Trên mạng xã hội Twitter, người dùng đã lan truyền hình ảnh cựu tổng thống Mỹ Donald Trump bị cảnh sát mặc trang phục chống bạo động New York bắt trên đường phố. Những bức ảnh khác diễn tả cảnh Tổng thống Nga Vladimir Putin đứng sau song sắt của nhà tù.
Hầu hết các bức ảnh này đều rất chi tiết, sống động, nhưng toàn ảnh giả.
Với AI, ai cũng "rành công nghệ"
Không rõ bao nhiêu người chia sẻ những tấm ảnh trên với niềm tin rằng đó là sự thật. Tuy nhiên, sự lan truyền chóng mặt của những tấm ảnh ấy một phần bắt nguồn từ yếu tố thời sự.
Ông Trump đang bị điều tra về nghi án tung tiền bịt miệng ngôi sao khiêu dâm Stormy Daniels. Cựu tổng thống Mỹ cũng từng gây sốc khi "dự đoán" bản thân bị bắt.
Ông Putin thì bị Tòa hình sự quốc tế (ICC) phát lệnh truy nã. Lệnh này về bản chất chỉ làm hại uy tín của tổng thống Nga, ít có tác dụng trên thực tế vì khó có khả năng ông Putin lại bay đến những nước có nghĩa vụ tuân thủ lệnh truy nã của ICC.
Hai thông tin "nền" phía trên dù vậy vẫn có thể là căn cứ cho những tấm ảnh giả mạo do AI tạo ra. Trong bài viết ngày 24-3, Hãng tin AP dẫn lời các chuyên gia về tin giả cảnh báo thực trạng tin, ảnh, video giả tràn lan mạng xã hội, "đu" theo dòng thời sự.
Theo giáo sư Jevin West (Đại học Washington, Seattle, Mỹ), hình ảnh giả mạo đã tiếp thêm thông tin nhiễu vào các sự kiện lớn, làm tăng mức độ hoài nghi. "Chúng ta sẽ bắt đầu mất niềm tin vào hệ thống và các thông tin mà ta có", ông nói.
Việc tạo ra hình ảnh giả mạo không phải phát minh gì đó quá mới mẻ. Tuy nhiên, sự phát triển của AI ngày nay đã khiến quá trình tạo ra nó dễ dàng hơn rất nhiều. Điều này làm tăng khả năng tạo và chia sẻ ảnh giả. Các như của Midjourney hay DALL-E giúp người dùng tạo ra ảnh giả chi tiết và "chân thật" chỉ bằng vài dòng lệnh đơn giản.
Không nên giải trí một cách vô trách nhiệm
Ông Eliot Higgins, người sáng lập tổ chức các nhà báo, nhà điều tra và nghiên cứu Bellingcat (trụ sở Hà Lan), đã gây tranh cãi khi đăng ảnh ông Trump bị bắt.
Bài đăng của ông nhận được gần 80.000 like trên Instagram. Và dù ông Higgins có nói mình đang kiểm tra dư luận và nêu rõ đây là ảnh giả, một số ý kiến cũng không đồng tình với cách làm này.
Bà Shirin Anlen, chuyên viên công nghệ truyền thông tại tổ chức nhân quyền Witness (New York, Mỹ), khẳng định việc chỉ tuyên bố rằng ảnh giả do AI tạo ra cho mục đích giải trí là không đủ.
"Bạn chỉ đang nhìn vào một hình ảnh, và khi bạn thấy điều gì đó, bạn không thể 'bỏ thấy' nó được", AP dẫn lời bà Anlen.
Giới chuyên gia đánh giá rằng tới nay, ảnh do AI tạo ra chưa thể hoàn hảo. Nhưng sự lan truyền của nó vẫn là khuynh hướng nguy hiểm cho môi trường tin tức, đặc biệt trong thời đại đọc nhanh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận