31/03/2017 10:08 GMT+7

Ngày đầu trong quân ngũ - Kỳ 4: Thấy con rắn rỏi mừng lắm!

MINH  PHƯỢNG - CÔNG NHẬT
MINH PHƯỢNG - CÔNG NHẬT

TTO - “Chủ nhật không huấn luyện, thời gian ấy tân binh dành để tập luyện thể thao, nghỉ ngơi, ai có người nhà lên thăm thì đón tiếp” - thiếu tá Triệu Quang Khoa, đại đội trưởng đại đội bộ binh 1, cho biết.

Mẹ của tân binh Nguyễn Thị Hạnh chạy xe máy ba tiếng từ Bình Dương lên thăm con gái - Ảnh: Minh Phượng
Mẹ của tân binh Nguyễn Thị Hạnh chạy xe máy ba tiếng từ Bình Dương lên thăm con gái - Ảnh: Minh Phượng

Đĩa xôi chim cút, khoanh chả bò đặc sản Đà Nẵng, những đài sen từ đất sen hồng Đồng Tháp... do người thân gói ghém mang lên, vừa giúp tân binh vơi bớt nỗi nhớ nhà, vừa là lúc để đồng đội quây quần, gắn bó bên bữa tiệc nhỏ.

Đi thăm con từ 1h sáng

Từ chiều hôm trước, mọi người đã hỏi nhau: “Mẹ của Hạnh mai lên hả?”, “Mai mẹ Châu có lên nữa không?”.

Mới 7h30 sáng, cha mẹ, chị dâu và cháu gái 2 tuổi của tân binh Trần Thị Phụng (23 tuổi, quê Đồng Tháp) đã có mặt ở Trường Quân sự Quân khu 7 (Q.12, TP.HCM). Cả nhà gặp nhau ở nhà mái vòm dưới sân, nơi hằng ngày ngồi học của tân binh, giờ thành nơi gia đình, tân binh gặp gỡ.

Gần ba tuần không gặp, Phụng sà vào ôm cô cháu gái mũm mĩm, nhí nhảnh. Cha mẹ Phụng ngồi cười hiền nhìn con gái, hỏi han đủ điều, bảo con gái da đen đi nhiều. Cha Phụng muốn lên thăm chỗ ăn ở của con, Phụng xin phép chỉ huy dẫn cha lên thăm để cha yên tâm.

Chị My (24 tuổi), chị dâu của Phụng, kể nhà ở Đồng Tháp. Để Phụng bớt nhớ nhà, yên tâm rèn luyện, gia đình lên xe đò từ Đồng Tháp lúc 1h sáng, đến Sài Gòn đi xe ôm về đây. Thăm Phụng, gia đình mua theo bánh trái, nước ngọt. Buổi trưa cả nhà cùng ăn cơm với Phụng rồi lên xe về lại Đồng Tháp.

Gần đó, ngồi bên con gái, mẹ tân binh Nguyễn Thị Hạnh (Bình Dương) nắm vai con gái và đưa cho con liều thuốc viêm họng. “Mình bị đau họng cả tuần nay nhưng uống thuốc mãi không khỏi. Mẹ thương nên mua thuốc mang lên đây” - Hạnh kể.

Dù lớn tuổi nhưng mẹ của Hạnh vẫn tự chạy xe từ Phú Giáo (Bình Dương) mất ba tiếng để lên tới đây. Mẹ Hạnh cắt cam mời đồng đội của Hạnh, không quên dặn dò mọi người giúp đỡ, hỗ trợ Hạnh những ngày sống xa nhà.

Không chỉ những gia đình ở gần, cha mẹ của Dương Thị Thu (21 tuổi, quê Đà Nẵng) nhớ con nên đã bay vào thăm con. Quà mang theo là thịt vịt luộc kèm chuối chát muối chua, xôi chim cút, chả bò Đà Nẵng được gói ghém cẩn thận. Thăm con được hai tiếng, cha mẹ Thu vội vã ra sân bay về Đà Nẵng.

Quý những khoảnh khắc bên nhau

Ông Ngô Văn Minh (48 tuổi), cha của chiến sĩ Ngô Minh Tuấn, đến thăm con trai là chiến sĩ mới ở tiểu đoàn 3 - trung đoàn Gia Định (H.Củ Chi, TP.HCM). Trìu mến nhìn con trai, ông Minh kể lúc ở nhà dù có ngoại hình cao lớn nhưng Tuấn khá chậm chạp, thường chỉ biết học, không phải đụng tay vào việc nhà (Tuấn từng theo học ngành kiến trúc - xây dựng).

“Từ nhỏ đến giờ Tuấn chưa từng sống xa cha mẹ nên cháu rất nhớ gia đình. Do vậy, bận rộn cách mấy tuần nào chúng tôi cũng chạy xe hơn một tiếng rưỡi để gặp con. Vào quân ngũ là dịp để cháu rèn luyện bản thân bản lĩnh hơn. Bây giờ cháu trông có vẻ lanh lợi và rắn rỏi hơn như vầy, tôi mừng lắm” - ông Minh nói.

Ngồi đợi gặp người yêu đang đóng quân ở tiểu đoàn 3 vào sáng thứ bảy, Nguyễn Thị Thu Thảo (24 tuổi) không giấu được sự xúc động vì chưa từng xa người yêu lâu như vậy.

“Giai đoạn đầu mình cảm thấy khá trống trải, lắm lúc buồn và suy nghĩ tiêu cực vì hai năm là khoảng thời gian rất dài. Trước đây có hứa hẹn sẽ cưới nhau nhưng chẳng biết điều đó sau hai năm sẽ như thế nào” - Thu Thảo bộc bạch.

Nhưng khi lên thăm người yêu vào mỗi cuối tuần, nghe người yêu kể về môi trường đào tạo trong quân đội, nỗi lo trong Thảo vơi đi nhiều.

“Trước đây hai đứa giận nhau suốt, giờ thì bớt rồi. Có lẽ xa nhau đã giúp tụi mình trân quý những khoảnh khắc ở bên nhau hơn. Mình nghĩ về anh nhiều hơn và tin rằng anh cũng như vậy” - Thu Thảo bẽn lẽn nói.

Chúng tôi gặp bác Khương Vị Thủy (68 tuổi) khi bác cùng đại gia đình đang ngồi dưới các nhánh xà cừ, đợi thăm cháu là chiến sĩ Lê Nguyễn Quyết Thắng (22 tuổi) vừa nhập ngũ cuối tháng 2 tại tiểu đoàn 3.

“Quyết Thắng là thế hệ thứ tư trong gia đình tôi khoác áo chiến sĩ. Gia đình tôi khuyến khích mọi người gia nhập quân đội bất kể là trai hay gái vì tin tưởng đây là môi trường tốt để học tập, rèn bản lĩnh, sống nghị lực hơn - bác Thủy kể - Có lẽ cảm nhận được tình yêu người lính thông qua các câu chuyện chúng tôi kể, cháu đã quyết định nộp đơn tự nguyện đi nghĩa vụ sau khi tốt nghiệp y sĩ đa khoa. Năm nay Quyết Thắng đi nghĩa vụ, năm tới đứa anh sinh đôi Quyết Chiến sẽ tiếp tục lên đường”.

Ké... tình thương

Đó là cách nói vui đùa của tân binh. Ngày chủ nhật không chỉ là ngày mong chờ của những tân binh có người nhà lên thăm mà là tất cả tân binh ai có quà đều chia sẻ cùng đồng đội.

13h trưa, các nữ tân binh í ới gọi nhau “qua phòng 216 ăn xôi”. Chỉ một lát, mọi người đã tập trung về phòng của Dương Thị Thu (quê Đà Nẵng). Dưới nền nhà, những đĩa xôi lớn lấm chấm đen - xôi chim cút bằm, chả bò, thịt vịt thơm phức. Phòng chật, mọi người phải chen chúc ngồi trên giường, dưới đất, cùng chụm đầu vừa ăn vừa nói chuyện, chọc nhau cười rôm rả.

Ở phòng 314, Nguyễn Thu Thủy (quê Hải Phòng) lại mời đồng đội là Đỗ Thị Thu Hoài, Lê Hải Châu Châu ăn trái cây. Thủy cho biết mình ở Hải Phòng, sáng nay có họ hàng sống trong Nam vào thăm. Đang ăn thì cô tân binh xinh xắn Ánh Ngọc (quê An Giang) mang hai chiếc bánh pizza lên nhập hội. “Em họ Ngọc mua bánh đó. Mấy bạn ăn đi” - Ngọc vừa nói vừa mở bánh mời mọi người ăn bánh.

“Chủ nhật là ngày tụi em được ăn no nê. Biết đứa nào có người nhà lên thăm là tụi mình nhào vô ăn ké... tình thương” - tân binh Lê Hải Châu Châu cười vang. Châu kể tuần trước mẹ lên thăm và nấu một nồi cà ri gà mang từ Long An lên. “Bữa đó mời đầu làng đến cuối xóm ăn luôn. Đến tối mới hết” - Châu nhớ lại. Còn mẹ của Trần Huỳnh Lệ Huyền mang đồ nướng vào cho con và các bạn. “Cả phòng tụ vô ăn vui lắm” - Huyền kể.

Cũng trong buổi chiều hôm ấy, đi một vòng từ lầu 1 đến lầu 5, đâu đâu cũng thấy các tân binh cầm đài sen tách lấy hột. Hỏi ra thì đó chính là quà do cha mẹ tân binh Trần Thị Phụng mang từ Đồng Tháp vào. Phụng cho biết ở quê mình mọi người hay ăn hạt sen như món ăn chơi. Nhiều bạn chưa ăn bao giờ thấy lạ lẫm, Phụng nhiệt tình chỉ cách tách hạt, lột vỏ hạt sen như thế nào.

“Ngày chủ nhật trong này đông vui lắm. Người nhà của mấy bạn vô thăm cũng hỏi han tụi mình, kêu xuống ăn chung. Nên dù tụi mình ở tận ngoài Bắc, không có người nhà đến thăm nhưng cũng thấy vui” - tân binh Thu Hoài chia sẻ.

Sẽ mời gia đình tham quan môi trường quân ngũ

Thời bình nên có nhiều gia đình vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng hoặc hiểu chưa đúng việc cho con cháu đi nghĩa vụ quân sự. Việc tuyên truyền, kêu gọi bạn trẻ không thể chỉ đến từ quân đội mà còn cần sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, chia sẻ từ các chiến sĩ từng đi nghĩa vụ...

Trong tương lai gần, chúng tôi sẽ tạo điều kiện để gia đình các tân binh tham quan một số hoạt động của chiến sĩ trong quân đội (mời gia đình đến ăn cùng chiến sĩ, tham quan chỗ ăn ngủ của chiến sĩ...) để người nhà hiểu rõ, an tâm hơn khi biết môi trường huấn luyện trong đây.

Thiếu tá Nguyễn Như Anh (chính trị viên tiểu đoàn 3, trung đoàn Gia Định - Bộ tư lệnh TP.HCM)

Xa nhà, sống trong môi trường quân ngũ, các nữ tân binh có hàng trăm thứ cần hỗ trợ, cần chia sẻ, tâm sự. Mẹ ở xa nhưng các nữ tân binh có những “người mẹ” mới.

_________________________

Kỳ tới: Cô giáo quân trường

Xem các kỳ trước:

>> Kỳ 1:   

>> Kỳ 2:   

>> Kỳ 3: 

MINH PHƯỢNG - CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên