Phóng to |
Chiếc canô của đồn biên phòng cửa khẩu cảng Phú Quý do đại úy Lê Xuân Hào dẫn đầu rẽ biển đêm đưa chúng tôi lên con tàu đầu tiên trở về từ Philippines. Thuyền trưởng Phạm Hồng Anh cùng năm ngư dân xúc động nói không nên lời: “Tôi không tin mình đã về đến quê nhà”. Trong bờ, vợ anh là chị Lương Thị Hòa ôm ba con nhỏ nhìn đăm đắm ra phía con tàu đang thả neo. Đến 5g sáng 16-11 lần lượt tàu của các thuyền trưởng Đỗ Thanh Hào, Nguyễn Xuân Mỳ, Trần Hút, Nguyễn Văn Chánh, Đặng Thanh Việt và Nguyễn Thanh Nhàn cập cảng Phú Quý.
Về nhà
Vượt qua chuyến hải trình 700 hải lý, thuyền trưởng Trần Hút - người lớn tuổi nhất trong số các ngư dân - không giấu được xúc động: “Chiều hôm đó nhận được tin của ngài đại sứ Việt Nam cho biết cả bảy chiếc tàu được phép trở về nước, chúng tôi vui quá, không kịp ra chợ mua thức ăn dự trữ, anh em ôm đồ đạc chạy thẳng ra tàu. Đến lúc thấy đại sứ đứng trong cảng gọi điện thoại ra thì cả bảy tàu mới quay đầu lại vẫy tay chào...”.
Sau hai ngày đêm, tàu vừa tới vùng biển Việt Nam vào buổi sáng sớm, tất cả thủy thủ ôm cờ đỏ sao vàng gắn lên nóc. Họ siết tay nhau thật chặt rồi hét lên: “Về đến nhà rồi anh em ơi...”. Từ đó bảy chiếc tàu lao vút trên vùng nước quen thuộc. Sau một ngày đêm, họ bắt đầu thấy ngọn hải đăng trên đảo Tiên Nữ (thuộc quần đảo Trường Sa).
Niềm vui
Tối đó cả Phú Quý gần như thức trắng. Từ trên bãi biển, các bà mẹ bà vợ nhẩm tính: “Sáu tháng sáu ngày rồi không thấy mặt con, mặt chồng”. Khi canô của bộ đội biên phòng vừa cập cảng, hàng chục người thân của các ngư dân ùa ra đón, những cái ôm thật chặt, những giọt nước mắt hạnh phúc của ngày hội ngộ...
Ôm con trai 2 tuổi vào lòng, ngư dân Văn Hường nghe chị Ngọc Thanh khóc kể với chồng: “Nhiều hôm con thấy người ta đi biển về, nó cứ hỏi em tại sao cha con không về? Nghe tin cha về tối nay, từ đầu hôm nó không ngủ và nằng nặc đòi ra cảng đón anh”.
Suốt ngày 16-11, cả đảo Phú Quý nhộn nhịp. Anh em họ hàng, bà con lối xóm lũ lượt kéo nhau tới thăm hỏi các ngư dân vừa mới trở về. Tại nhà của thuyền trưởng Trần Hút, bà con đến chật kín. Ngoài câu chuyện bị bắt giữ tại Philippines, mọi người bàn tán nhiều về việc làm gì để trả nợ, trả lãi ngân hàng khi mùa biển động đang đến...
34 ngư dân về nhà cuối cùng đều là những người có phần hùn trong bảy chiếc tàu bị bắt giữ. Chính vì vậy, họ phải bám trụ cho tới ngày cuối cùng để chờ Chính phủ Việt Nam thương lượng với chính phủ bạn trả lại tàu. “Vậy là niềm mong mỏi của bà con chúng ta đã trọn vẹn, người trở về tàu cũng trở về. Cho dù nợ nần còn chồng chất nhưng còn tàu để làm ăn là chúng ta còn đường trả nợ. Chớ lo!” - lão ngư dày dạn kinh nghiệm biển khơi Phạm Sắt an ủi.
Công an triệu tập ông Kho Tho Min Theo một nguồn tin của Tuổi Trẻ, chiều 15-11 sau khi có tin báo ông Kho Tho Min - đối tác làm ăn với doanh nghiệp tư nhân Long Hải Long, người chính thức ký giấy và lấy tiền của bà con ngư dân - xuất hiện tại một cuộc hội thảo nghề cá ở TP.HCM, công an đã triệu tập ông này để có buổi làm việc cùng với chủ doanh nghiệp tư nhân Long Hải Long và đại diện ngư dân Phú Quý. Có thông tin cho biết mỗi chiếc tàu đi Philippines phải đóng 25.000 USD cho doanh nghiệp Long Hải Long, chủ doanh nghiệp này dùng số tiền đó để giao dịch làm ăn với ông Kho Tho Min để đưa 122 ngư dân Phú Quý và bảy chiếc tàu qua biển Philippines đánh bắt. Tuy nhiên, ngày 30-5 khi bảy chiếc tàu và 122 ngư dân bị bắt, chỉ một mình ông Phan Văn Thoại - chủ doanh nghiệp Long Hải Long - đứng ra lo cho ngư dân, còn đối tác Kho Tho Min bặt vô âm tín. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận