Cơ quan thuế đang áp dụng nhiều biện pháp nhằm kéo giảm nợ thuế. Trong ảnh là doanh nghiệp làm thủ tục thuế tại Cục Thuế TP.HCM. Ảnh: QUANG ĐỊNH
Một trong số các biện pháp thúc nợ là gọi điện, nhắn tin, gửi mail đến các doanh nghiệp nợ thuế, biện pháp được cho là nhẹ nhàng nhất mà cơ quan thuế thực hiện và áp dụng với các khoản nợ thuế từ 1 đến 30 ngày.
Với các khoản tiền thuế nợ từ ngày 31 trở lên, các cục thuế phải ban hành thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp gửi đến từng người nộp thuế yêu cầu nộp tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước.
Đối với khoản tiền thuế nợ từ 91 đến 120 ngày cơ quan thuế địa phương phải ban hành quyết định cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản của doanh nghiệp.
Trường hợp khoản tiền nợ thuế từ 121 ngày trở lên và đã ban hành quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản nhưng quyết định cưỡng chế đã hết hiệu lực mà doanh nghiệp chưa nộp hoặc nộp chưa đủ số tiền thuế nợ thì ban hành quyết định cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng.
Biện pháp này được ban hành sau khi thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy 16 địa phương có số thu điều tiết về ngân sách trung ương có tới hơn 77.000 doanh nghiệp nợ thuế trên 5 triệu đồng với tổng số nợ hơn 33.700 tỉ đồng, trong đó 70.000 doanh nghiệp nợ trên 90 ngày.
TP.HCM và Hà Nội là 2 địa phương dẫn đầu cả nước với số nợ lần lượt là 9.890 tỉ đồng và 13.530 tỉ đồng.
Song song với các biện pháp trên, Tổng cục Thuế cũng yêu cầu các cục thuế công khai danh sách doanh nghiệp chây ì trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Thời gian qua, cơ quan thuế cho biết dù áp dụng nhiều biện pháp nhưng nợ thuế vẫn tăng.
Một trong số những lý do là tiền phạt chậm nộp thuế quá thấp, chỉ tương đương 0,9%/tháng (10,8%/năm), thấp hơn lãi suất vay ngân hàng nên nhiều doanh nghiệp chấp nhận nợ thuế vì có lợi hơn vay ngân hàng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận