Theo trang the Sky, trăng xanh xuất hiện lúc 19h10 ngày 30-8 giờ EDT, tức 6h10 sáng 31-8 giờ Việt Nam. Mặt trăng tròn lớn nhất và sáng nhất lúc 21h36 ngày 30-8 giờ EDT, tức 8h36 sáng 31-8 giờ Việt Nam.
Theo NASA, đây là hiện tượng khá hiếm gặp. Trăng xanh tiếp theo dự kiến đến năm 2037 mới xuất hiện trở lại.
Ông Fred Espenak, nhà vật lý thiên văn đã nghỉ hưu của NASA, giải thích: gọi là siêu trăng vì nó chạm đến điểm gần Trái đất nhất trên quỹ đạo, được gọi là cận điểm và trở thành Mặt trăng lớn và sáng nhất trong năm.
Ở khoảng cách 364.000km từ hành tinh của chúng ta, Mặt trăng trông lớn hơn khoảng 7% so với trăng tròn thông thường.
Tương tự như tên gọi trăng dâu và trăng hồng, trăng xanh không được đặt tên theo màu sắc của nó. Mặt trăng vẫn là màu trắng xám, nhưng là trăng sáng nhất trong năm.
Theo tạp chí Business Insider, cái tên trăng xanh gắn liền một sự kiện vào năm 1883. Lúc đó, vào đúng ngày siêu trăng, một vụ phun trào núi lửa chết người ở đảo Krakatau (Indonesia) đã giết chết 36.000 người. Hợp chất sulfur dioxide và tro tràn ngập không khí, khiến Mặt trăng trông có màu xanh lam vì các hạt khói từ núi lửa chặn ánh sáng đỏ mà không chặn các màu sắc khác.
Theo Bảo tàng Lịch sử tự nhiên London, cháy rừng cũng có thể gây ra trăng màu xanh.
Hiện tại, trăng xanh được định nghĩa là lần trăng tròn thứ hai xảy ra trong một tháng. Ngày 30-8 sẽ là ngày trăng tròn thứ hai trong tháng 8. Ngày 1-8 vừa qua là trăng tròn đầu tiên của tháng.
Nếu dự báo trời không quang đãng vào ngày 31-8, bạn cũng đừng thất vọng, vì “Mặt trăng sẽ xuất hiện tròn trong 3 ngày xung quanh đỉnh trăng tròn, từ 30-8 đến 1-9”, theo các quan chức NASA.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận