* Ông Nguyễn Văn Sung (giám đốc Công ty CP Phân bón sinh hóa Củ Chi):
Khai báo qua mạng cần thêm tiện ích
Mặc dù cơ quan thuế cho DN thực hiện khai báo thuế qua mạng nhưng mỗi kỳ khai báo đóng thuế, chúng tôi vẫn phải đến cơ quan thuế nộp hồ sơ trực tiếp. Lý do là mỗi lần làm dự án với các cơ quan chức năng khác, chúng tôi phải nộp hồ sơ trong đó có bản khai báo, đóng thuế đầy đủ có dấu mộc. Ngoài ra, theo tôi, cơ quan thuế nên tăng thêm các tiện ích, phần mềm khai báo cũng cần ổn định, chứ cứ mỗi năm cơ quan thuế thay đổi hết phần mềm này đến phần mềm kia khiến DN phải thay đổi rất phiền phức.
* Giám đốc một doanh nghiệp nhựa (quận 6, TP.HCM):
“Giam” tiền hoàn thuế
Hồ sơ hoàn thuế đối với hàng xuất khẩu, theo quy định, chỉ bao gồm ba loại tờ khai: giấy đề nghị hoàn thuế, bản kê hàng hóa mua vào và bản kê hàng hóa xuất, nhập khẩu. Tuy nhiên sau khi nộp hồ sơ hoàn thuế, cán bộ thuế còn yêu cầu DN cung cấp thêm hàng loạt chứng từ vốn đã có trong hồ sơ lưu trữ của cơ quan thuế. Kế toán DN phải làm thêm thay cho cán bộ thuế như nhập dữ liệu và in phiếu xác minh hóa đơn. Tiếp đó, DN phải chờ đợi khi có kết quả hồi báo phiếu xác minh hóa đơn trên 50% giá trị đã gửi thì mới được xem xét hồ sơ.
Chưa kể nếu thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế, DN phải đối mặt với thời gian kiểm tra kéo dài vô tội vạ. Theo quy định pháp luật, thời gian kiểm tra tại DN là năm ngày làm việc. Tuy nhiên, các đoàn kiểm tra có thể dùng nhiều thủ thuật để mỗi tháng mới đến DN làm việc một ngày, như vậy năm tháng mới hết hạn định thời gian kiểm tra tại DN.
* Giám đốc Công ty TNHH AP, quận 5:
Không được hoàn thuế, còn bị phạt
Vừa qua khi kiểm tra, cơ quan thuế cho rằng DN tôi không cung cấp đủ điều kiện pháp lý để được hoàn thuế nên đã bác đơn xin hoàn thuế, đồng thời ra quyết định xử phạt vi phạm pháp luật về thuế với lý do: xin hoàn thuế khi không hội đủ điều kiện hoàn. Tôi được biết Luật quản lý thuế quy định người nộp thuế có quyền được hưởng ưu đãi hoàn thuế. Do đó việc đề nghị hoàn thuế là quyền lợi của người nộp thuế. Trường hợp hồ sơ đề nghị hoàn thuế của DN không hội đủ điều kiện pháp lý để được hoàn thuế thì DN bị thiệt thòi vì mất quyền lợi hoàn thuế. Chúng tôi không thể hiểu nổi vì sao DN đã thiệt thòi rồi còn bị phạt. Không lẽ sự thiệt thòi là hành vi vi phạm pháp luật thuế?
* Anh Nguyễn Hoàng Chương (người nộp thuế):
Nên chọn lọc người tiếp dân
Có thực tế là nhiều hướng dẫn mới từ Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế hoặc từ Cục Thuế để giải quyết các vướng mắc, có lợi cho người nộp thuế nhưng khi đến chi cục thuế thì những người nhận hồ sơ không hướng dẫn tận tình, thái độ lại thiếu hòa nhã, chưa kể không ít nhân viên không nắm vững chủ trương để hỗ trợ DN.
Hằng quý Cục Thuế có tổ chức giao ban tuyên truyền hỗ trợ, sau đó có thông báo bằng văn bản nội dung giao ban, thống nhất cách giải quyết nhiều vấn đề vướng mắc. Tôi kiến nghị các hướng dẫn này cần được thông tin đến các công chức thuế, đưa lên trang web hoặc dán công khai ở bảng thông báo để người nộp thuế biết để thực hiện hoặc yêu cầu công chức thuế thực hiện theo hướng dẫn.
Bên cạnh những thắc mắc về chính sách, tại buổi giao lưu trực tuyến với người nộp thuế ở báo Tuổi Trẻ ngày 21-5, nhiều người nộp thuế đã phản ảnh về cách hành xử của cán bộ thuế khi tiếp xúc với người dân. Bạn đọc Tư Duy phản ảnh khi làm việc với cơ quan thuế thì một số nhân viên tiếp dân thường có thái độ khó chịu, trong khi với những công ty hay người quen thì dễ chịu hơn hẳn. Có bạn đọc đề nghị cử cán bộ thuế đi học lớp dịch vụ khách hàng và kỹ năng giao tiếp để người dân được thoải mái hơn. Người nộp thuế cũng bức xúc chuyện đường dây nóng thành đường dây “nguội”... Ông Nguyễn Trọng Hạnh - phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM - cho biết sẽ ghi nhận phản ảnh này và có trách nhiệm nhắc nhở, kiểm tra về tinh thần, thái độ khi thi hành công vụ của cán bộ viên chức trong ngành. Ngành thuế sẽ tiếp tục đào tạo viên chức thuế (trong đó có đào tạo về kỹ năng giao tiếp) để nâng cao chất lượng phục vụ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận