11/05/2016 07:47 GMT+7

Ngành thuế kiểm tra người Việt liên quan tài liệu Panama

LÊ THANH
LÊ THANH

TTO - Tổng cục Thuế vừa thành lập tổ công tác liên quan đến "tài liệu Panama", trong khi các cơ quan chức năng khác cũng cho biết đã vào cuộc để tìm hiểu.

Người dân quan tâm đến danh sách của tài liệu Panama tại VN - Ảnh: Hữu Thuận
Người dân quan tâm đến danh sách của tài liệu Panama tại VN - Ảnh: Hữu Thuận

Chiều 10-5, sau khi có tên trong “tài liệu Panama” được công bố, Tổng cục Thuế đã thành lập tổ công tác liên quan đến tài liệu này, trong khi các cơ quan chức năng khác cũng cho biết đã vào cuộc để tìm hiểu.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đại Trí - phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế - cho biết đây là vụ việc phức tạp, liên quan đến nhiều ngành nên Tổng cục Thuế sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an... cùng cơ quan chức năng các quốc gia đã ký hiệp định tránh đánh thuế hai lần với VN để xác minh và kiểm tra thông tin.

Ông Nguyễn Văn Ngọc - cục trưởng Cục phòng chống rửa tiền Ngân hàng Nhà nước - cho biết ngay trong ngày 10-5, cơ quan này đã rà soát những thông tin liên quan đến những tổ chức, cá nhân có tên trong tài liệu này về nguồn tiền, cách thức chuyển tiền...

Để có câu trả lời là có hành vi rửa tiền hay không phải đợi một thời gian nữa vì tài liệu này chỉ công khai tên của tổ chức, cá nhân thôi.

“Việc tra soát không khó khăn gì nếu tổ chức, cá nhân chuyển tiền qua hệ thống ngân hàng” - ông Ngọc khẳng định.

Một chuyên gia nguyên là lãnh đạo Tổng cục Thuế cho rằng để làm rõ một loạt vấn đề liên quan đến các tổ chức, cá nhân VN có tên trong tài liệu này, Chính phủ nên xem xét thành lập ban nghiên cứu tài liệu Panama.

Các ngành ngân hàng, công an, hải quan, thuế... phải nhanh chóng vào cuộc. Trước hết, phải yêu cầu các tổ chức, cá nhân mà tài liệu Panama xướng tên phải khai báo, xuất trình giấy tờ chứng minh việc đầu tư, kinh doanh và chuyển tiền hợp pháp.

Trong khi đó, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng, cho rằng sau vụ việc Panama, rất nhiều nước đều xem xét lại chính sách thuế của đất nước, khu vực mình và VN cũng phải như vậy.

Vì mục tiêu chính của các cá nhân, tổ chức chuyển tiền ra nước ngoài là lách thuế chứ chưa chắc là rửa tiền. Bởi nếu là rửa tiền, tài trợ khủng bố, cấm vận... sẽ bị Mỹ điều tra ngay và xử phạt nghiêm khắc.

“Thực tế, có hiện tượng một số cá nhân, tổ chức thông qua định chế tài chính, công ty luật của mình hay công ty trung gian để chuyển, gửi tiền ra nước ngoài nhằm lách thuế. Xu thế và cách làm này diễn ra ở khá nhiều nước” - ông Lực nói.

Ngày 9-5, Hiệp hội Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) đã đăng tải một phần lớn trong bộ tài liệu Panama gồm thông tin của hơn 214.000 thực thể tại nước ngoài do Hãng luật Mossack Fonseca thành lập và điều hành, tên của những người chủ đằng sau các công ty bí mật này. Dữ liệu trong đợt công bố này có thể được truy cập trên trang panamapapers.icij.org.

ICIJ cho biết chỉ cung cấp thông tin về chủ công ty, các công ty đại diện và các công ty trung gian bí mật, nhưng không bao gồm các tài liệu thô và thông tin cá nhân như tài khoản ngân hàng, số điện thoại và địa chỉ email.

“ICIJ công bố thông tin này vì lợi ích chung” và như một nỗ lực nhằm chống lại nạn trốn thuế, tổ chức này khẳng định. ICIJ cũng cho biết sẽ tiếp tục công bố các thông tin trong tài liệu Panama và khuyến khích các công dân trên toàn cầu tham gia hỗ trợ hiệp hội này điều tra các tài liệu.

Trong dữ liệu đăng tải này, có 7 pháp nhân hải ngoại liên quan đến các cá nhân hay công ty VN, 99 cá nhân liên quan đến VN (bao gồm cả tên người VN và tên người nước ngoài), 6 cá nhân/công ty trung gian liên quan đến VN và danh sách địa chỉ 68 công ty liên quan đến VN. (TRẦN PHƯƠNG)

LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên