Ngày hội của các dự án giao thông cả nước

Từ nay đến 30-4, một loạt dự án giao thông trong cả nước sẽ rộn ràng khởi công, khánh thành chào mừng kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước. Đó là những công trình nào?

dự án giao thông - Ảnh 1.

Thêm 18,8km cao tốc Bến Lức - Long Thành sắp thông xe, rút ngắn thời gian đi từ cửa ngõ phía tây về khu nam và trung tâm TP.HCM dịp 30-4 - Ảnh: PHƯƠNG NHI

Càng ý nghĩa hơn, các dự án này sẽ định hình bộ khung giao thông cơ bản cho các siêu đô thị trong thời điểm sáp nhập, mở ra động lực và không gian phát triển mới.

Rộn ràng khánh thành, khởi công

Tại nhà ga T3 - sân bay Tân Sơn Nhất, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết đã hoàn thiện toàn bộ các hạng mục và sẵn sàng đưa dự án vào khai thác dịp 30-4, vượt tiến độ hai tháng so với kế hoạch ban đầu. Nhà ga có quy mô một tầng hầm và bốn tầng nổi, khi đưa vào sử dụng sẽ nâng công suất khai thác của sân bay Tân Sơn Nhất lên 50 triệu lượt hành khách/năm.

Dự kiến lượng khách qua Tân Sơn Nhất dịp lễ 30-4 năm nay có thể lên đến 120.000 lượt/ngày. Việc đẩy nhanh tiến độ đưa công trình nhà ga T3 vào vận hành có ý nghĩa rất lớn, giúp giảm áp lực quá tải, nâng cao chất lượng phục vụ.

Ông Lương Minh Phúc - giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) - cũng cho biết một loạt dự án tại TP.HCM sẽ hoàn thành và khởi công trước 30-4.

Trong đó dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa sẽ thông xe toàn tuyến, kết nối vào nhà ga T3 giúp chuyện đi lại của người dân đến sân bay Tân Sơn Nhất được thông suốt, thuận lợi. Còn ở phía đông, một nhánh hầm chui tại nút giao An Phú (hầm HC1 trên đường Mai Chí Thọ) cũng sẽ đưa vào khai thác trước khi hoàn thành toàn bộ dự án trong năm nay.

"Cũng trong dịp lễ này, Ban Giao thông sẽ khởi động gói thầu rà phá bom mìn để chuẩn bị xây dựng tuyến vành đai 2 (đoạn 1 và 2), cũng như tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài nối TP.HCM với tỉnh Tây Ninh. Sau đó một loạt dự án quan trọng khác cũng lần lượt khởi công. Đây là bước khởi đầu quan trọng để đẩy nhanh tiến độ các tuyến đường quan trọng trong thời gian tới", ông Phúc nói.

Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết dự án thành phần 1A có cầu Nhơn Trạch (cầu lớn nhất đường vành đai 3 TP.HCM) đã được chốt thời gian thông xe kỹ thuật ngày 27-4. Toàn dự án sẽ đưa vào khai thác trước

30-6, vượt tiến độ so với hợp đồng 4-5 tháng. Cây cầu sẽ tạo thêm một trục kết nối quan trọng giữa TP.HCM và các huyện của Đồng Nai như Nhơn Trạch, Long Thành. Từ đây người dân có thể đi thẳng vào đường 25B để về sân bay Long Thành trong tương lai, đồng thời giảm áp lực cho cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây nhờ tuyến đường mới này.

Không chỉ TP.HCM, các dự án khắp nơi cũng dồn dập báo tin vui về Bộ Xây dựng tổng hợp hoàn thành các công trình chào mừng ngày lễ lớn của đất nước. 

Trong đó, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) sẽ thông xe thêm đoạn 20km cao tốc Bến Lức - Long Thành đoạn phía tây kết nối liền mạch từ nút giao cao tốc TP.HCM - Trung Lương đến nút giao Nguyễn Văn Tạo (huyện Nhà Bè, TPHCM).

Khi đưa vào khai thác, xe cộ chở hàng hóa từ miền Tây lên thẳng cảng Hiệp Phước (Nhà Bè) thay vì phải đi lòng vòng vào nội thành.

Ở Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Nguyễn Công Danh, phó giám đốc Ban Quản lý dự án giao thông khu vực và chuyên ngành nông nghiệp (chủ đầu tư dự án thành phần 3), cũng cho hay sẽ thông xe kỹ thuật 20km cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua địa phương trong dịp lễ 30-4 này.

Hiện nay dự án đã hoàn thành gần 100% lớp bê tông nhựa rỗng (tức lớp trên cùng của mặt đường) cùng dải phân cách giữa và hệ thống an toàn giao thông như sơn phân làn, biển báo...

Hình dáng của những km cao tốc đầu tiên trên cao của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xong với các biển báo lý trình số điện thoại khẩn cấp và giá để đặt biển báo giao thông đã được dựng lên. Trước đó, tại buổi thị sát cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ thi công để đảm bảo vào cuối năm 2025 hoàn thành toàn tuyến cao tốc. Đó cũng là lúc sân bay Long Thành xong để đảm bảo tính kết nối, liên thông.

dự án giao thông - Ảnh 2.

Một đoạn cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài gần 20km đã xong và biển báo lý trình đã được dựng lên - Ảnh: Đ.HÀ

Định hình trục giao thông cho các tỉnh sau sáp nhập

Các dự án cao tốc kết nối liên vùng đã và sắp hoàn thành sẽ giúp định hình trục giao thông xương sống cho các tỉnh thành mở rộng và gắn chuyện đi lại từ vùng này đến vùng khác. Đối với cao tốc trục dọc Bắc - Nam phía đông dự kiến cơ bản thông suốt từ Lạng Sơn đến Cà Mau trong năm nay. Trong đó một số đoạn như TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận, cao tốc TP.HCM - Long Thành đã được Chính phủ yêu cầu phải sớm khởi công mở rộng, không được chậm trễ thêm.

Cùng với cao tốc trục dọc, khu vực Đông Nam Bộ cũng đang triển khai rất nhiều dự án vành đai, cao tốc để định vị bộ khung trục giao thông xương sống. Đầu tiên phải kể đến tuyến vành đai 3 TP.HCM đi qua các siêu đô thị dự kiến sáp nhập gồm TP.HCM mở rộng (bao gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương), Đồng Nai mở rộng (bao gồm Bình Phước), Tây Ninh mở rộng (bao gồm Long An).

Tuyến đường này có mối liên hệ chặt chẽ trong mạng lưới, kết nối với cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Cả ba dự án này ngoài thông xe một số đoạn vào năm nay sẽ phải hoàn thành toàn bộ dự án vào năm sau.

Một dự án đặc biệt quan trọng giúp thông thương liên vùng và các địa phương là vành đai 4 TP.HCM dài 207km đã có kế hoạch trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp tháng 5-2025.

Trong bối cảnh sáp nhập tỉnh thành, các đầu mối triển khai dự án này sẽ chỉ còn ba tỉnh thành thay vì năm như hiện nay, rất thuận tiện cho việc triển khai dự án và bố trí vốn thực hiện thi công.

Ở phía tây bắc, tuyến cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đã được Bình Dương khởi công. Đoạn nối tiếp lên Tây Nguyên là cao tốc Chơn Thành - Gia Nghĩa cũng đang được tỉnh Bình Phước và Đắk Nông chuẩn bị khởi công.

Khi toàn tuyến cao tốc này hoàn thiện kết nối với vành đai 2 tại nút giao Gò Dưa (TP.HCM) sẽ giúp hàng hóa từ Bình Dương, Bình Phước, Tây Nguyên có thể thông suốt một mạch xuống các cảng biển TP.HCM.

Ở phía tây bắc, cùng với cao tốc TP.HCM - Mộc Bài chuẩn bị khởi công trong vài ngày tới, tỉnh Tây Ninh cũng đang chuẩn bị thủ tục để làm cao tốc Gò Dầu - Xa Mát, giai đoạn 1 dài 28km. Đặc biệt điểm đầu của cao tốc này sẽ kết nối vào cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, tạo ra tuyến đường liền mạch đến Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen.

Trong một thời gian ngắn nữa, các dự án như Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương sẽ tạo ra các trục giao thông thuận lợi và tiết kiệm rất nhiều chi phí, thời gian.

Dự án khi hoàn thành cũng mở ra nhiều cơ hội kết nối các tỉnh Tây Nguyên với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Thời gian vận chuyển hàng hóa nhanh hơn và giảm ùn tắc, tai nạn giao thông cho quốc lộ 20 đang quá tải...

Ngày 15-4, Bộ Xây dựng đã có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư (PPP). Theo đó, nhà đầu tư trúng thầu là liên danh Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh - Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải. Đây là cơ sở quan trọng để khởi công dự án này trong tháng 5-2025.

Đồng Nai khẩn trương hoàn thành mặt bằng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Trong số các dự án giao thông kết nối, dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài gần 54km là một trong những công trình giao thông trọng điểm vùng Đông Nam Bộ. Riêng dự án thành phần 1, thành phần 2 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu qua địa bàn Đồng Nai, UBND tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu UBND TP Biên Hòa, UBND huyện Long Thành tiếp tục khẩn trương xử lý các hồ sơ bồi thường, hoàn thành bàn giao 100% mặt bằng trong tháng 4-2025.

Đồng thời yêu cầu chính quyền TP Biên Hòa, Long Thành và các sở ngành liên quan đẩy nhanh công tác di dời hạ tầng và phối hợp với chủ đầu tư, nhà thầu thi công, các đơn vị chủ quản mỏ đá phân bổ nguồn đá xây dựng cho dự án.

Ông Trần Văn Thân, phó chủ tịch UBND huyện Long Thành, cho biết: "Chiều dài dự án qua địa bàn là 28km và diện tích thu hồi khoảng 230ha. Huyện tập trung lực lượng giải quyết các hồ sơ, vận động dân giao mặt bằng...

Đến nay, việc bàn giao mặt bằng cơ bản hoàn thành. Một số hộ nằm trong khu vực dự án chưa bàn giao đất, huyện tiếp tục vận động và chốt thời gian cưỡng chế để bàn giao toàn bộ mặt bằng cho đơn vị thi công".

dự án giao thông - Ảnh 3.

Cao tốc Vân Phong - Nha Trang sẽ đưa vào khai thác từ ngày 19-4 - Ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Thêm 226km đường cao tốc được khai thác dịp 30-4

Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông được quy hoạch từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) tới Cà Mau với chiều dài 2.055km. Hiện tại tuyến cao tốc này đã đưa vào khai thác 1.206km.

Theo kế hoạch của Bộ Xây dựng sẽ có năm dự án đường cao tốc với chiều dài 226,63km được khánh thành, đưa vào khai thác tuyến chính dịp 30-4 gồm bốn dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam phía đông qua miền Trung và cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Trong công văn gửi Văn phòng Chính phủ về khánh thành các công trình, dự án nhân dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, Bộ Xây dựng cho biết sau khi rà soát tình hình triển khai các dự án do bộ này làm cơ quan chủ quản có năm đoạn, tuyến cao tốc được đưa vào khai thác gồm:

Đoạn cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi (Hà Tĩnh) thuộc dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025: dài 35,28km, thông xe kỹ thuật ngày 19-4, đưa vào khai thác tuyến chính ngày 28-4.

Đoạn cao tốc Hàm Nghi - Vũng Áng (Hà Tĩnh) thuộc dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025: dài 54,2km, thông xe kỹ thuật ngày 19-4, khai thác tuyến chính ngày 28-4.

Đoạn cao tốc Bùng - Vạn Ninh (Quảng Bình) thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025: dài 48,84km, thông xe kỹ thuật ngày 19-4, khai thác tuyến chính ngày 28-4.

Đoạn cao tốc Vân Phong - Nha Trang (Khánh Hòa) thuộc dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025: dài 83,35km, khánh thành đưa vào khai thác 70,35km từ ngày 19-4.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành: thông xe kỹ thuật 18,32km ngày 19-4, đưa vào khai thác tuyến chính ngày 28-4.

Ngoài ra, dự án cầu Rạch Miễu 2 (dài 17,6km) cũng được lên kế hoạch hợp long ngày 19-4.

Với kế hoạch trên, từ ngày 28-4 tính từ phía Bắc trở vào, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông sẽ được nối liền mạch từ Chi Lăng (Lạng Sơn) đến Vũng Áng (Hà Tĩnh) thay vì dừng tại Bãi Vọt (Hà Tĩnh) như hiện nay. Riêng đoạn Bùng - Vạn Ninh (Quảng Bình) được khai thác dịp 30-4 nhưng chưa nối liền tới Vũng Áng vì đoạn Vũng Áng - Bùng đang thi công.

Còn chiều từ phía Nam ra Bắc, cao tốc Bắc - Nam phía đông được nối thông từ Cần Thơ đến Vân Phong (Khánh Hòa) thay vì tới Nha Trang như hiện nay.

Theo kế hoạch của Bộ Xây dựng, trong năm 2025 sẽ tiếp tục hoàn thành đưa vào khai thác tám dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía đông. Như vậy đến cuối năm 2025, cao tốc Bắc - Nam phía đông sẽ được nối thông liền mạch từ Chi Lăng (Lạng Sơn) đến TP Cà Mau. Riêng đoạn cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng (dài hơn 43km) đang triển khai thi công, dự kiến hoàn thành vào năm 2026.

Đề xuất mở rộng 1.144km cao tốc Bắc - Nam phía đông lên 6 làn xe

Theo Bộ Xây dựng, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông được quy hoạch có tổng chiều dài khoảng 2.055km, chiếm khoảng 22% tổng chiều dài mạng lưới đường cao tốc toàn quốc. Tuyến được định hướng xây dựng với quy mô từ 6 đến 12 làn xe tùy theo từng đoạn.

Đến nay toàn tuyến đã đưa vào khai thác 1.206km. Trong đó có một số đoạn đã đầu tư, khai thác với quy mô 4-6 làn xe đầy đủ.

Hiện đoạn Cao Bồ - Mai Sơn đang được mở rộng từ 4 lên 6 làn xe (hoàn thành năm 2026), đoạn Cam Lộ - La Sơn đang được mở rộng từ 2 lên 4 làn xe hoàn chỉnh (hoàn thành năm 2026), đoạn TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đang đề xuất mở rộng lên 6-8 làn xe, đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận đã quyết định chủ trương đầu tư mở rộng lên 6 làn xe.

Do vậy, Bộ Xây dựng tập trung nghiên cứu phạm vi mở rộng 1.163km đường cao tốc đã và đang đầu tư quy mô 4 làn xe hạn chế (nền đường rộng 17m, dải dừng xe khẩn cấp không liên tục), đã được giải phóng mặt bằng theo quy mô 4-6 làn xe; 99km đang khai thác với quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh; 113km đang đầu tư mở rộng quy mô 4-6 làn xe.

Để thuận lợi cho thi công, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, giải ngân, phù hợp với nhu cầu vận tải, trước mắt Bộ Xây dựng đề xuất Thủ tướng xem xét mở rộng cao tốc Bắc - Nam phía đông đoạn Hà Nội - TP.HCM dài khoảng 1.144km lên sáu làn xe hoàn chỉnh, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 152.135 tỉ đồng.

Còn đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ - Cà Mau dài 149km hiện có nhu cầu vận tải chưa lớn, điều kiện thi công khó khăn nên chưa được nghiên cứu mở rộng. Việc mở rộng đoạn này được thực hiện theo dự án riêng.

Bộ Xây dựng dự kiến nếu được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư mở rộng trong kỳ họp tháng 6-2025, dự án có thể khởi công vào quý 4 cùng năm. Phê duyệt chủ trương, điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng 1.144km cao tốc Bắc - Nam phía đông vào tháng 6-2025, dự án sẽ được khởi công vào quý 4-2025.

Ngày hội của các dự án giao thông cả nước - Ảnh 4.Khánh thành, đưa vào khai thác 5 đoạn đường cao tốc dịp 30-4

Theo kế hoạch của Bộ Xây dựng, sẽ có 5 dự án đường cao tốc được khánh thành, đưa vào khai thác tuyến chính dịp 30-4 tới.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên