suốt ba ngày nghỉ lễ, chúng tôi lo sơn lại toàn bộ nội thất bốn tầng nhà, lau dọn sàn nhà, phun khử khuẩn. Đồ dùng dạy học, đồ chơi, vật dụng ăn bán trú của trẻ bị hỏng và bị mất mát nhiều sau một năm liên tục phải đóng cửa, giờ phải đầu tư mua mới" - chị Thái Hồng, cơ sở mầm non ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), chia sẻ.

Chị Hồng cho biết sau khi đón trẻ trở lại thì sẽ còn nhiều thứ phải đầu tư. Trước mắt, cơ sở này kêu gọi phụ huynh đóng góp đồ chơi và giáo viên tự làm thêm đồ dùng dạy học. Theo chị Hồng, trên các diễn đàn, giáo viên mầm non cũng rao bán nhiều đồ dùng thanh lý hoặc đồ do giáo viên tự làm bán kiếm thêm thu nhập. Đây là nguồn bổ sung tạm thời.

Trong khi đó, cô Hoàng Thúy Hằng - người điều hành hệ thống mầm non Happy Time (Hà Nội) - cho biết ngay đầu tháng 4-2022 đã thực hiện việc sửa sang và khởi động lại hoạt động cho ngày đón trẻ trở lại. "Trong hai năm COVID-19, trường phải đóng cửa gần 20 tháng, rất nhiều việc phải làm cho sự trở lại. Với đặc thù đối tượng mầm non, việc khử khuẩn, vệ sinh trường lớp, vật dụng, chuẩn bị các yếu tố để vận hành lại phải rất tỉ mỉ, cẩn trọng. Đảm bảo an toàn cho trẻ ở mức cao nhất cũng là cách làm yên lòng phụ huynh trong thời điểm này" - cô Hằng cho hay.

Hai lớp phòng dịch

Phương án đón trẻ và giải pháp xử trí khi có dịch xuất hiện trong trường là những việc mà các cơ sở mầm non phải tính đến và thông báo công khai đến từng phụ huynh.

Theo cô Đinh Thị Phương Lan, quản lý hệ thống mầm non Thăng Long Academy (Hà Nội), các cơ sở của hệ thống này đều thực hiện việc phòng dịch hai lớp: Đo thân nhiệt, kiểm tra sơ bộ sức khỏe của trẻ, sát khuẩn tay ở cổng trường và trước khi vào lớp học.

"Với trẻ nhỏ sẽ rất khó thực hiện việc test COVID-19 nhiều, cũng không thể bắt trẻ ngồi một chỗ không chạy nhảy và đeo khẩu trang trong suốt thời gian ở trường được. Nhưng bù lại chúng tôi có những biện pháp khác phù hợp để bảo vệ sức khỏe và cố gắng nhất có thể không để lây lan dịch trường học.

Ví dụ trẻ mầm non có thể nhõng nhẽo với bố mẹ nhưng lại rất vâng lời cô giáo. Chúng tôi yêu cầu giáo viên phụ trách lớp cho học sinh súc miệng nước muối ấm, xịt rửa mũi, miệng bằng nước ấm có nhỏ tinh dầu tỏi, rửa tay sát khuẩn để phòng dịch. 

Việc vận hành bữa ăn bán trú cũng đảm bảo vệ sinh an toàn nguồn thực phẩm, quy trình chế biến. Ngoài ra sẽ hạn chế việc giao tiếp giữa các lớp, chỉ khoanh vùng cho trẻ sinh hoạt trong phạm vi lớp để nếu có phát sinh dịch cũng không bị lan rộng" - cô Phương Lan chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Tuyết Lan - hiệu trưởng Trường mầm non Phú Thị (huyện Gia Lâm, Hà Nội) - cho biết phải huy động toàn bộ giáo viên, nhân viên vào các giờ cao điểm đón và trả trẻ phải có mặt ở các vị trí khác nhau. Mỗi lớp sẽ phân ra, một cô trên lớp thì một cô phải ở cổng và sân trường để tiếp nhận trẻ. Phụ huynh chỉ đưa trẻ đến cổng trường, đảm bảo yêu cầu phân luồng.

Tuy vậy, theo cô Tuyết Lan, việc đảm bảo đúng 5K với trẻ mầm non sẽ khó so với bậc học trên. Việc phòng ngừa dịch cần phải thực hiện các bước từ trước và duy trì trong thời gian trường mở lại. Cụ thể là rà soát để nắm tình hình sức khỏe của trẻ, những yếu tố dịch tễ liên quan tới gia đình học sinh để có biện pháp cách ly sớm. Cha mẹ học sinh và giáo viên sẽ phối hợp chặt chẽ hơn trong việc đo thân nhiệt cho trẻ trước khi đến trường. Giáo viên mỗi lớp hướng dẫn, hỗ trợ trẻ rửa tay sát khuẩn trước khi vào lớp, trước và sau khi ăn và sau khi đi vệ sinh...

Tuyển dụng, giữ chân giáo viên

Thiếu nhân sự không chỉ giáo viên mà cả nhân viên các bộ phận cần thiết như văn phòng, y tế, kế toán, thậm chí là nhân sự ban giám hiệu là tình trạng diễn ra ở nhiều cơ sở mầm non tư thục vào thời điểm này.

Cô Đinh Thị Phương Lan cho biết từ đầu tháng 4 trường đã phải thông tin cho đội ngũ nhân sự cũ về việc chuẩn bị mở cửa trở lại. "Những giáo viên, nhân viên ở các vị trí chủ chốt nếu trở lại trường ngay sau dịp nghỉ giỗ Tổ thì trường sẽ ghi nhận và tăng lương. Những người trở lại muộn hơn thì chúng tôi chỉ duy trì mức lương như trước đây. Giáo viên mầm non làm việc vất vả, thời gian lao động trong ngày ở mức cao, nhưng lương thì thấp. Từ đại dịch COVID-19 thì càng nhìn thấy rõ nghề giáo viên mầm non có rủi ro rất lớn. Bởi vậy, chúng tôi thông cảm với những người đã không quay lại nhưng sẽ trân trọng và cố gắng thể hiện sự ghi nhận bằng chính sách trả lương cụ thể để khuyến khích những người tiếp tục gắn bó" - cô Lan bày tỏ quan điểm.

Theo cô Hoàng Thúy Hằng, việc đứt gãy của đội ngũ nhân sự trường mầm non không chỉ xảy ra với một vài cơ sở mà hầu hết trong hệ thống mầm non của những địa phương phải đóng cửa trường lâu như Hà Nội. 

"May mắn cho chúng tôi là hiện tại vẫn đủ giáo viên để duy trì hoạt động. Và chúng tôi sẽ cố vận hành 1 - 2 tháng cho tới khi kết thúc một chu trình của năm học, sau đó sẽ phải có chiến lược để bổ sung nhân lực. Nhất là nhân lực ở vị trí chủ chốt, giáo viên được đào tạo, không chỉ đảm bảo chuẩn trình độ mà còn có kỹ năng chăm sóc trẻ tốt. Để làm việc này, chúng tôi cần thời gian để tổ chức các chương trình truyền cảm hứng, tạo động lực, đồng thời tập huấn kỹ năng cần thiết cho giáo viên mới", cô Hằng cho biết.

Ở nhiều cơ sở mầm non quy mô nhỏ hơn trong những ngày này vẫn phải tích cực thông báo tuyển giáo viên mới bên cạnh kêu gọi giáo viên cũ quay lại với nghề. Theo một giáo viên từng làm việc ở hệ thống mầm non Ong Việt (Hà Nội) thì cô và một số đồng nghiệp đang nhiều băn khoăn, tâm tư. "Trong thâm tâm, chúng tôi muốn trở lại vì nghề nghiệp được đào tạo và đã từng lựa chọn, không dễ gì buông là buông. Nhưng hai năm đại dịch khiến chúng tôi quá sợ".

Theo chủ hệ thống mầm non Ong Việt, Lá Phong Xanh tại Hà Nội thì sẽ phải một thời gian hoạt động trở lại mới có thể bổ sung đủ giáo viên so với trước đây. Hiện tại một số cơ sở mầm non tư thục ở Hà Nội phải sắp xếp lại bộ máy, giảm bớt nhân sự ở bộ phận gián tiếp để dành quỹ lương tuyển và tăng lương nhằm giữ chân giáo viên.

Phụ huynh đồng thuận

Trong khó khăn vẫn có những yếu tố thuận lợi mà nhiều hiệu trưởng và chủ trường mầm non ở Hà Nội cho rằng may mắn. Đó là sự đồng thuận của phụ huynh. "Nhiều cơ sở mầm non quy mô nhỏ đã giải thể nên chúng tôi có nhiều học sinh mới chuyển về" - cô Phương Lan cho biết. Tương tự, cô Hoàng Thúy Hằng cũng chia sẻ, trong hơn một tuần đầu tháng 4-2022, hầu như ngày nào cũng có phụ huynh đến quan sát, nghe tư vấn và đăng ký cho trẻ trở lại trường.

"Khác với những tháng trước đây, hầu hết phụ huynh không quá e dè, sợ dịch khi tới trường. Điều họ quan tâm đầu tiên vẫn là điều kiện đảm bảo an toàn cho trẻ. Khảo sát của chúng tôi cũng cho thấy có trên 50% số trẻ đã nhiễm COVID-19 trong thời gian ở nhà và lây từ cộng đồng, từ người trong gia đình. Các bé đều bị nhẹ và đã ổn định sức khỏe nên tâm lý phụ huynh không quá nặng nề. Trái lại, nhiều phụ huynh mong đợi ngày trẻ được trở lại trường.

Mấy ngày qua, nhiều phụ huynh đã đưa trẻ đến trường để chơi và làm quen, chuẩn bị tâm lý cho trẻ trong ngày chính thức trở lại trường. Chính phụ huynh đã giải tỏa rất nhiều cho chúng tôi, khi chúng tôi từng mường tượng trở ngại từ tâm lý e dè của phụ huynh là một khó khăn lớn cho chúng tôi sau một thời gian dài trẻ nghỉ phòng dịch" - cô Lan cho hay.

Không khí thân thiện, vui vẻ để đón trẻ

Cùng với việc dọn vệ sinh, có phương án đảm bảo phòng dịch, các cơ sở mầm non ở Hà Nội đều trang trí nhiều cờ, hoa và có các hình thức hoạt động mang lại không khí thân thiện, vui vẻ để đón trẻ trở lại. Ở một số cơ sở mầm non, những tấm phông được treo ngay cổng, sảnh các tòa nhà và sân trường đề dòng chữ "Chào mừng ngày hội đưa trẻ đến trường".

Tăng tốc bù đắp kiến thức, kỹ năng

Theo một số hiệu trưởng trường mầm non tại Hà Nội thì những khó khăn ở khía cạnh chuyên môn vẫn rất lớn do trẻ ở nhà quá lâu nên quên hết các thói quen, kỹ năng được dạy.

Với trẻ 5 tuổi bắt buộc phải hoàn thành chương trình mầm non mới đạt điều kiện để bước vào lớp 1. Trong thời gian trường đóng cửa, giáo viên vẫn phải liên hệ, gửi bài học cho phụ huynh để họ hỗ trợ dạy trẻ nhưng hiệu quả không cao. Trở lại trường vào thời điểm này, giáo viên sẽ phải tăng tốc để bù đắp kiến thức và kỹ năng thiếu, trong khi vẫn phải chú ý đến những hoạt động vui chơi, chăm sóc trẻ. "Gánh nặng với giáo viên mầm non trong thời gian tới sẽ rất lớn", cô Nguyễn Thị Tuyết Lan chia sẻ.

Hà Nội cho trẻ mầm non học trực tiếp từ ngày 13-4 Hà Nội cho trẻ mầm non học trực tiếp từ ngày 13-4

TTO - Chiều 8-4, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng ký văn bản cho phép trẻ mầm non tại 30 quận, huyện, thị xã trở lại trường học trực tiếp từ ngày 13-4.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: mầm non trẻ mầm non