Phóng to |
Malala Yousafzai phát biểu tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, Mỹ ngày 12-7 - Ảnh: Reuters |
Ở trụ sở Liên Hiệp Quốc hôm đó cũng là một ngày rất đặc biệt khi cả ngàn sinh viên, học sinh đến từ 85 quốc gia được ngồi trên các hàng ghế đầu, còn các nhà ngoại giao nghiêm nghị được xếp ngồi sau. Hôm đó là Ngày của Malala, theo thông tin phát đi qua tài khoản Twitter của Liên Hiệp Quốc là "Malala Day" - ngày của quyền được học hành của các bé gái và phụ nữ khắp hành tinh.
"Giáo dục là vũ khí"
Ðó là thông điệp được truyền tải mạnh mẽ qua bài phát biểu của Malala tại trụ sở Liên Hiệp Quốc. Ðội khăn choàng màu hồng nhạt mà Malala nói rằng là phần quà từ gia đình cố thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto, cô gái mảnh mai dõng dạc tuyên bố: "Taliban nghĩ viên đạn sẽ khiến chúng ta câm lặng, nhưng họ đã sai lầm. Từ sự câm lặng đó, hàng ngàn tiếng nói khác đã cất lên".
Cô gái xem ra vẫn khiêm tốn bởi lẽ bản kiến nghị mang tên "Cùng đứng lên với Malala: Hãy chấm dứt tình trạng nguy cấp của giáo dục" phát đi trên Internet của cô đã nhận được chữ ký ủng hộ của 4 triệu người, theo thông báo của cựu thủ tướng Anh Gordon Brown - đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc về giáo dục. Bản kiến nghị này đòi hỏi chính quyền các nước "tài trợ cho giáo viên, trường học và sách vở để mỗi trẻ em đều được quyền đến trường vào tháng 12-2015".
Ðể lần đầu xuất hiện công khai trước toàn thế giới, Malala đã trải qua mười ngày sinh tử với viên đạn trong đầu. Cách đây đúng chín tháng, vào ngày 9-10-2012 tại thung lũng Swat, Malala bị Talib - một tay súng thuộc lực lượng Taliban - kề súng bắn vào đầu khi cô đang đi xe buýt đến lớp học. Ðó là cách Taliban trừng trị cô gái trẻ đã dám cổ xúy làn sóng trẻ em gái và phụ nữ tại đây được đi học đàng hoàng.
Ở Pakistan, nơi những vùng nông thôn nghèo khó còn chịu sự thống trị của Taliban, chúng chỉ cho các bé gái học đến năm 8 tuổi. Malala đã làm những tay súng cực đoan nổi giận khi cô viết trên blog gắn theo web của BBC từ năm 2008 để đòi quyền được phát ngôn và quyền được đi học. Cô học trò mảnh mai đã quyết định cất tiếng nói với thế giới qua mạng từ khi lực lượng Taliban ở thung lũng Swat, nơi cô sống cùng gia đình, đốt trụi hàng trăm trường học và cấm các bé gái đến trường.
"Một giáo viên, một quyển sách, một cây bút có thể thay đổi thế giới"
Từ Pakistan, cô học sinh 15 tuổi này được chuyển đến Anh điều trị trong tình trạng nguy kịch và đã được phẫu thuật, chữa trị tại bệnh viện ở Birmingham đến tận tháng 2-2013. Xuất viện khỏe mạnh, Malala lại cắp sách đến trường và từ đây cô tiếp tục cuộc chiến đấu của mình, lần này là vì quyền được đi học của hơn 57 triệu trẻ em trên toàn thế giới, trong đó hơn phân nửa sống trong những quốc gia bị chiến tranh, vẫn chưa có cơ may cầm bút.
Vì lẽ đó, những tràng pháo tay đã vang lên không dứt khi ông Gordon Brown chúc mừng sinh nhật của cô gái với lời giới thiệu cô là "cô gái dũng cảm nhất thế giới". Còn Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon không ngớt lời ngợi khen "Malala, nữ anh hùng, nhà vô địch". Ông giải thích rằng "những kẻ khủng bố sợ nhất là việc giới trẻ được học hành, các bé gái được học hành".
Thông điệp của Malala có lẽ cũng không phải quá mới nhưng khi nó xuất phát từ cô - một nhân chứng rất thực - thì sự tác động lớn đến chừng nào. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon khẳng định sự xuất hiện của Malala là dấu hiệu mạnh mẽ làm lộ rõ cuộc khủng hoảng toàn cầu về giáo dục. Trên báo Huffington Post ngày 7-7, ông Ban Ki Moon từng ước tính "hơn 20 triệu bạn trẻ độ tuổi 15-24 chưa biết đọc, biết viết hoàn chỉnh và phân nửa trong số đó là nữ giới". Ông xác nhận: "Ở nhiều nơi trên thế giới, những nữ sinh như Malala và thầy cô của các em đang bị đe dọa, bị tấn công và thậm chí bị giết. Nhưng chính qua các hành động hèn hạ đó, những kẻ cực đoan làm lộ rõ điều đang làm chúng sợ hãi: một cô gái cắp sách đến trường".
Trong phát biểu tại Liên Hiệp Quốc, Malala còn kêu gọi các nhà lãnh đạo chú ý đến quyền phụ nữ khi hoạch định chính sách quốc gia vì "mọi chiến lược phát triển quốc gia đi ngược lại quyền phụ nữ đều không thể chấp nhận" và cô cũng kêu gọi các chính phủ "đảm bảo nền giáo dục tự do và bắt buộc cho mọi trẻ em trên thế giới". Malala phát đi thông điệp được mọi người tán thưởng: "Một giáo viên, một quyển sách, một cây bút có thể thay đổi thế giới. Giáo dục là giải pháp duy nhất. Những kẻ khủng bố cực đoan lo sợ sức mạnh của phụ nữ khi họ có kiến thức từ giáo dục".
Các nguồn tin cũng đồn đoán Malala là ứng viên sáng giá cho giải Nobel hòa bình năm nay vì những cống hiến của mình. Trong khi đó, Taliban khẳng định sẽ không từ bỏ việc ám sát Malala lần hai nếu có cơ hội.
N.QUÂN - ANH DUY
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận