29/04/2019 16:12 GMT+7

Ngày cuối cùng của chiến tranh

NGỌC DIỆP
NGỌC DIỆP

TTO - 'Năm 1975 nhìn các đoàn làm phim vào Sài Gòn tôi thèm lắm, chỉ biết nhìn các thầy, các anh đầy ngưỡng mộ', đạo diễn Nguyễn Thước, một người không có cơ hội có mặt trong thời khắc lịch sử, chia sẻ.

Ngày cuối cùng của chiến tranh - Ảnh 1.

NSND, đạo diễn Trần Thế Dân (cầm máy quay phim) và NSND Nguyễn Hữu Tuấn (trái) tại Sài Gòn tháng 5- 1975 - Ảnh: NSND Nguyễn Hữu Tuấn cung cấp

Trước ngày giải phóng Sài Gòn 30-4-1975, nhiều tốp quay phim ở miền Bắc đã được cử Nam tiến. Những người tham gia chuyến đi này vừa lo lắng, vừa phấn khích. Ai cũng khao khát có mặt đúng thời khắc lịch sử.

Cuộc chia tay tháng 4, lá thư trong bó hoa loa kèn

Tháng 3-1975, khi chiến dịch Huế - Đà Nẵng mở ra, tin báo tiệp từ các mặt trận đổ về liên tiếp. Các tốp làm phim của Hãng Phim tài liệu và khoa học trung ương, Xưởng phim Quân đội, Hãng Phim truyện Việt Nam được lệnh tiến vào Sài Gòn.

Tốp làm phim của Trường Điện ảnh là tốp cuối cùng được huy động, gồm ba thầy Trần Thế Dân, Nguyễn Mạnh Lân, Lê Đăng Thực và năm sinh viên. Họ được huấn luyện các kỹ năng cơ bản của bộ đội, được trang bị quân trang theo chế độ trung cấp, công tác theo chế độ thời chiến.

Phim Ngày cuối cùng của chiến tranh - Đạo diễn: NGUYỄN THƯỚC

"Chúng tôi lên Cục Điện ảnh lĩnh 58 đồng cho 3 tháng, đó là một số tiền rất lớn thời đó. Rồi lương khô, quân trang, xanh tuya rông (thắt lưng da), tăng (vừa làm võng vừa để bó xác lúc hi sinh), dao găm...

Hai chiếc Com-măng-ca đít vuông mới tinh chất đầy phim, máy quay, thùng đựng xăng. Đến khi lên xe, người và đồ đạc chen chúc.

Bó hoa loa kèn Phương Thanh (cố diễn viên Phương Thanh - PV) tặng lúc chia tay cuối cùng phải để lên mui xe vì không còn chỗ", NSND Nguyễn Hữu Tuấn, một trong năm sinh viên quay phim của trường điện ảnh thời đó, hồi tưởng.

Chuyến đi này không khác gì đi B (vào miền Nam chiến đấu) vì không ai biết tình hình Sài Gòn lúc đó thế nào. Tâm lý ai cũng thấp thỏm lo âu, nhỡ đâu lại giống kết cục của Tổng tiến công Mậu Thân 1968, nhỡ đâu…

Những con người cả đời đã sống trong chiến tranh, đứng trước ngưỡng cửa hòa bình, họ vẫn chưa thể tin đó là sự thật.

Đến sông Gianh (Quảng Bình), đạo diễn Vương Khánh Luông lúc đó mới là sinh viên 20 tuổi, gỡ bó hoa loa kèn xuống, thấy rơi ra một mảnh giấy.

Đó là mảnh giấy cô sinh viên khóa diễn xuất Phương Thanh gửi chàng sinh viên khóa quay phim Nguyễn Hữu Tuấn, nói rằng cô sẽ đợi anh trở về.

Lúc đó chúng tôi đâu ai dám nghĩ đã đến ngày giải phóng. Ngày chia tay bạn bè khóc như mưa.

Đạo diễn Vương Khánh Luông

Giữa đường nghe tin hòa bình

Xe của trường điện ảnh được bố trí đi theo đường dây 559 (dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh). Đến mỗi địa điểm họ lại được hướng dẫn.

Một chiến bản đồ được đặt xuống, người hướng dẫn đặt một miếng mica đè lên và bắt đầu đánh dấu các địa điểm đoàn cần nhớ, đoạn nào bị cấm, đến vị trí nào nhận ám hiệu gì, lấy xăng ở đâu. Sau đó người hướng dẫn yêu cầu cả đoàn nhớ tất cả những thông tin đó và sẽ xóa sạch những gì đã viết trên miếng mica.

"Họ tổ chức giỏi kinh khủng. Chứng kiến điều này chúng tôi mới hiểu vì sao quân ta thắng", nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn nói.

Vào đến Thanh Hóa, cả đoàn nghe tin tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng.

"Lúc đó cả đoàn lặng người đi, nỗi mừng vui đó quá lớn. Nhưng chúng tôi cũng có chút thất vọng vì vào Sài Gòn chậm quá không biết còn gì để quay không. Suốt 8 năm đi B lúc nào tôi cũng mơ đến ngày được vào giải phóng Sài Gòn.

Lần đầu tiên đi B mất hai tháng rưỡi để đi vào Trường Sơn. Lần này đi chưa đầy ba ngày đã vào Sài Gòn, mà lại được đi giữa ban ngày. Cảm xúc không biết sợ là gì, khí thế chiến thắng làm mình mạnh mẽ", NSND Trần Thế Dân hồi tưởng.

Đạo diễn Vương Khánh Luông cho biết khi xe đi qua cầu Hiền Lương lúc trời tối, lòng anh trào lên một nỗi xúc động: "Đây là biên giới chia cắt đất nước, đến giờ mình đã được đặt chân tới đây, cảm giác vô cùng thiêng liêng. Quê nội tôi ở Quảng Trị nên lúc đó cảm giác cái chung và cái riêng hòa làm một khiến mình vô cùng xúc động".

Trên đường ngổn ngang xác xe tăng, quân trang của lính Việt Nam Cộng hòa, đâu đó vang lên tiếng súng lẻ tẻ, trong thâm tâm cả đoàn, ai cũng biết là giải phóng rồi. Nhưng cả đoàn chỉ thực sự yên tâm khi đặt chân đến Sài Gòn.

Ngày cuối cùng của chiến tranh - Ảnh 4.

NSND Nguyễn Hữu Tuấn (trái) và NSƯT Vương Khánh Luông giữa các sinh viên Văn khoa Sài Gòn năm 1975 - Ảnh: NSND Nguyễn Hữu Tuấn cung cấp

Đến Sài Gòn

Không vào được Sài Gòn đúng thời điểm 30-4-1975, đoàn quay phim của trường điện ảnh thật sự thất vọng. Đến bây giờ nghĩ lại những nhà làm phim này vẫn không ngừng tiếc nuối.

"Từ lúc thắng ở Buôn Mê Thuột đến lúc giải phóng miền Nam chúng ta gần như chẳng có một thước phim nào ghi lại. Sau này những tư liệu quan trọng nhất đều do phóng viên nước ngoài ghi lại", nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn tiếc nuối.

Thầy của NSND Nguyễn Hữu Tuấn là NSND Trần Thế Dân cũng cho biết thời đó đi lại khó khăn, và chúng ta đã có phản ứng quá chậm để các đoàn làm phim có mặt đúng thời khắc lịch sử quan trọng.

Tuy nhiên chất liệu sống ngồn ngộn ở thành phố mới giải phóng đã gợi ý cho đoàn thực hiện bộ phim tài liệu Và mưa đã xóa nhòa dấu vết. Bộ phim sau đó nhận được giải đặc biệt của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 1975.

"Lúc làm phim này, chúng tôi dừng lại ở một làng bên bờ biển ở Nha Trang. Đứng trước biển cảm xúc thật khó tả. Ngày xưa ở trong rừng chỉ mong có được ngày này… Tất cả những cảm xúc tươi mới đó đã được chúng tôi dồn vào cho bộ phim Và cơn mưa đã xóa nhòa dấu vết", NSND Trần Thế Dân hồi tưởng.

NSND Trần Thế Dân cho biết ông rất tự hào về những chàng sinh viên Hà Nội hào hoa của ông. "Luông, Tuấn, Vũ, Khanh, Thanh, toàn những anh sinh viên đẹp trai, khỏe mạnh, có tri thức, vào Sài Gòn đứng giữa các sinh viên Văn khoa, không hề thấy sự phân biệt".

"Họ hỏi chúng tôi học gì, có biết làm toán không, họ thậm chí còn nghi ngờ chúng tôi không biết chữ. Nhưng sau này tất cả đều trở thành bạn thân, viết thư cho nhau nhiều năm ròng", đạo diễn Vương Khánh Luông kể về kỷ niệm với các sinh viên Văn khoa Sài Gòn.

Được sống trong lòng Sài Gòn ba tháng, được chứng kiến cuộc sống của đa số người dân lao động hoàn toàn đối lập với những tòa nhà xa hoa, nhận được sự đối xử tử tế của người Sài Gòn, cả đoàn làm phim đều cảm thấy được mở lòng.

NSND Nguyễn Hữu Tuấn nói ông vẫn nhớ mãi tấm lòng của những người Sài Gòn chân thành, phóng khoáng. Tình cảm con người là thứ sẽ còn lưu lại mãi với thời gian, còn mọi thứ rồi cũng dần bị thời gian xóa nhòa.

Ảnh chiến tranh Đông Dương lần đầu tiên triển lãm tại Singapore

TTO - Hội nhiếp ảnh Singapore tổ chức triển lãm Chiến trường qua lăng kính nhiếp ảnh gia về chiến tranh Đông Dương 1950-1975. Đây là lần đầu tiên triển lãm về chiến tranh Đông Dương được tổ chức ở nước này.

NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên