TTCT - Một dự báo đưa ra con số 70.000 giáo viên có thể bị dư thừa đến năm 2020. Cầu giảm làm giáo viên dư thừa. Thế nhưng ngành sư phạm có biết điều chỉnh để giảm cung không? Không hề. Chúng ta hãy thử dùng cách thu hẹp thế giới lại để dễ hình dung: Một thị trấn nhỏ có chừng ba chục bác sĩ và mỗi năm cần đào tạo thêm một bác sĩ để thay thế người về hưu. Bỗng dưng dân số thị trấn giảm mạnh vì nhiều người dọn đi nơi khác sinh sống, trong ba chục bác sĩ có cả chục người không có bệnh nhân. Rồi trường đại học vùng đó thay vì đào tạo một bác sĩ lại ồ ạt tuyển sinh đào tạo chừng chục bác sĩ mỗi năm. Rất dễ hình dung trước đây trường thoải mái chọn em học sinh tốt nghiệp 30 điểm vào để đào tạo, nay hạ điểm chuẩn còn 10 điểm cũng không tìm đủ người chịu vào học. Ai bỏ công học suốt chừng ấy năm nếu biết chắc ra trường họ sẽ không thể hành nghề bác sĩ vì thị trấn không có nhu cầu? Có thể dùng quy luật cung cầu này để nhìn lại bức tranh tuyển sinh ngành sư phạm đang gây lo lắng vì điểm chuẩn đầu vào quá thấp. Theo số liệu chính thức của Bộ GD-ĐT (đáng tiếc bộ chỉ cập nhật số liệu đến năm 2013!), số lượng học sinh cả nước giảm mạnh trong những năm qua. Nếu năm học 1999-2000 cả nước có 17,8 triệu học sinh phổ thông thì đến năm học 2012-2013 giảm còn 14,7 triệu em (tức giảm đến hơn 3 triệu em). Giảm mạnh nhất là học sinh tiểu học, trong từng ấy năm đã giảm từ 10 triệu còn 7,2 triệu học sinh. Điều đó có nghĩa trong mấy năm gần đây, dù không có số liệu thống kê của bộ, chúng ta vẫn có thể suy luận ra mức giảm học sinh vẫn kéo dài, ít nhất ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông. Cũng theo số liệu thống kê này, số lượng giáo viên lại tăng. Năm học 1999-2000 có hơn 614.000 giáo viên các cấp phổ thông thì đến năm học 2012-2013 tăng lên hơn 847.000 giáo viên. Tăng mạnh nhất lại là giáo viên phổ thông trung học, từ 65.000 người năm học 1999-2000 lên trên 150.000 người năm học 2012-2013, trong khi giáo viên tiểu học tăng không nhiều đến thế. Điều đó cộng với hiện tượng giảm mạnh học sinh tiểu học những năm trước dẫn chúng ta đến kết luận chắc chắn số lượng giáo viên dư thừa nhiều và nhiều nhất là ở bậc trung học phổ thông. Bộ GD-ĐT có biết điều này không? Có. Bởi chính bộ đưa ra con số giáo viên dư thừa trong năm 2014 là 27.000 giáo viên. Có nơi như huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) thừa 603 giáo viên. Một dự báo đưa ra con số 70.000 giáo viên có thể bị dư thừa đến năm 2020. Cầu giảm làm giáo viên dư thừa. Thế nhưng ngành sư phạm có biết điều chỉnh để giảm cung không? Không hề. Theo thống kê của ngành giáo dục, hiện có 58 trường đại học, 57 trường cao đẳng, 40 trường trung cấp có ngành đào tạo giáo viên (trong đó có 14 trường đại học sư phạm, 33 trường cao đẳng sư phạm và 2 trường trung cấp sư phạm). Mặc dù không có số liệu so sánh với thời điểm trước đó, nhiều người nhận xét số lượng trường sư phạm và đào tạo giáo viên đã tăng vọt. Trong khi so với cầu giảm, các trường này lẽ ra chỉ cần đào tạo một số lượng giáo viên vừa phải để thay thế số giáo viên nghỉ hưu hằng năm (chừng 130.000 người trong 5 năm 2016-2020), họ lại ồ ạt đào tạo giáo viên, bất kể sinh viên ra trường có làm giáo viên được hay không. Chỉ tiêu Bộ GD-ĐT giao cho các trường tuy có giảm nhưng vẫn còn rất cao so với nhu cầu (năm học 2016-2017 là 65.300 chỉ tiêu sư phạm, năm học 2017-2018 này là 52.000 chỉ tiêu). Nhưng dù sao đó vẫn là con số chính quy. Các trường còn đào tạo giáo viên theo những con đường phi chính quy khác nữa và con số cuối cùng mới là khổng lồ so với nhu cầu thực tế. Lấy ví dụ Trường đại học Sư phạm Hà Nội, chỉ tiêu đào tạo (tính cả sinh viên ngành sư phạm và sinh viên ngành ngoài sư phạm) công bố những năm gần đây vẫn tăng đều (năm 2010 là 2.400, năm 2017 là 2.900). Thế nhưng quy mô sinh viên của trường này lại lên đến trên 33.000 sinh viên. Đó là bởi đào tạo chính quy theo chỉ tiêu nói trên chỉ chiếm chừng 1/3; 2/3 còn lại là đào tạo tại chức, học bằng hai, hoàn chỉnh kiến thức... Tương tự với các trường đại học sư phạm khác, chẳng hạn Đại học Sư phạm Huế: chỉ tiêu mỗi năm hơn 1.000 mà quy mô đào tạo đang gần 10.000! Cần xem lại cách đào tạo bất kể nhu cầu như thế vì nơi đào tạo chỉ lo công ăn việc làm cho bộ máy của chính họ, bất kể sản phẩm họ đào tạo ra có kiếm được việc làm hay không. Đến đây nhìn lại bức tranh tuyển sinh ngành sư phạm, ắt chúng ta đã có câu trả lời. Hãy để quy luật cung cầu phát huy tác dụng, cầu đã giảm thì cung ắt phải giảm theo. Hiện nay, các trường không chịu giảm vì “nồi cơm” của chính họ, nên họ đành hạ đầu vào tuyển sinh - hạ đến mức như năm nay thì chính họ sẽ bị xã hội lên án và chính cách tuyển sinh bất kể hậu quả như thế sẽ bị đào thải.■ Tags: Đào tạo giáo viênQuy luật cung cầuPhớt lờ quy luậtDư giáo viên
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Nga tuyên bố có quyền đưa tên lửa Oreshnik đến châu Á để đối phó Mỹ NGHI VŨ 25/11/2024 Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết Nga có thể triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong phản ứng với các hành động của Mỹ.
Tổng thống Bulgaria thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, trào dâng cảm xúc người lính DUY LINH 25/11/2024 Tổng thống Bulgaria Rumen Radev, người từng là phi công tiêm kích rồi tư lệnh không quân, đã dừng hồi lâu trước chiếc MiG-21 số hiệu 5121 tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Thủ tướng Campuchia bác thông tin thiếu vốn làm kênh đào Phù Nam Techo TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Thủ tướng Hun Manet khẳng định không có bất cứ trở ngại nào về vốn trong việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia.