Người dân Hong Kong thảo luận với nhau về tin tức trên báo Apple Daily tại một sạp báo sau khi có thông tin tờ báo này có thể bị đóng cửa cuối tuần này - Ảnh: REUTERS
Thứ năm tuần trước (17-6), tổng biên tập và bốn lãnh đạo cấp cao của tờ báo này đã bị cảnh sát Hong Kong bắt và tòa soạn bị lục soát.
Cùng với đó, chính quyền Hong Kong cũng đã đóng băng tài sản của công ty mẹ của tờ báo là Next Digital. Tờ báo cho biết nếu tài sản vẫn bị đóng băng thì họ không còn kinh phí hoạt động và thứ bảy này có thể là số cuối cùng của tờ nhật báo này.
Tờ Apple Daily bị chính quyền Hong Kong cáo buộc thông đồng với nước ngoài, gây nguy hại cho an ninh quốc gia khi đã đăng 30 bài báo phản đối chính quyền, kêu gọi cộng đồng quốc tế cấm vận Hong Kong và Trung Quốc. Tuy nhiên, phía cảnh sát chưa công bố nội dung 30 bài báo được coi là vi phạm Luật an ninh quốc gia.
Phản ứng của người dân Hong Kong lại khác với chính quyền. Sau cuộc bố ráp của cảnh sát hôm 17-6, người dân Hong Kong đã tỏ thái độ ủng hộ tờ Apple Daily bằng cách xếp hàng mua báo in từ sáng sớm, khoảng 500.000 bản in báo Apple Daily được bán sạch (tổng số dân Hong Kong 7 triệu người), gấp 6 lần lượng phát hành trung bình hằng ngày của tờ này, vốn thường khoảng 80.000 bản.
Số lượng mua tăng đột biến không hẳn vì độc giả thích nội dung phản đối của tờ báo. Người dân Hong Kong muốn bày tỏ quan điểm: chính quyền không nên thay độc giả quyết định tờ báo nào nên tồn tại hay đóng cửa.
Việc tờ Apple Daily trở thành mục tiêu truyền thông đầu tiên bị chính quyền đặc khu nhắm không phải chuyện vô tình. Năm ngoái, ông chủ đứng sau tờ Apple Daily là ông Jimmy Lai (Lê Trí Anh) đã bị bắt.
Ông Jimmy Lai, với tổng tài sản khoảng 1 tỉ đôla Mỹ, là chủ của nhãn hiệu thời trang nổi tiếng Giordano, nhưng được biết đến nhiều hơn với tư cách là ông chủ của Next Digital, công ty mẹ của báo Apple Daily.
Là nhà tài trợ chính cho các phong trào đòi dân chủ của giới trẻ Hong Kong, cũng như thường xuyên tham gia các cuộc biểu tình phản đối chính quyền, ông Jimmy Lai từ lâu đã là cái gai trong mắt chính quyền Hong Kong.
Luật an ninh quốc gia ra đời áp dụng cho Hong Kong năm ngoái đã tạo khuôn khổ pháp lý để chính quyền đặc khu có căn cứ phạt tù ông Jimmy Lai. Ngày ông bị bắt, hôm sau Apple Daily cũng in 500.000 bản và bán sạch.
Trong hai phiên tòa vào tháng 4 và tháng 5 vừa qua, ông Jimmy Lai bị tòa án Hong Kong tuyên án tổng cộng 20 tháng tù giam vì tham gia tụ tập bất hợp pháp trong các cuộc biểu tình chống luật dẫn độ và cuộc biểu tình vào ngày Quốc khánh Trung Quốc năm 2019.
Đây không phải lần đầu tiên giới làm sách báo Hong Kong gặp rắc rối với chính quyền. Sáu năm trước, giới xuất bản Hong Kong từng rúng động khi năm người làm xuất bản và bán sách ở Hong Kong bị đặc vụ Trung Quốc bắt và đưa về đại lục giam giữ vì xuất bản sách có nội dung bị cấm.
Lần này, việc đóng băng tài sản, bắt lãnh đạo dẫn đến khả năng đóng cửa tờ Apple Daily được nhận định chỉ là khởi đầu cho loạt hành động cứng rắn sắp tới của chính quyền Hong Kong với "thượng phương bảo kiếm" là Luật an ninh quốc gia.
Hành động ép buộc đóng cửa Apple Daily còn được coi là động thái răn đe với các tờ báo, hãng tin và những tiếng nói độc lập khác ở Hong Kong. Sau sự kiện Apple Daily, giới báo chí Hong Kong hẳn sẽ phải cẩn trọng hơn nếu không muốn gặp rắc rối với chính quyền đặc khu.
Về mặt lâu dài, uy tín của Hong Kong như là một trong những trung tâm lớn của ngành báo chí thế giới cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Hòn đảo chỉ có 7 triệu dân nhưng là trụ sở của nhiều tờ báo bằng ngôn ngữ tiếng Anh lẫn tiếng Hoa lớn nhất châu Á như South China Morning Post, Headline Daily, Oriental Daily và Apple Daily.
Các tờ báo này sẽ đứng trước câu hỏi liệu họ có nên thỏa hiệp với chính quyền hay không, và không ít tờ thời gian qua cho thấy xu hướng đã ngả theo chính quyền đặc khu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận