04/05/2020 20:33 GMT+7

Ngày 5-5, Chủ tịch UBND TP Hà Nội rà soát công tác mua sắm thiết bị y tế

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Sáng mai, 5-5, chủ tịch UBND TP Hà Nội cùng hai phó chủ tịch sẽ họp với lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội và một số lãnh đạo bệnh viện để rà soát lại toàn bộ công tác mua sắm thiết bị y tế.

Ngày 5-5, Chủ tịch UBND TP Hà Nội rà soát công tác mua sắm thiết bị y tế - Ảnh 1.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

Thông tin được Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đưa ra tại cuộc họp giao ban các quận, huyện, thị xã của Hà Nội về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 diễn ra chiều nay, 4-5.

Dù 19 ngày qua Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc COVID-19 mới và đêm mai, 5-5, thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh), ngày 8-5 thôn Đông Cứu (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín) sẽ dỡ bỏ cách ly, nhưng tại cuộc họp chiều 4-5 chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo ngành y tế Hà Nội phải làm mọi việc để chuẩn bị về nhân lực xét nghiệm, nhân lực khám chữa bệnh…

Liên quan đến nguồn lực cho công tác khám chữa bệnh, ông Chung cho biết sáng mai 5-5, ông cùng với hai phó chủ tịch UBND TP Hà Nội sẽ họp với lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP và một số lãnh đạo bệnh viện để rà soát lại toàn bộ công tác mua sắm thiết bị y tế và công tác chuẩn bị vì "xác định dịch bệnh sẽ còn lâu dài chứ không phải 1-2 tháng", đến khi thế giới hết dịch và có vắcxin.

"Ngay cả nếu cuối năm nay có vắcxin thì cũng phải 3 năm nữa mới có thể có vắcxin đại trà. Đừng hi vọng sớm có vắcxin đủ. Phải 3-4 năm nữa thì thế giới mới có thể đi lại bình thường. Cho nên phải xác định đây là công cuộc lâu dài", chủ tịch UBND TP Hà Nội nhắc nhở lãnh đạo sở, ngành, quận, huyện không lơ là phòng chống dịch.

Ngoài ra, ông Chung yêu cầu tất cả bệnh viện trên địa bàn thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm quy định 1 người đi khám bệnh chỉ 1 người nhà đi theo, nếu bệnh nặng nằm viện thì cũng chỉ được 1 người vào trông. Hiện nay theo tính toán, quy định này có thể giúp giảm 50-60.000 người đến khám bệnh tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố mỗi ngày, giảm đáng kể tình trạng giao thông đông đúc.

Dự báo thời gian tới người dân sẽ trở lại bệnh viện khám bệnh đông, chủ tịch Hà Nội yêu cầu giám đốc các bệnh viện trên địa bàn thành phố khẩn trương học bài học của Bệnh viện Đa khoa Đức Giang là áp dụng công nghệ thông tin vào khám chữa bệnh, hẹn giờ khám cho từng bệnh nhân để tránh ùn ứ ở bệnh viện.

Hôm nay, 4-5, các trường trung học của Hà Nội bắt đầu đón học sinh đến trường trở lại, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt liên quan tới dịch bệnh sẽ đón học sinh sau ít ngày tới. Chủ tịch Hà Nội yêu cầu ngành giáo dục phải phố biến khuyến khích tất cả các trường hợp ốm nên nghỉ ở nhà. Nếu phát hiện sốt ở các trường học là phải cách ly.

Hà Nội cũng yêu cầu các quận, huyện, phường tiếp tục tăng cường kiểm tra tất cả cửa hàng không thiết yếu phải mở cửa sau 9h để giảm ùn tắc giao thông buổi sáng, đồng thời giảm nguy cơ tập trung đông người tại các nút giao thông. Chính sách này hiện được Hà Nội yêu cầu thực hiện đến 31-12-2020.

Ông Chung cho biết sau thời gian này, Hà Nội có thể cân nhắc đưa yêu cầu này trở thành quy định lâu dài của thành phố để giúp giảm ùn tắc giao thông vào đầu giờ sáng.

Ngoài ra, tại thời điểm này thì TP Hà Nội vẫn đang nghiên cứu tiếp xem có khuyến khích các cửa hàng không thiết yếu này đóng cửa phòng dịch không.

Với ngành nông nghiệp, chủ tịch Hà Nội chỉ đạo cần hướng dẫn nông dân giảm diện tích trồng hoa, tăng trồng cây củ quả, tuyên tuyền khuyến khích dân tái cơ cấu sản xuất sao cho năng xuất, chất lượng tăng cao hơn.

Về gói hỗ trợ 62.000 tỉ của Chính phủ, Hà Nội báo cáo đã chi trả hỗ trợ giai đoạn 1 hơn 500 tỉ đồng tới người nghèo, cận nghèo, người có công và người thuộc diện bảo trợ xã hội. Thành phố đang họp để rà soát các nhóm khác để tiếp tục chi trả hỗ trợ sớm trong tuần này.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên