Có 24 trẻ em được đưa đến khám trong ngày 6-9 - Ảnh: QUANG THẾ
Từ sáng 6-9, Sở Y tế Hà Nội đã cử 5 bác sĩ và 8 điều dưỡng của 5 cơ sở y tế đến thường trực tại Trạm y tế Hạ Đình và Thanh Xuân Trung. Đây là 2 địa điểm khám sàng lọc miễn phí cho người dân sống gần khu vực vụ cháy Công ty Rạng Đông.
52 người phải đi bệnh viện điều trị
Chỉ trong vài giờ đầu buổi sáng đã có trên 70 người đến khám, trong đó hơn 30 người có những biểu hiện bất thường như ho, tức ngực, sốt, ngứa và có nhu cầu được điều trị tại bệnh viện.
Họ được chuyển đến các bệnh viện Xanh Pôn, Thanh Nhàn, đa khoa Hà Đông và Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường.
Đến 17h chiều nay, tổng số người đến khám là 179, trong đó 52 người được chuyển tới các bệnh viện. Ngoài ra, có khoảng 20 người đã đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai.
Người dân đến khám ở Trạm y tế phường Hạ Đình - Video: QUANG THẾ
Theo bà Trần Thị Nhị Hà - phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, những người được chuyển đến bệnh viện còn phải chờ kết quả xét nghiệm xem có nhiễm kim loại nặng không, trong đó để tìm thủy ngân phải xét nghiệm nước tiểu 24 giờ.
TP chi trả chi phí điều trị cho những người được chuyển đến bệnh viện sau khám sàng lọc.
Bà Hà cũng cho biết trước mắt, đoàn bác sĩ sẽ thường trực tại 2 trạm y tế trên trong một tuần. Nếu tiếp tục có người dân trong khu vực cháy đến khám, các bác sĩ sẽ làm việc tiếp theo yêu cầu của TP.
Cũng trong ngày 6-9, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường đã tiếp tục đến khu vực xảy ra cháy lấy mẫu đất, nước, không khí để kiểm tra. Cơ quan chức năng đã phát khẩu trang cho người dân ở khu vực khuyến cáo có nguy cơ.
Người dân sống tại phường Hạ Đình đến khám tại điểm khám miễn phí ngày 6-9 - Ảnh: QUANG THẾ
Công ty Rạng Đông phải có trách nhiệm
Trả lời Tuổi Trẻ Online về trách nhiệm của Công ty bóng đèn - phích nước Rạng Đông đối với những ảnh hưởng tới người dân, bà Hà cho rằng trước hết công ty phải cho khám sức khỏe nghề nghiệp đối với người lao động của mình, nhất là những người đã tham gia dập lửa thời điểm xảy ra cháy và những người đi làm ngay sau khi cháy 1 ngày.
Dự kiến cuối hôm nay, hướng dẫn về phòng độc sau khi xảy ra những sự cố môi trường tương tự cũng sẽ được Bộ Y tế ban hành. Bà Hà cho biết những hướng dẫn này sẽ được đặt tại điểm tư vấn và gửi tới từng gia đình để người dân trong khu vực biết cách phòng vệ, bảo vệ sức khỏe.
Như vậy là các động thái xử trí hậu quả vụ cháy mới bắt đầu được thực hiện từ hôm nay 6-9, tức 9 ngày kể từ khi xảy ra vụ cháy.
Một chuyên gia về hóa học chia sẻ: Lẽ ra trong các sự cố môi trường tương tự, ngay sau khi xảy ra, bên cạnh việc quan trắc, lấy mẫu, công bố thông tin minh bạch, chính quyền Hà Nội nên mời các chuyên gia về hóa chất và các cơ quan chuyên môn tới tham vấn ý kiến, từ đó có hướng khuyến cáo chính xác cho người dân thực hiện từ sớm, ngay sau khi có tình trạng thất thoát thủy ngân vào môi trường.
Người dân lo lắng về hậu quả vụ cháy Công ty Rạng Đông - Video: QUANG THẾ
Tuy nhiên, đã có sự chệch choạc: phường ra khuyến cáo, quận rút lại, Bộ Tài nguyên - môi trường lại khuyến cáo tương tự phường nhưng phạm vi rộng hơn. Các đoàn kiểm tra đến thì có người đeo mặt nạ phòng độc, trong khi báo cáo của quận Thanh Xuân 2 ngày sau sự cố cho biết không phát hiện bất thường ngoài môi trường.
Những bất nhất này khiến người dân bối rối, không biết nên làm gì sau sự cố.
Chị Nguyễn Thị Quỳnh Trân (phường Đại Kim, quận Thanh Xuân) - có con nhỏ học gần vụ cháy, đưa con đến Trạm y tế Hạ Đình khám chiều nay 6-9 - bày tỏ: "Thực sự tôi rất lo, hoang mang không biết công ty cũng như TP Hà Nội giải quyết ra sao. Chúng tôi xem báo hôm thì nói là không khí an toàn, hôm thì nói không an toàn, có báo nói đang nhiễm độc, đang ở mức không an toàn...".
"Chúng tôi mong TP Hà Nội có các biện pháp trước mắt và lâu dài giúp người dân yên tâm cuộc sống, ổn định sản xuất…" - bà Đặng Thị Va, công nhân làm việc gần khu vực xảy ra vụ cháy, chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận