Sinh viên vào ở KTX Cỏ May được phát chiếu, chăn, gối, màn, ghế học - Ảnh: HÀ BÌNH |
“Tôi đã nhờ công an phường thiết kế chuyên đề đầu tiên dành cho sinh viên năm nhất về đảm bảo an toàn, tránh những cạm bẫy hay xảy ra ở đời sống đô thị. Ngoài ra, KTX cũng sẽ có lớp tin học, ngoại ngữ cho sinh viên. Đây sẽ là nơi giúp sinh viên hoàn thiện hơn về tri thức và nhân cách của mình" |
Bà Nguyễn Thị Bao |
Đây là những sinh viên nghèo, học giỏi từ các trường ĐH tại TP.HCM như Bách khoa, Khoa học tự nhiên, KHXH&NV, Sư phạm kỹ thuật, Ngân hàng, Nông lâm...
Ký túc xá (KTX) Cỏ May nằm trong khu KTX Trường ĐH Nông lâm TP.HCM. Đó là tòa nhà mới xây còn thơm mùi vôi vữa với một trệt, ba lầu trên diện tích 2.600m2. Phía trước, bãi cỏ xanh rì được chăm chút cẩn thận. Trên bức tường gần cổng ra vào gắn dòng chữ: “KTX Cỏ May - Tiếp bước sinh viên nghèo học giỏi”.
“Mẹ tôi mừng phát khóc”
Theo lịch hẹn của KTX, tân sinh viên Nguyễn Thị Kim Ngân (quê xã An Phú, TP Tuy Hòa, Phú Yên, sinh viên Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM) di chuyển từ phòng trọ của người chị làm công nhân đến nơi ăn ở mới.
Người chị này hai năm trước cũng đã đậu một trường CĐ ở Khánh Hòa, nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn đành gạt nước mắt đi làm công nhân phụ mẹ nuôi hai em ăn học.
“Mẹ tôi làm thợ may công nghiệp nhưng đang thất nghiệp do công ty giải thể. Cả nhà chưa biết tính sao cho việc học của tôi thì tôi đọc thấy thông tin KTX Cỏ May trên báo và nộp đơn xin vào ở. Biết tôi được chọn, mẹ tôi mừng lắm” - Ngân kể.
Những năm cấp III, Ngân đạp xe 8km đến trường để nuôi ước mơ vào ĐH. Sau giờ học, khi rảnh Ngân lại đi phụ quán cơm để kiếm thêm tiền giúp mẹ.
Nhận phòng xong, sinh viên Rơ Châm Nhanh (dân tộc Ja Rai, huyện Chư Păh, Gia Lai, sinh viên năm thứ ba ngành công tác xã hội Trường ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia TP.HCM) tâm sự: “Ở đây đầy đủ tiện nghi từ giường, bàn ghế học, tủ, nhà vệ sinh sạch sẽ. Mỗi bạn vào ở được phát chiếu, chăn, màn và mỗi phòng trang bị một sọt đựng rác, túi đựng rác, chổi, chai nước tẩy rửa... nên không phải lo nhiều”. Rơ Châm Nhanh nói được vào ở KTX Cỏ May giúp bạn không phải ăn bữa nay lo bữa mai.
“Bố tôi mất sớm, mẹ một mình làm nông không giúp được gì nhiều. Đậu ĐH, năm nhất tôi đi rửa chén ở khu A KTX ĐH Quốc gia. Sau đó tôi đi bán đồ ở chợ đêm, phụ bán trà sữa mỗi tối được 50.000 đồng lo cái ăn cho mình. Khi ấy, ăn bữa nay tôi không biết bữa sau sẽ ăn gì” - Nhanh bộc bạch.
Con đi học ĐH xa nhà, không chu cấp được cho con nên Nhanh kể mẹ bạn cứ trăn trở suy nghĩ mãi. “Đến khi nghe tôi báo tin được KTX nuôi ăn ở miễn phí, mẹ mừng đến phát khóc” - Nhanh tâm sự.
Là sinh viên, phải chạy ăn từng bữa nhưng Nhanh kể lý do bạn chọn ngành công tác xã hội với mong muốn được giúp ích cho người khác. “Tôi xác định chọn ngành công tác xã hội từ năm lớp 11. Có thể bản thân tôi cũng là một người yếu thế trong xã hội. Tôi muốn sau khi ra trường được làm việc, hỗ trợ những người yếu thế như người nhiễm HIV, khuyết tật, vô gia cư... Hoàn cảnh mỗi người mỗi khác và tôi muốn làm được gì đó cho xã hội” - Nhanh chia sẻ.
Còn sinh viên Phạm Thùy Trang (Thống Nhất, Đồng Nai, sinh viên năm thứ hai ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM) đi Mùa hè xanh được bạn bè giới thiệu KTX Cỏ May.
“Bố tôi mất sớm. Mẹ một mình (đã 59 tuổi) đi giúp việc nhà nuôi tôi ăn học. Biết tin tôi vào ở KTX, mẹ mừng lắm gọi điện cho người thân ngoài Bắc khoe quá trời. Lúc đó tôi thấy người lâng lâng, cảm giác khó tả lắm. Vui, vui lắm luôn” - Trang chia sẻ.
Không còn lo chuyện ăn ở mỗi ngày, Trang bảo bạn sẽ cố gắng học tiếng Anh để thực hiện ước mơ du học...
“Như con cháu mình tụ về”
Đón những sinh viên đầu tiên vào ở có một người phụ nữ ăn mặc giản dị với gương mặt phúc hậu.
Khi nghe bà Nguyễn Thị Bao - giám đốc KTX Cỏ May (71 tuổi, người bạn vong niên của ông Phạm Văn Bên) - giới thiệu, sinh viên mới “à” lên khi biết tên bà là Nguyễn Ngọc Oanh - vợ ông Phạm Văn Bên.
Từ Đồng Tháp, bà Oanh đến KTX hôm trước để phụ chuẩn bị đồ đạc đón sinh viên như làm thẻ KTX và để sẵn từng phần gồm: chiếu, chăn, gối, ghế học... cho sinh viên.
Sau khi sinh viên đã nhận phòng, ngồi ở phòng ban quản lý tại tầng trệt, bà Oanh trải lòng hôm nay bà thấy “vui hệt như con cháu mình tụ về vậy”. Rồi bà Oanh rơm rớm nước mắt...
Đọc hàng trăm hồ sơ xét duyệt vào KTX, nhưng hỏi bà ấn tượng nhất với trường hợp nào, bà lắc đầu khẽ nói: “Hổng nhớ hết. Mỗi lần đọc là mỗi lần khóc. Em nào cũng khổ quá. Có em hổng cha, có em hổng mẹ. Có em mất cả cha cả mẹ, ở với ông bà nghèo phải mò cua bắt ốc...”.
Trong ngày đầu tiên, bà Nguyễn Thị Bao phổ biến nội quy KTX cho sinh viên. Bà Bao cẩn thận dặn sinh viên như con cháu mình rằng ra ngoài KTX phải ăn mặc sạch sẽ, gọn gàng, rồi hướng dẫn phòng tiếp người thân gồm bàn, nước cho sinh viên biết.
“Mỗi tầng có một máy nước nóng, có thể pha mì gói, pha sữa được để các em dùng” - bà Bao chỉ dẫn. Bà bảo nhận được 400 hồ sơ xin ở của sinh viên nhưng hiện KTX đáp ứng được 216 chỗ (50% dành cho tân sinh viên). Đó là điều bà băn khoăn nhất, không biết nói sao với những sinh viên còn lại.
Nhận đồ dùng của mình xong, những “cư dân” đầu tiên của KTX về phòng sắp xếp chuẩn bị cho cuộc sống mới. Trong phòng có bốn giường tầng dành cho tám sinh viên, có tủ đựng quần áo, đồ dùng cá nhân, bàn học, kệ sách. Mỗi tầng lầu có một phòng tự học.
“KTX cũng gần bến xe buýt, căngtin, sân thể thao, trạm y tế... nên rất tiện. Điều kiện ăn ở nơi đây rất tốt nên giờ tôi chỉ tập trung học cho thật tốt” - sinh viên Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
KTX của một tấm lòng KTX Cỏ May được hình thành từ ý tưởng của ông , một doanh nhân ở Đồng Tháp. Sau đó, ông Bên liên kết với Trường ĐH Nông lâm TP.HCM để thực hiện. Tổng kinh phí xây dựng KTX là 40 tỉ đồng do ông Bên tài trợ. Ở KTX, sinh viên được miễn phí, nuôi ăn và đào tạo những kỹ năng cần thiết. Trên báo Tuổi Trẻ năm 2015, ông Phạm Văn Bên tâm sự: “Tui xây KTX cho sinh viên nghèo để vừa lo cho các em học thành tài, vừa quan tâm dạy dỗ các em về đạo làm người, về tình thương giữa người và người, và trên hết là tình yêu cùng trách nhiệm đối với đất nước, với dân tộc. Đó cũng là cách tui trả ơn cuộc đời này”. Ông Bên mất tháng 4-2016 vì bệnh ung thư. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận