Ngày đêm sáng đèn "cày view" cho thế giới

HOA KIM 17/07/2024 05:27 GMT+7

TTCT - Đằng sau những video đạt "triệu view" nhanh chóng và các phiên phát trực tiếp (livestream) lập kỷ lục người xem - có thể tới hàng vạn người cùng lúc - là các trang trại điện thoại (phone farm), muốn tạo bao nhiêu lượt tương tác cũng có.

Ảnh: Hackanoon

Ảnh: Hackanoon

Một người đàn ông họ Vương ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc mới đây đã bị kết án 1 năm 3 tháng tù giam và phạt 50.000 nhân dân tệ (175 triệu đồng) vì tội "hoạt động kinh doanh trái pháp luật" liên quan đến hành vi dùng hàng nghìn chiếc điện thoại để tạo lượt xem ảo cho các phiên livestream, báo South China Morning Post (SCMP) đưa tin ngày 6-5.

Bản án đánh dấu lần đầu tiên tỉnh Chiết Giang - nơi được mệnh danh là thủ phủ của ngành công nghiệp livestream ở quốc gia tỉ dân - kết án một người trong vụ án có liên quan đến lĩnh vực này. 

Vụ việc đồng thời đưa ra ánh sáng một ngành công nghiệp ăn theo livestream nhưng cũng béo bở không kém: các "trang trại" với "máy cày" là những thiết bị di động và sản phẩm thu hoạch là lượt tương tác ảo được rao bán với giá sỉ.

Phân thân bằng công nghệ

Theo SCMP, người đàn ông trên đã sử dụng 4.600 smartphone để thổi phồng số lượng người xem thực tế của các phiên livestream, thu về 3 triệu nhân dân tệ (10,5 tỉ đồng) chỉ trong vòng chưa đầy 4 tháng. Khách hàng của ông chủ yếu là các chủ tài khoản mạng xã hội TikTok muốn tăng tương tác để phục vụ công việc kinh doanh, theo thông tin trên truyền hình địa phương.

Ông Vương "khởi nghiệp" từ năm 2022 bằng cách mua chỗ smartphone nói trên, rồi kết nối chúng bằng phần mềm chuyên dụng có thể điều khiển hàng loạt thiết bị cùng lúc chỉ bằng một máy tính có kết nối Internet. Ông cũng mua và sử dụng dịch vụ mạng riêng ảo (VPN) cùng các thiết bị mạng từ một công ty công nghệ ở tỉnh Hồ Nam.

Chỉ với vài thao tác trên máy tính, người đàn ông này có thể điều khiển tất cả những chiếc điện thoại trên tham gia những buổi phát trực tiếp để tạo lượt xem và tương tác ảo theo yêu cầu của khách hàng. 

Với chi phí duy trì mỗi chiếc điện thoại khoảng 6,65 nhân dân tệ/ngày (23.000 đồng), ông Vương báo giá dịch vụ cho khách tùy vào số lượng điện thoại họ muốn thuê cũng như thời lượng sử dụng. "Chủ trại" này khai tài khoản dùng để đăng nhập vào mạng xã hội được mua số lượng lớn từ một bên thứ ba.

Ngoài ông Vương, 17 nghi can khác cũng đang tiếp tục bị điều tra liên quan đến hành vi "vi phạm các quy định quốc gia, cố ý phát tán thông tin giả mạo trực tuyến thông qua các dịch vụ xuất bản để kiếm lợi nhuận và phá vỡ trật tự thị trường", SCMP dẫn lời cơ quan công tố địa phương.

Bên trong trại cày tương tác

Đầu năm 2024, hàng loạt trang báo nước ngoài đưa tin về những hình ảnh bên trong các trang trại điện thoại được cho là ở Việt Nam do nhiếp ảnh gia người Anh Jack Latham chụp được trong chuyến đi năm 2023.

Bộ ảnh được xuất bản trong cuốn Beggar's Honey của Latham "cung cấp cái nhìn sâu sắc hiếm hoi bên trong những nhà xưởng thuê lao động giá rẻ để thu hút lượt thích, bình luận và chia sẻ cho các doanh nghiệp và cá nhân trên toàn cầu", theo CNN. 

Qua lời kể của Latham, chuyến thực địa đã đưa ông đến 5 "trang trại" khác nhau ở Hà Nội nơi những căn nhà phố hoặc khách sạn được biến thành các đại bản doanh phân phát tương tác với từ vài trăm đến vài nghìn chiếc điện thoại được sử dụng ở mỗi cơ sở.

Một số ít "trang trại" có nhân công túc trực thao tác trên từng chiếc điện thoại một cách thủ công, nhưng những cơ sở tiên tiến hơn thì đã chuyển sang công nghệ mới là những thiết bị có hình như cái hộp có thể chứa cùng lúc hàng chục điện thoại đã được tháo bỏ pin và màn hình, kết nối chúng với một giao diện máy tính trung tâm nơi một nhân viên điều khiển có thể chỉ huy vài nghìn thiết bị cùng lúc.

Một bức ảnh trong phóng sự về các trại cày tương tác của Jack Latham.

Một bức ảnh trong phóng sự về các trại cày tương tác của Jack Latham.

"[Các trang trại này] trông giống như các công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon vậy. Số lượng phần cứng được sử dụng nhiều đến choáng ngợp… có những bức tường chất đầy điện thoại" - CNN dẫn miêu tả của Latham. Những nhân viên mà Latham tiếp cận cho biết họ dùng những thiết bị này để bán lượt click, lượt xem hoặc tương tác với giá chưa đến 1 cent mỗi lượt.

"Mỗi chiếc điện thoại là một tài khoản khác nhau, và có thể thay đổi địa chỉ IP 20 lần/ngày. Về mặt kỹ thuật, mỗi thiết bị như vậy có thể sắm vai 20 thiết bị khác nhau, và bạn có thể thấy quy mô của chúng có thể nhân rộng đến mức nào" - Latham kể trong một phỏng vấn khác với tạp chí Huck.

Dịch vụ tăng lượt xem ảo này phổ biến đến mức Đài truyền hình quốc gia CCTV của Trung Quốc năm 2018 ước tính khoảng 90% lượt xem tạo ra bởi các chương trình được đăng tải trên mạng là ảo, theo SCMP. Bản thân Latham cũng từng trải nghiệm thực tế dịch vụ tăng like ảo để quảng bá bài đăng về cuốn sách mới phát hành trên Instagram. "Chỉ trong vòng 30 phút, tôi đã có 8.000 lượt thích cho bài viết" - Latham tiết lộ.

Chiếc hộp thần kỳ

Một phóng sự điều tra do Đài CCTV thực hiện vào đầu năm nay hé lộ thông tin về chiếc hộp "bo mạch chủ" (box farm) đặc biệt mà các trang trại điện thoại đang sử dụng để kiếm tiền. 

Theo trang The Register, phóng sự cho thấy thiết bị có nhiều giá đỡ có thể chứa được đến 20 bo mạch chủ điện thoại thông minh - tức không phải là một chiếc điện thoại hoàn chỉnh mà chỉ còn mỗi "bộ não", còn những bộ phận không cần thiết như pin hay màn hình đều đã bị lược bỏ để tiết kiệm không gian và tăng "tuổi thọ" của chúng.

Tất cả thiết bị được nối đến máy tính trung tâm để kiểm soát và điều khiển thông qua một phần mềm cho phép hiển thị và tương tác với giao diện của các điện thoại trên máy tính. Một hành động của người điều khiển lập tức được thực thi trên toàn bộ thiết bị có kết nối, theo các video giới thiệu box farm trên Internet. 

Điều tra của CCTV cho thấy các nhà khai thác tính phí từ 3.000 đến 6.000 nhân dân tệ (10,5 triệu đến 21 triệu đồng) cho một hệ thống như thế.

Hình ảnh đăng kèm sản phẩm phone box được rao bán trên một sàn thương mại điện tử ở Việt Nam.

Hình ảnh đăng kèm sản phẩm phone box được rao bán trên một sàn thương mại điện tử ở Việt Nam.

Gõ từ khóa "hướng dẫn sử dụng box farm" bằng tiếng Anh trên các công cụ tìm kiếm Internet, thấy vô số bài viết và video hướng dẫn cách thiết lập một trang trại điện thoại tại nhà. Một bộ box farm thường được bán rời hoặc đi kèm sẵn bo mạch điện thoại, có thể khuyến mãi thêm phần mềm điều khiển trên máy tính.

Trên một sàn thương mại điện tử phổ biến tại Việt Nam, các dòng sản phẩm này được rao bán công khai, giá dao động trên dưới 10 triệu đồng cho một bộ có sức chứa 20 điện thoại.

Luôn có cách lách luật

Dịch vụ kiếm tiền nhờ bán tương tác ảo ăn nên làm ra một phần là nhờ chính sách thưởng theo lượt xem cho các nhà sáng tạo nội dung của các nền tảng mạng xã hội. 

Một bài viết đăng trên báo The New York Times từ năm 2018 đã mô tả công việc của những người theo nghề này, trong đó có Martin Vassilev với mức thu nhập có thể lên đến hơn 200.000 USD/năm thông qua bán lượt xem trên YouTube.

"Tôi có thể tăng lượt xem không giới hạn cho một video. Họ (YouTube) đã cố gắng chặn dịch vụ này trong nhiều năm nhưng không xuể. Lúc nào cũng sẽ có cách để lách luật" - Vassilev khẳng định với The New York Times. 

Để kiểm chứng độ xác thực của lời khẳng định chắc nịch này, phóng viên The New York Times đã đặt mua lượt xem YouTube từ 9 nhà cung cấp khác nhau, và gần như tất cả lượt xem đã được "bàn giao" đầy đủ đúng như lời hẹn trong vòng chỉ khoảng 2 tuần.

Một dịch vụ tại tên miền D…com cho biết đã thu về hơn 1,2 triệu USD thông qua việc bán 196 triệu lượt xem trên YouTube trong thời gian từ năm 2014 đến 2017, và gần như tất cả lượt xem ảo này vẫn tồn tại sau hơn 1 năm mà không bị nền tảng này truy quét và cắt bỏ, theo tìm hiểu của The New York Times. Hồ sơ của công ty cho thấy hầu hết đơn hàng được hoàn thành trong vài tuần, với những đơn hàng hơn 1 triệu lượt xem tốn nhiều thời gian hơn.

Đối tượng khách hàng của những dịch vụ như thế này cũng khá đa dạng, từ nghệ sĩ muốn đẩy video âm nhạc mới phát hành lên top thịnh hành cho đến những nhà sáng tạo nội dung muốn tận dụng lượt xem ảo để "kích" thuật toán, đẩy nội dung của họ đến nhiều khán giả thật hơn.

YouTube không công bố số liệu cụ thể về số lượt xem ảo mà nền tảng này phát hiện và chặn mỗi ngày, nhưng cho biết đội ngũ của họ vẫn đang làm việc để giữ tỉ lệ lượt xem ảo dưới 1%, theo The New York Times. 

Tuy nhiên, với một nền tảng ghi nhận hàng tỉ lượt truy cập, ngay cả tỉ lệ 1% cũng tương đương hàng chục triệu lượt xem đến từ những trang trại điện thoại đang ngày đêm sáng đèn "cày view" cho thế giới.

"Thao túng lượt xem sẽ tiếp tục là một vấn đề cho đến khi nào mà lượt xem và mức độ phổ biến (của video) vẫn còn là đơn vị tiền tệ của YouTube" - The New York Times dẫn lời Black Livingston, một cựu nhân viên từng làm việc trong đội phòng chống gian lận của YouTube.

Hãng tin địa phương Trung Quốc Jiemian News đưa tin các nền tảng thương mại điện tử lớn ở đại lục như Taobao và Poinduoduo đã chặn từ khóa tìm kiếm liên quan đến những thiết bị box farm, nhưng các nhà cung cấp vẫn có nhiều cách khác nhau để tiếp cận người dùng. Cũng theo trang tin này, hơn 23% các nhà cung cấp box farm ở Trung Quốc từng gặp rắc rối pháp lý, nhưng chỉ chưa đến 3% bị phạt hành chính.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận