18/02/2015 20:13 GMT+7

30 Tết ở khu phố công nhân

XUÂN AN - BÁ SƠN
XUÂN AN - BÁ SƠN

TTO - Đêm giao thừa là giây phút thiêng liêng mà mỗi người con đi xa đều muốn trở về quây quần cùng gia đình, nhưng cũng có những công nhân vì gánh nặng cơm áo phải đón Tết xa nhà.

Một công nhân mua hoa để trang trí cho những ngày tết không về quê - Ảnh: Xuân An

Gom góp vài cành hoa, chậu cây cảnh, sắm thêm cặp bánh chưng, làm thịt con gà… những người công nhân tạm gác những lo toan thường ngày để san sẻ cùng nhau đón chào năm mới, cho bớt cô đơn và nhớ nhà.

Hàng ngàn công nhân đổ về trung tâm thành phố mới đón giao thừa

Từ 18g ngày 18-2, hàng ngàn công nhân tại các khu công nghiệp tại tỉnh Bình Dương tập trung  về trung tâm thành phố mới để ngắm đường hoa, chương trình biểu diễn văn nghệ, bắn pháo hoa chào mừng xuân Ất Mùi 2015.

Nhiều công nhân cho biết đưa cả gia đình đi xem bắn pháo hoa đón giao thừa.

Chị Nguyễn Thị Vân, công nhân tại khu công nghiệp VSIP nói: “Năm nay mình không có điều kiện về quê nên ở lại ăn tết, có chương trình này anh chị em công nhân cũng ấm lòng trong những ngày tết xa quê”.

XUÂN AN

Chiều 18-2, Tuổi Trẻ trở lại “khu phố công nhân” tại khu nhà ở xã hội Hòa Lợi, tỉnh Bình Dương. Đây là nơi cự ngụ của hàng chục ngàn công nhân từ khắp mọi miền đất nước tới Bình Dương làm việc.

Ôm đứa con trai ba tuổi trong lòng, anh Lê Đăng Dương (33 tuổi, quê Nghệ An), làm công nhân tại Khu công nghiệp VSIP 2 tâm sự: “Đã 6 năm nay mình chưa về quê ăn tết. Cũng như các năm trước, vợ chồng làm lụng vất vả cả năm mà cũng không dư ra được bao nhiêu tiền. Cuối năm nghĩ đến chuyện về quê ăn tết là vợ chồng lắc đầu ngao ngán”.

Anh Dương cho biết, trong khi vợ chưa có việc làm ổn định, một mình anh đi làm không đủ tiền trang trải cho sinh hoạt, nuôi con ăn học và các chi phí hàng tháng. Vì vậy, chuyện về quê ăn tết là một điều ước khó thực hiện với vợ chồng anh.

Kế hoạch cho những ngày tết của anh Dương là đưa vợ con đi thăm bạn bè cùng làm công nhân ở lại ăn tết như mình, xem bắn pháo hoa đêm giao thừa và dạo phố.

Cách phòng anh Dương hai dãy nhà là căn phòng của anh Nguyễn Hòa (31 tuổi, quê Ninh Thuận). Anh Hòa chia sẻ dù quê Ninh Thuận cách Bình Dương không phải xa lắm nếu so với các tỉnh ở miền Bắc nhưng vợ chồng anh Hòa không về quê.

Lý do một phần vì người vợ đang mang bầu, đi lại không yên tâm, phần khác vì căn nhà đang ở vợ chồng anh Hòa mua trả góp tới giờ vẫn chưa xong.

“Về quê những ngày tết này tốn kém lắm. Mình mà về sợ ra năm không biết kiếm đâu ra tiền để trả cho người ta, sợ vợ không có chỗ ở mà sinh con mất” - anh Hòa xúc động nói.

Nói rồi, anh Hòa gạt bỏ những lo toan, tất bật cùng vợ chuẩn bị đồ ăn để bạn bè tới ăn tất niên trong căn nhà chỉ 30m2.

Bữa ăn tất niên của những người công nhân là một con gà mua sẵn ở chợ, vài đĩa rau và một chút thịt. Tuy bữa ăn cuối năm không cầu kỳ, mọi người đều rất vui vẻ và cảm nhận được tình cảm của những con người xa quê hương dành cho nhau.

Chắp cánh ước mơ công nhân với căn hộ 100 triệu đồng

Bình Dương là tỉnh có lượng công nhân “nhập cư” nhiều nhất cả nước. Toàn tỉnh hiện có khoảng 900.000 công nhân, trong đó 85% là từ các tỉnh khác tới. Đây cũng là tỉnh thực hiện khá tốt chính sách nhà ở xã hội để tạo điều kiện công nhân xa quê ổn định cuộc sống.

Các dự án nhà ở xã hội do Tổng công ty Becamex IDC (trực thuộc UBND tỉnh Bình Dương) thực hiện đã được triển khai ở khu Hòa Lợi (thành phố mới Bình Dương), khu công nghiệp VSIP1 (thị xã Thuận An), khu công nghiệp Mỹ Phước, Bàu Bàng… Trong đó, khu nhà ở xã hội Hòa Lợi có quy mô lớn nhất với hàng ngàn căn hộ đã hoàn thành.

Mỗi căn hộ có diện tích 30m2 (4x5m=20m2 sàn, cộng thêm 10m2 gác xép), có giá chỉ từ 100-150 triệu đồng. Trong đó, công nhân chỉ phải trả trước khoảng 30%, phần còn lại được trả góp trong vòng 5-7 năm với lãi suất thấp. Tính ra, mỗi tháng công nhân chỉ phải góp khoảng 1 triệu đồng, bằng với tiền đi thuê trọ mỗi tháng, nhưng sau khi hết thời gian trả góp thì công nhân sẽ có nhà.

Nhờ chính sách nhà ở xã hội này mà ước mơ sở hữu riêng cho mình một mái ấm đã trở thành hiện thực đối với hàng chục ngàn công nhân tại Bình Dương.

Anh Trần Lê Vương (28 tuổi, quê Bình Định) trang trí chậu mai mới mua để chuẩn bị tết - Ảnh: Xuân An
Một buổi họp mặt chiều 30 tết của nhóm công nhân quê Lào Cai đang làm việc tại Bình Dương ở Khu nhà ở xã hội Hòa Lợi - Ảnh: Xuân An
Một công nhân cúng tất niên trong phòng trọ của mình chiều 30 tết - Ảnh: Xuân An
XUÂN AN - BÁ SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên