22/11/2011 06:33 GMT+7

Ngập bất thường vì hết... chỗ chứa

Đ.CƯỜNG - H.KHÁ
Đ.CƯỜNG - H.KHÁ

TT - Đầu tháng 11 vừa qua, người dân nhiều vùng “chưa bao giờ biết đến lụt” ở TP Đà Nẵng đã phải hứng chịu cảnh ngập lụt khủng khiếp đến mức nhiều người phải bỏ nhà lánh nạn trong đêm.

4u1mw8w7.jpgPhóng to

Trận ngập bất thường gây thiệt hại nặng cho người dân khu vực ngã ba Huế - Ảnh: Hữu Khá

Các chuyên gia cho rằng người dân đang phải trả giá đắt cho việc phát triển các khu đô thị dày đặc, lấp hết lưu vực chứa nước và đường thoát nước ra biển.

Phố thành... sông

Đêm 7-11, người dân ở ngã ba Huế (khu vực giáp ranh hai quận Liên Chiểu và Cẩm Lệ) đã bất ngờ chứng kiến cảnh nước đổ về ngập đường, có đoạn sâu hơn 1m, chỉ sau vài cơn mưa lớn. Nhiều người trở tay không kịp phải bỏ chạy khỏi nhà hoặc bất lực nhìn nước nhấn chìm tài sản. Ông Nguyễn Thành Minh (68 tuổi), nhà ở khu vực trên, cho biết từ nhỏ đến giờ chưa bao giờ ông thấy cảnh ngập lụt như thế. Do đường ngập quá nặng, các con không kịp về nên khi nhà bị ngập hơn nửa mét, vợ chồng ông chỉ biết ngồi khóc khi đồ đạc, máy móc chìm theo nước.

Tại cuộc làm việc với Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP Đà Nẵng vào ngày 10-11, Sở Xây dựng TP cho biết việc khớp nối hạ tầng thoát nước đang gặp nhiều trở ngại. Nguyên nhân do hệ thống thoát nước cũ tại nhiều khu vực bị xuống cấp, trong khi các dự án dân cư mới thì hệ thống thoát nước không đồng bộ nên không khớp được vào đường thoát nước cũ. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, giám đốc Sở Xây dựng, cho biết đơn vị đang rốt ráo đưa ra các giải pháp xử lý tình trạng ngập úng, cuối tháng 11 này sẽ có báo cáo cụ thể.

Trong đêm 7-11, nhà dân ở tổ 14 (phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) cũng bị ngập đến cửa sổ. UBND phường phải đến phát áo phao ứng cứu cho người dân. Thống kê sơ bộ cho thấy có tám phường thuộc ba quận bị ngập nặng trên diện rộng một cách bất thường trong trận lụt vừa qua. Đó là phường Hòa An, Hòa Phát (quận Cẩm Lệ), Thanh Khê Đông, Thanh Khê Tây, Hòa Khê (quận Thanh Khê), Hòa Minh, Hòa Khánh Nam và Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu).

Theo Phòng Quản lý đô thị quận Liên Chiểu, trong số 18 điểm ngập nặng trong đợt lụt vừa qua trên địa bàn, có bảy điểm là do việc thi công các dự án gây ra. Điển hình như tổ 11, 12, 30, 31 khu dân cư Hòa Phú (phường Hòa Minh) là do các dự án khu đô thị mới Tây Bắc, Bệnh viện Ung bướu có cốt nền cao khiến các khu dân cư không thể thoát nước và bị ngập. Các dự án Tân Cường Thành, Trường đại học Duy Tân... ngoài cốt nền cao hơn so với nhà dân, còn làm thu hẹp dòng chảy khiến khu vực tổ 8, 9, 10 (phường Hòa Khánh Nam) bị ngập nặng khi có mưa.

Lấp hết chỗ chứa

Kiến trúc sư Huỳnh Tòa, phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP Đà Nẵng, cho rằng trận ngập lụt vừa qua ở TP là bất thường, chưa từng xảy ra. Có nhiều nguyên nhân, trong đó vấn đề chính là do việc xây dựng đô thị đã chiếm hết các lưu vực chứa nước của thành phố. “Đa số các khu đô thị xây dựng hiện nay ở Đà Nẵng đều hình thành trên vùng đất nông nghiệp và diện tích ao hồ. Khi chúng ta đã lấp hết diện tích này mà không tính toán tạo ra các hồ điều tiết thì ngập lụt là điều đương nhiên. Trong quy hoạch phát triển đô thị, việc xây dựng các hồ điều tiết là một vấn đề cực kỳ quan trọng. Trong khi chúng ta không đào thêm các hồ mới mà lại đi lấp các hồ tự nhiên là một sai lầm” - ông Tòa phân tích.

Ông Mai Mã, giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải TP Đà Nẵng, cho rằng nguyên nhân gây ngập vừa qua là do nhiều dự án xây dựng có cốt nền cao hơn hệ thống thoát nước, các đơn vị thi công dự án mới lại không đấu nối hệ thống thoát nước vào hệ thống chung... Ngoài ra, các dự án đang triển khai cũng không quan tâm đến việc thoát nước ngập úng. Trước tình hình này, đơn vị đã có kiến nghị lên UBND TP Đà Nẵng, yêu cầu các đơn vị thi công có đề án thoát nước và được phê duyệt mới cho thực hiện.

Đ.CƯỜNG - H.KHÁ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên