Cô Xi Xiao Xin, 35 tuổi, đang ao ước có một đứa con cho vui nhà vui cửa - Ảnh: CNN
, nhưng không phải ai cũng được làm mẹ. Đó là câu chuyện của những phụ nữ chưa thể làm mẹ ở đất nước từng áp dụng hà khắc chế độ sinh một con.
Ba năm về trước, Xi Xiao Xin chưa từng nghĩ đến việc sẽ gặp vấn đề trong chuyện sinh con. Lúc đó, người phụ nữ 35 tuổi chỉ muốn đi du lịch khắp thế giới cùng người chồng mà cô đã kết hôn năm 2012.
Tỉ lệ sinh của Trung Quốc trong năm 2017 ước tính là 1,6 trẻ/phụ nữ. Tỉ lệ này tương đương Canada nhưng thấp hơn Mỹ và Anh. Theo CIA World Factbook, tỉ lệ sinh dưới 2,1% là cần thiết để giữ dân số ổn định.
Số liệu thống kê cách đây 6 năm của Hiệp hội Dân số Trung Quốc cho thấy tình trạng vô sinh đã ảnh hưởng đến khoảng 40 triệu người. Vấn đề này ít gặp ở những người ở các khu vực nông thôn, nơi các cặp đôi kết hôn ở cái tuổi khá sớm.
Thế rồi khi Xi nhận ra cần có thêm một thành viên mới trong gia đình thì câu chuyện thụ thai đã trở nên chông gai hơn bao giờ hết. "Mãi đến những năm gần đây, tôi mới nhận ra rằng có được một đứa con là chuyện rất khó khăn" cô chia sẻ.
Cuộc "vật lộn" của cả nước
Trường hợp của Xi chỉ là một trong số hàng trăm ngàn phụ nữ Trung Quốc, chủ yếu là người thành thị, đang gặp rắc rối với vấn đề mất khả năng sinh sản. Tương tự một số nơi khác trên thế giới, việc trì hoãn thiên chức làm mẹ đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc ngày nay.
Chi phí sinh hoạt cao, thời gian làm việc dài, chính sách thai sản khắc nghiệt, chi phí nuôi trẻ đắt đỏ… là những nguyên nhân khiến phụ nữ Trung Quốc không muốn sinh con sớm. Họ cứ vùi đầu vào công việc vì sinh kế, cho đến khi phát hiện từ khi nào không hay, họ đã mất đi khả năng làm mẹ.
Đó không chỉ là một cuộc "vật lộn" cá nhân, mà là một cuộc vật lộn mang quy mô cả nước. Nhà chức trách Trung Quốc những năm gần đây muốn tăng tỉ lệ sinh nhưng tháp dân số của đất nước tỉ dân này vẫn cứ trồi sụt bất thường.
Để giải quyết vấn đề, chính phủ Trung Quốc năm 2015 đã bãi bỏ chính sách một con kéo dài nhiều thập niên. Tuy nhiên, với hậu quả để lại của chính sách này, nhiều phụ nữ giờ đây muốn sinh hai con cũng không thể, bởi tuổi tác và sức khỏe đã không cho phép
Chính sách một con sau nhiều thập niên đã để lại vô số hậu quả tại Trung Quốc - Ảnh: CNN
Cuộc chiến thầm lặng
Quay lại câu chuyện của cô Xi. Xi cho biết cô và chồng chưa từng nghĩ tới chuyện sinh con khi họ còn trẻ.
Xi tâm sự: "Mãi đến mấy năm nay, bất cứ khi nào nghĩ đến chuyện cha mẹ của mình đang già yếu, tôi lại lo là sắp tới họ sẽ rất cô đơn vì không có một đứa cháu để ẵm bồng".
Trong 3 năm qua, Xi Xiao Xin đã trải qua nhiều phương pháp điều trị vô sinh khác nhau, trong đó có điều trị bằng thảo dược trong suốt 3 tháng liền, sử dụng liệu pháp kích thích rụng trứng và phẫu thuật nội soi để điều trị lạc nội mạc tử cung.
Không từ bỏ giữa chừng, năm 2018, Xi quyết định thử phương pháp thụ tinh ống nghiệm (IVF) tại một cơ sở điều trị vô sinh của nhà nước với chi phí 4.700 USD.
Để hình dung mắc đến mức nào, số tiền này tương đương 4 tháng lương làm việc ở các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu.
Các phụ nữ đang đợi khám tại một trung tâm hỗ trợ sinh sản ở Trung Quốc - Ảnh: CNN
Hỗ trợ vô sinh mọc lên như nấm
Tình trạng vô sinh cũng đã trở thành cơ hội để các doanh nghiệp Trung Quốc tranh thủ "hái tiền". Các trung tâm hỗ trợ điều trị vô sinh mọc lên như nấm với các phương pháp được quảng bá nào là áp dụng phương pháp y học cổ truyền cho đến sử dụng công nghệ hiện đại.
Bác sĩ Fang - người hiện làm việc tại một bệnh viện nhà nước ở tỉnh Chiết Giang - cho biết ông đang quản lý một trong nhiều cơ sở trực tuyến chuyên bán sản phẩm hỗ trợ sinh sản trên trang thương mại điện tử Taobao.
Cứ mỗi tháng, ông bán được hàng chục ngàn gói thảo dược gia truyền dùng để ngâm chân và nhu cầu đang tăng mạnh trong những năm gần đây. Chính vị bác sỹ này cũng thừa nhận rằng ngâm chân không phải là thần dược, mà nó chỉ cải thiện sức khỏe tổng thể của khách hàng và giúp các khách hàng dễ thụ thai hơn.
Một nhân viên kiểm tra trứng khách hàng tại một bệnh viện điều trị vô sinh ở Bắc Kinh - Ảnh: CNN
Ngược lại, cũng có nhiều người áp dụng công nghệ cao để giải quyết vấn đề, nổi lên gần đây là các ứng dụng trên điện thoại.
Một ứng dụng hiện đứng đầu danh sách tải liên quan tới trị vô sinh của Trung Quốc hiện nay có tên là Phong Cuồng Tạo Nhân (Feng Kuang Zao Ren). Với một biểu tượng màu hồng đại diện cho tinh trùng trên một chiếc đồng hồ, ứng dụng này sẽ giúp theo dõi quá trình rụng trứng và chu kỳ kinh nguyệt để đưa ra lời khuyên ngày nào thích hợp nhất để thụ thai.
Công ty tạo ra ứng dụng này cho biết hiện có 8 triệu người dùng và ứng dụng đã giúp 70.000 gia đình thụ thai thành công trong 4 năm qua. Cô Xi Xiao Xin cũng là một người dùng tích cực của ứng dụng này.
Người phụ nữ không từ bỏ hy vọng sinh con cho biết cô đang tham gia 7 nhóm trên WeChat, nơi mọi người cùng chia sẻ kinh nghiệm khi điều trị thụ tinh trong ống nghiệm.
"Mặc dù quá trình này đã khiến tôi khó chịu cả về thể chất lẫn tinh thần, nhưng tôi tin rằng miễn là còn một tia hy vọng, vợ chồng chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục điều trị để cuối cùng có được một đứa con" cô Xi chia sẻ một cách lạc quan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận