09/12/2020 13:20 GMT+7

Ngành thực phẩm chế biến thay đổi mạnh vì dịch COVID-19

TRẦN VŨ NGHI
TRẦN VŨ NGHI

TTO - Hàng ngàn khách tham quan như mọi năm sẽ không còn, cũng như cơ hội "nếm" thử hàng trăm sản phẩm thực phẩm, đồ uống trực tiếp cũng không có khi Vietnam Foodexpo 2020 năm nay đã được tổ chức theo mô hình trực tuyến, chỉ vì dịch COVID-19.

Ngành thực phẩm chế biến thay đổi mạnh vì dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Dịch COVID-19 đã khiến Vietnam Foodexpo 2020 buộc phải tổ chức theo mô hình trực tuyến dù hôm khai mạc 9-12 tại TP.HCM vẫn có một số ít doanh nghiệp tham gia trưng bày sản phẩm - Ảnh: T.V.N

Diễn ra từ 9 đến 12-12, triển lãm quốc tế "Công nghiệp thực phẩm Việt Nam 2020" (Vietnam Foodexpo 2020) lần đầu tiên buộc phải tổ chức theo hình thức trực tuyến trong ngày khai mạc hôm nay 9-12, với sự tham gia của khoảng 300 doanh nghiệp trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp trưng bày sản phẩm trên không gian mạng nhằm kết nối, giao dịch với các nhà nhập khẩu từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên nền tảng trực tuyến e.foodexpo.vn

Phát biểu tại buổi khai mạc, ông Đỗ Thắng Hải - thứ trưởng Bộ Công thương - cho hay ngành công nghiệp thực phẩm và chế biến nông thủy sản của Việt Nam trong những năm gần đây chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ.

Điều này được thể hiện rõ hơn trong đại dịch COVID-19, "dù có những rào cản về mặt đi lại, vận chuyển hàng hóa xuất khẩu đi các nước".

Theo ông Hải, dịch COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp không chỉ gặp rất nhiều khó khăn mà còn phải thích ứng với những thay đổi về hành vi của người tiêu dùng đối với ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam.

Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp cần có chiến lược thay đổi và ứng phó thích hợp, đáp ứng đa dạng hơn nữa về nhu cầu sử dụng các loại thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên, hữu cơ, lành mạnh ngày càng tăng cao ở người dùng trong nước.

Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Hương Quỳnh - chủ tịch Công ty tư vấn kinh doanh The Blue Ocean - cho rằng xu hướng ngành thực phẩm trên thế giới đã có những chuyển biến rất lớn khi dịch bệnh làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng, dẫn đến việc thay đổi thứ tự ưu tiên của họ khi lựa chọn thực phẩm.

Ở đó, cơ hội mới mở ra cho không ít ngành hàng, đặc biệt là những sản phẩm chế biến sẵn phục vụ nhu cầu tự trải nghiệm nấu ăn tại nhà, cũng như xu hướng chuyển dịch từ thịt sang các lựa chọn lành mạnh hơn.

Rõ nhất là xu hướng sử dụng nguồn đạm thay thế mới là thực phẩm gốc thực vật (plant-based), hay được trồng trong phòng thí nghiệm (lab-grown). Quy mô thị trường ước tính đến năm 2024 trên thế giới cho các sản phẩm thay thế thịt và protein từ thực vật đạt trên 480,43 tỉ USD.

Tại Việt Nam, theo bà Quỳnh, nhu cầu về thực phẩm lành mạnh, có nguồn gốc thực vật giúp tăng cường sức khỏe sẽ tăng mạnh ngay cả khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn.

Sau COVID-19, dữ liệu riêng của The Blue Oean cho thấy các nhóm/ngành hàng thực phẩm tăng cường dinh dưỡng, hệ miễn dịch được dự báo tăng trưởng đến 100%, mức cao nhất so với 94% dành cho nhóm thực phẩm sạch và lành mạnh, hay 83,3% cho chủng loại thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên và hữu cơ…

Hỗ trợ doanh nghiệp đưa thực phẩm an toàn đến người dân Hỗ trợ doanh nghiệp đưa thực phẩm an toàn đến người dân

TTO - Bộ Công thương sẽ có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phân phối thực phẩm xây dựng mô hình chuỗi cửa hàng, cơ sở kinh doanh đảm bảo an toàn...

TRẦN VŨ NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên