13/01/2023 09:04 GMT+7

Ngành nông nghiệp hướng tới xuất khẩu 54 tỉ USD

CHÍ TUỆ
và 1 tác giả khác

Năm 2023, dự báo nền kinh tế tiếp tục đối mặt với khó khăn, đặc biệt là xuất khẩu, nhưng ngành nông nghiệp tự tin đặt mục tiêu chạm mốc 54 tỉ USD.

Ngành nông nghiệp hướng tới xuất khẩu 54 tỉ USD - Ảnh 1.

Ngành thủy sản có một năm 2022 đầy thành công khi xuất khẩu đạt 11 tỉ USD - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Sáng 13-1, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023.

Trả lời Tuổi Trẻ Online, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn PHÙNG ĐỨC TIẾN nhấn mạnh trên cơ sở thành công của năm 2022, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục phát huy lợi thế về nông sản và mở cửa thêm các thị trường trong năm 2023.

Toàn ngành nông nghiệp cam kết đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển kinh tế nông nghiệp, nông nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn.

Giá trị đích thực của người nông dân

* Năm 2022, ngành nông nghiệp tiếp tục có một năm thành công khi lập kỷ lục mới về xuất khẩu nông sản, ông có đánh giá gì với những giải pháp mà toàn ngành thực hiện trong năm qua?

- Khó khăn thách thức của quốc tế và trong nước ảnh hưởng tới toàn nền kinh tế, đặc biệt là xuất khẩu. Nhưng nông nghiệp Việt Nam đã tăng trưởng ngoạn mục với 3,36%, các nội ngành thì các mục tiêu đặt ra đều đạt và vượt.

Ví dụ sản xuất lúa gạo đạt 42,66 triệu tấn, đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu trên 7 triệu tấn, với giá trị 3,49 tỉ USD. Thủy sản đạt trên 9 triệu tấn, xuất khẩu 11 tỉ USD. Lâm nghiệp xuất khẩu đạt gần 17 tỉ USD… 

Nhờ đó mà kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt kỷ lục mới 53,22 tỉ USD, tăng trên 9%. Thặng dư là 8 tỉ USD, tương ứng xuất siêu của cả nền kinh tế. Đây chính là giá trị đích thực của người nông dân.

Để có kết quả như vậy, bên cạnh các nghị quyết của trung ương, Quốc hội, Chính phủ thì Thủ tướng thường trao đổi, chỉ đạo về các vấn đề của ngành. 

Ví dụ như nửa cuối tháng 12-2022, Thủ tướng chỉ đạo tất cả lãnh đạo bộ có ý kiến với các tỉnh, đặc biệt là miền núi phía Bắc phải mở cửa tối đa thị trường Trung Quốc, như vậy trong 1 tháng sầu riêng xuất khẩu tăng 4.100%, chưa kể nông sản khác.

Việc nữa là ngành nông nghiệp tăng cường xúc tiến thương mại trong bối cảnh thị trường quốc tế, chuỗi lương thực thực phẩm đứt gãy nhưng Việt Nam vẫn mở rộng và xuất khẩu ở toàn diện các thị trường.

Ví dụ, năm 2022 Việt Nam đã ký được 4 nghị định thư với Trung Quốc về xuất khẩu sầu riêng, chuối, khoai lang và tổ yến. Xuất khẩu trái bưởi sang Mỹ, Anh,…

Tái cơ cấu từng nội ngành

* Hiệp định FTA mang lại lợi thế rất lớn cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Tuy nhiên tiêu chuẩn mà FTA đặt ra cũng rất cao. Vậy thì thách thức nào đặt ra cho các sản phẩm nông sản của Việt Nam và ngành nông nghiệp có giải pháp gì để tiếp tục khai thác hiệu quả các hiệp định FTA?

- Ngành nông nghiệp đang đứng trước thách thức đó là sản xuất nhỏ, lẻ vẫn chiếm tỉ trọng lớn.

Thứ hai, trước đây chúng ta mang ra chợ bán những gì chúng ta có, còn bây giờ phải mang ra chợ bán những gì người ta cần.

Thứ ba, chế biến và chế biến sâu chưa nhiều, người ta thường nói Việt Nam "xuất khẩu bát" còn thế giới "xuất khẩu gói". 

Điều này cho thấy trình độ chế biến của chúng ta còn nhiều vấn đề. Việc nữa là ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đầu tư hạ tầng nông nghiệp còn yếu kém,…

Từ những khó khăn, thách thức này thì ngành nông nghiệp đang tái cơ cấu, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Khi đó phải chuyển sang sản xuất hàng hóa và để đáp ứng yêu cầu thị trường thì quy mô, tỉ suất hàng hóa là yếu tố rất quan trọng.

Song song với xúc tiến thị trường thì phải tái cơ cấu cho từng nội ngành một, ví dụ như chăn nuôi, thủy sản, trồng trọt. 

Các tiêu chí phải được kiểm soát theo chuỗi, từ nơi sản xuất đến bàn ăn và kinh tế tuần hoàn.

Do vậy, phải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và chúng ta phải xây dựng được các mô hình và truyền thông lan rộng các mô hình. Đồng thời tăng thêm chuyển đổi số và truy xuất nguồn gốc.

Như vậy chủng loại nông sản xuất khẩu ngày càng tăng, số lượng ngày càng tăng, chất lượng ngày càng tốt, giá trị ngày càng tăng.

Ngành nông nghiệp hướng tới xuất khẩu 54 tỉ USD - Ảnh 3.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến - Ảnh: C.TUỆ

Xây dựng thương hiệu để xuất chính ngạch

* Nông sản Việt Nam ngày càng có vị thế hơn ở các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu. Tuy nhiên, thị phần nông sản Việt Nam ở các thị trường này vẫn còn khiêm tốn so với nhu cầu. Vậy ngành nông nghiệp sẽ tập trung vấn đề gì để nhắm vào thị trường lớn và mang lại giá trị cao?

- Cơ cấu thị trường xuất khẩu hiện nay sang Trung Quốc chiếm 19,2%, Mỹ 24,5%, châu Âu và một số nước khác 40%, Nhật Bản 8%, Hàn Quốc 4,7%,… Như vậy cho thấy chất lượng nông sản của Việt Nam không kém.

Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu và sở hữu trí tuệ là bài toán của ngành với bài học của gạo ST25. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao, đặc biệt là thương vụ ở các nước và các hiệp hội ngành hàng để xây dựng những thương hiệu để xuất chính ngạch với quy mô lớn hơn.

Đối với trong nước, việc tái cơ cấu phải được đẩy mạnh theo hướng kinh tế nông nghiệp và theo quy mô của tỉ suất hàng hóa để nhiều sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của các thị trường.

Xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt kỷ lục mới 53 tỉ USDXuất khẩu nông lâm thủy sản đạt kỷ lục mới 53 tỉ USD

Năm 2022, ngành nông nghiệp tháo gỡ nhiều rào cản thương mại và mở cửa nhiều thị trường, nhờ đó xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt kỷ lục mới 53,22 tỉ USD.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên