Chẳng thà các anh nói vài câu chúc suông trong vui vẻ, còn hơn cố tổ chức cho hoành tráng, miệng cười nói tươi như hoa mà "ruột đau như cắt" vì phải móc ví ra trả tiền, hết tiệc cơ quan đến tiệc hội bạn thân.
Bộ phận của tôi có gần 20 người, trong đó có 6 nam. Truyền thống của chúng tôi (không biết có từ khi nào, do ai đặt ra?) là ngày của chị em, toàn thể nam giới góp tiền tổ chức liên hoan chung cho cả đơn vị.
Thật lòng phía chị em cũng chẳng nghĩ ngợi gì nhiều, vì không phải lúc nào trong các cuộc cà phê, ăn uống các anh cũng phải là người trả tiền, mà thường thì chị em cũng sòng phẳng và biết điều lắm. Lần này các anh mời, lần sau chị em mời lại.
Cho đến bữa tiệc ngày 8-3 năm đó, sau khi ăn uống xong xuôi, trong lúc đợi tính tiền thì anh sếp phó mới tiết lộ: tiền đóng góp liên hoan năm ngoái, anh H., anh L. cho tới giờ vẫn chưa đóng nên anh phải móc tiền túi ra để trả.
Đã nhắc gần nhắc xa rồi mà hai anh đó chẳng chịu trả. Đã vậy, năm nay anh H. lại còn dẫn theo bạn gái nữa. Là sếp nên anh phải tạm ứng ra thanh toán, chứ không lẽ thu ngay tại chỗ thì kỳ quá!
Nghe lời nói thật của anh sếp phó mà mấy chị em thấy giận quá, tưởng liên hoan cho tập thể vui vẻ, đoàn kết, gắn bó, chứ cái kiểu một vài người trả tiền cho đẹp mặt như thế này thì chẳng thà không có còn hơn. Có chị gay gắt phản ứng:
- Vậy thôi, từ nay anh đừng có đứng ra tổ chức liên hoan kiểu này nữa, ăn vầy làm sao ngon được? Có ai bắt các anh phải tổ chức đâu mà ép nhau chi cho cực vậy.
- Vẫn phải làm chứ, các đơn vị khác người ta làm hết, mình không làm người ta cười cho mất mặt!
Hóa ra tổ chức liên hoan cho chị em lại là một tiêu chí để các anh chứng minh mức độ quan tâm phụ nữ của mình cũng ngang bằng những người khác cho khỏi khác người. Sau bữa tiệc 8-3 với tiết lộ động trời đó, tới ngày 20-10 chị em quyết định tự góp tiền tổ chức liên hoan, anh nào muốn tham gia tự đóng tiền, chứ chị em không bắt buộc phải tham gia.
Không có các anh, chị em vẫn có thể vui chơi tưng bừng, thậm chí còn nhẹ lòng hơn vì không có cảm giác mắc nợ.
Từ bao giờ, việc tổ chức liên hoan hay tặng hoa cho chị em cùng cơ quan bỗng biến thành nhiệm vụ nặng nề, thành trách nhiệm không thể không làm của các anh nam nơi công sở?
Có phải vì Facebook ngập tràn những câu hỏi đầy ẩn ý: "Lễ này, các anh em có kế hoạch gì không?", rồi đủ các mặt hàng, dịch vụ nhảy bổ vào mời chào quảng cáo làm các anh bối rối? Và cả những hình ảnh tụ tập ăn nhậu, hát hò của đủ các tổ chức, hội nhóm làm các anh phải sục sôi, cố làm sao cho không thua kém anh em đơn vị khác?
Bảo sao có anh lén than thở: Hết 8-3 đến 20-10 làm đàn ông khổ dữ vậy trời! Nỗi khổ đó do chính các anh tạo nên, chứ có phải từ trên trời rơi xuống đâu!
Để giảm bớt nỗi khổ khó nói này của các anh em, có lẽ phe chị em nên từ chối những lời mời để các anh chỉ cần thể hiện tình cảm với người phụ nữ của riêng các anh là đủ.
Tiếp sau những chia sẻ của bạn đọc đã được đăng tải về câu chuyện tặng quà nhân dịp 8-3, Tuổi Trẻ Online mong tiếp tục nhận phản hồi, chia sẻ, góc nhìn xoay quanh chủ đề này. Làm sao quà cáp là thành ý chứ không chỉ là nghĩa vụ?
Mời bạn đọc cùng trao đổi, chia sẻ về chủ đề: "Có phải phụ nữ cần được tặng quà và có quà mới vui?". Ý kiến xin gửi về [email protected] hoặc ở phần bình luận dưới bài. Cảm ơn bạn đọc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận