Chiều 12-12, tại cuộc họp báo kinh tế và xã hội TP.HCM, ông Ngô Hải Đường - trưởng phòng quản lý vận tải đường bộ (thuộc Sở Giao thông vận tải TP.HCM) - đã thông tin cụ thể về các phương án kết nối để vận hành tuyến metro số 1 được hiệu quả.
Về mạng lưới xe buýt, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng đã xây dựng kế hoạch kết nối các nhà ga metro số 1. Dự kiến ngừng hoạt động 2 tuyến buýt (52, 60-4), điều chỉnh 14 tuyến, và mở mới 17 tuyến buýt kết nối metro. Đồng thời lắp đặt 162 trụ dừng, 61 nhà chờ, và các bãi giữ xe 2 bánh cho khách đi tàu tại các ga như Văn Thánh, Thảo Điền, Bình Thái, Rạch Chiếc và Phước Long.
Dự kiến 17 tuyến buýt gom cho metro (tuyến 153, 154, 155, 156, 157, 158, 159, 160, 161, 162, 163, 164, 165, 166, 167, 168 và 169) tất cả đều là xe điện, và dự kiến chạy vào ngày 20-12 (sớm hơn 2 ngày so với kế hoạch vận hành chính thức tuyến metro số 1).
"Việc hoạt động sớm hơn ngày metro số 1 chạy chính thức để việc vận hành các tuyến buýt gom này được trơn tru và bà con biết dần. 17 tuyến này sẽ kết nối các ga metro với khu dân cư, bến xe, khu công nghệ cao, trung tâm thương mại, và trường đại học…", ông Đường cho hay.
Về hệ thống trạm sạc xe buýt điện, Công ty cổ phần xe khách Phuơng Trang Futabuslines (là doanh nghiệp vận tải trúng thầu khai thác 17 tuyến buýt gom) đã xây dựng 2 trạm sạc tại bãi xe của đơn vị ở TP Thủ Đức với số lượng 23 trụ sạc, công suất 180kW và 240kW.
Đối với xe đạp công cộng, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng đã phối hợp với Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam sắp xếp lại 45 trạm xe đạp công cộng tại quận 1, bố trí quanh các nhà ga ngầm metro và trang bị thêm xe đạp gắn động cơ điện để tăng tiện ích cho người dân.
Bên cạnh đó, hiện nay Trung tâm Quản lý giao thông công cộng đã xây dựng xong phương án để kết nối với 3 ga ngầm tuyến metro số 1 là Bến Thành, Nhà hát Thành phố và Ba Son và sân bay Tân Sơn Nhất.
Tại khu vực 3 ga ngầm, xe điện bốn bánh sẽ hoạt động linh động về lộ trình và thời gian, dựa trên nhu cầu của người dân để giảm chi phí đi lại. Giá vé hoạt động khu vực này từ 5.000 - 10.000 đồng/lượt.
Đồng thời hệ thống giao thông công cộng của thành phố bao gồm metro số 1, xe buýt, buýt sông, và xe hai tầng thoáng nóc đã được tích hợp trên ứng dụng Gobus, giúp người dân dễ dàng tra cứu thông tin và lựa chọn lộ trình thuận tiện.
Tuyến metro số 1 có vai trò quan trọng
Ông Ngô Hải Đường cho biết thêm khi metro số 1 chạy chính thức sẽ mang lại những thay đổi tích cực cho giao thông tại TP.HCM. Đầu tiên, các tuyến đường chính như Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Hữu Cảnh, Võ Nguyên Giáp sẽ giảm tải lượng giao thông đường bộ, đặc biệt trong giờ cao điểm.
Hoạt động của xe buýt cũng được điều chỉnh để tránh trùng lắp lộ trình với tuyến metro, tối ưu thời gian và hiệu quả hoạt động. Đồng thời giảm xe cá nhân, thúc đẩy phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), nâng cao giá trị đất, thay đổi diện mạo đô thị…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận