Tác phẩm Giáng sinh (mực và gouache trên lụa, 69 x 54,5cm, năm 1941) của Lê Phổ với giá khởi điểm từ 259.177 - 362.847 USD là đại diện cao giá nhất của tranh Việt. Tác phẩm này từng có giá khởi điểm từ 214.286 - 285.714 USD tại nhà Borobudur (Singapore) ngày 16-5-2010. Danh hoạ Lê Phổ lấy hình ảnh người phụ nữ Việt để tái hiện hình tượng thánh Madonna, với bối cảnh lễ Giáng sinh rất thuần Việt |
Thế nhưng, điều đáng nói ở đây không chỉ là số lượng, chất lượng mà phần nhiều tranh của các danh họa Việt Nam giá vẫn chưa tương xứng với vị thế và tên tuổi của họ.
Trong danh mục các tranh Việt lên sàn đợt này, những bức có giá khởi điểm cao nhất thuộc về các danh họa Lê Phổ (từ 259.177 - 362.847 USD), Lương Xuân Nhị (từ 129.588 - 181.424 USD), Joseph Inguimberty (từ 58.338 - 77.784 USD), Nguyễn Gia Trí (từ 38.892 - 51.856 USD), Vũ Cao Đàm (từ 19.446 - 32.410 USD)... Còn đa số đều có giá khởi điểm dưới 20.000 USD, khá thấp.
Mọi so sánh đều rất khó, nhưng đơn cử như phiên đấu Asian 20th Century & Contemporary Art tối 28, tranh của Park Seo Bo (Hàn Quốc, sinh năm 1931, giá khởi điểm từ 751.612 - 1.010.789 USD), Liu Wei (Trung Quốc, sinh 1972, từ 712.736 - 1.036.706 USD, Yoshitomo Nara (Nhật Bản, sinh 1959, từ 777.530 - 1.036.706 USD), I Nyoman Masriadi (Indonesia, sinh 1973, từ 414.683 - 583.147 USD), Natee Utarit (Thái Lan, sinh 1970, từ 103.671 - 155.506 USD), Ronald Ventura (Philippines, sinh 1973, từ 194.382 - 259.177 USD)...
Tác phẩm của danh họa Việt Nam giá vẫn khá thấp.
Lép vế từ khởi điểm
Trên thị trường quốc tế, những danh họa Việt Nam thời kỳ đầu (thường gắn với Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương) đã có tên tuổi và sức thu hút nhất định, nhiều người đã trụ ở các sàn đấu danh giá gần 25 năm (như Lê Phổ, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Gia Trí, Vũ Cao Đàm, Alix Aymé, Joseph Inguimberty...), và cả các họa sĩ đương đại như Đặng Xuân Hòa, Hồng Việt Dũng... cũng đã thuộc diện “vua biết mặt, chúa biết tên”.
Thế nhưng điểm chung của các họa sĩ gắn chặt đời mình với nội địa thì gần 25 năm qua giá khởi điểm không có nhiều thay đổi, riêng bộ tứ chuyển đến Pháp định cư như Lê Phổ, Mai Trung Thứ (còn ký Mai Thứ), Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm thì khởi điểm có tăng, nhưng chưa có ai vượt mức 1 triệu USD cho giá đấu.
Trong danh sách trên đây có họa sĩ Joseph Inguimberty (sinh viên Việt Nam thời đó thường gọi “cụ I”) giảng dạy tại Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương từ khoảng năm 1926 - 1945; Alix Aymé từng dạy trung học tại Hà Nội, rồi dạy Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương từ 1934 - 1939, là người khích lệ, hướng dẫn trực tiếp cho Nguyễn Gia Trí làm sơn mài.
Nhiều nghiên cứu cho thấy mối quan hệ của ba bộ tứ danh họa (Trí - Lân - Vân - Cẩn, Nghiêm - Liên - Sáng - Phái, Phổ - Thứ - Lựu - Đàm) với nền mỹ thuật Việt Nam là rất đặc biệt, nếu so với khu vực Đông Nam Á, vốn có hoàn cảnh xuất hiện và lịch sử mỹ thuật hiện đại tương tự.
Việt Nam còn có Nam Sơn, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Đỗ Cung... từng nhiều lần xuất hiện trên sàn đấu, tác phẩm của Nguyễn Phan Chánh có bức giá đã bán gần 400.000 USD.
Tuy nhiên, nếu phiên ngang để so với các danh họa thời kỳ đầu của Indonesia (như Affandi, Hendra Gunawan, Lee Man Fong), của Singapore (Georgette Chen), của Philippines (như Fernando Cueto Amorsolo)... thì giá của các danh họa Việt còn chịu nhiều lép vế.
Thiếu vắng nhà sưu tập nội địa
Theo các phân tích cho thấy có hai lý do chính để tranh Việt chưa thể cao giá trên thị trường quốc tế, mà đầu tiên đó là nạn tranh giả, tranh chép tràn lan và lâu dài đã làm mất niềm tin từ người mua. Thứ hai, do thiếu thị trường và các nhà sưu tập nội địa để kích cầu, để lấy lại niềm tin cho quốc tế.
Nhà sưu tập nội địa rất quan trọng trong việc này. Cái câu “người Việt dùng hàng Việt” vẫn đúng với trường hợp mỹ thuật, bởi đây là hạng mục khá xa xỉ trong đời sống, người Việt không mua tranh Việt giá cao thì đừng mong quốc tế làm như vậy.
Tại khu vực châu Á, trước đây có Nhật Bản tiên phong trong việc lấy thị trường nội địa kích cầu quốc tế, sau đó có Trung Quốc, Dubai (UAE), Indonesia, Hàn Quốc..., và gần đây có Singapore, Malaysia, Philippines... cũng đi theo lối này. Nhiều sàn đấu giá gần đây chỉ dành riêng cho mỹ thuật Trung Quốc, Nga, Indonesia... là ví dụ rõ ràng cho sự chủ động của thị trường nội địa nước họ.
Mới đây nhất, đầu tháng 11-2015, tỉ phú Lưu Ích Khiêm (Liu Yiqian, người Trung Quốc) đã chi 170,4 triệu USD để sở hữu tác phẩm Nu couché của danh họa Amedeo Modigliani, với giá khởi điểm hơn 100 triệu USD, do nhà Christie's ở New York (Mỹ) đưa ra. Kiệt tác này từng thuộc sở hữu tư nhân ở phương Tây trong hơn 60 năm, nay về Thượng Hải (Trung Quốc) được xem là một cú hích rất lớn.
Chính những động thái như của Lưu Ích Khiêm đã đưa Trung Quốc trở thành trị trường nghệ thuật sôi động nhất thế giới hiện nay. Năm 2012, Trung Quốc chiếm 41% doanh thu trên toàn bộ của thị trường nghệ thuật, trong khi đó Mỹ chiếm 27%, Anh 18%, Pháp 4%, Đức 2%, Thụy Sĩ 1%, và 7% chia đều cho các thị trường còn lại - theo sách Thị trường nghệ thuật 2012 do Artprice và AMMA phát hành.
Phiên đấu giá tranh Vũ Cao Đàm Tại phiên Asian 20th Century Art ngày 29-11 của nhà Christie’s ở Hong Kong, danh họa Vũ Cao Đàm (1908 - 2000) có 7 tác phẩm: Chân dung thiếu nữ (lụa, 25 x 21cm, khoảng năm 1933, giá khởi điểm từ 19.446 - 32.410 USD); Hai cô gái (tượng đồng, 34 x 16 x 12cm, khoảng năm 1956, từ 10.371 - 15.556 USD); Khung cảnh gia đình (phù điêu thạch cao, 29 x 27 x 2cm, khoảng năm 1950, từ 5.185 - 7.778 USD); Phong cảnh ở Vence (sơn dầu, 60 x 72,5cm, 1953, từ 3.889 - 5.185 USD); Kỵ mã (sơn dầu, 50 x 61cm, 1971, từ 6.482 - 9.074 USD); Hoa cúc (lụa, 44 x 59,5cm, 1941, từ 9.074 - 15.556 USD); Tĩnh vật hoa lay-ơn (lụa, 55 x 46,5cm, không rõ năm sáng tác, từ 10.371 - 15.556 USD). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận