Theo số liệu của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) hiện lượng đường tồn kho tại các doanh nghiệp hội viên vào khoảng gần 750.000 tấn. Lượng đường này đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa trong những tháng tới khi các nhà máy không còn hoạt động. Nhưng mọi tính toán có thể bị đảo ngược vì đường nhập lậu.
Đây là lý do ngày 24-5, VSSA đã tổ chức hội nghị giải pháp tiêu thụ đường bền vững, và hội nghị dành nhiều thời gian đề cập đến đường nhập lậu.
Theo ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch VSSA, ngoài sản lượng đường trong nước, đường tồn kho, thì từ nay đến cuối năm, Việt Nam phải nhập khẩu một lượng đường nhất định (tăng 5% từng năm), cụ thể là gần 90.000 tấn đường theo cam kết WTO. Trong bối cảnh tồn kho tăng cao, tiêu thụ gặp khó, việc nhập khẩu theo hạn ngạch sẽ là một áp lực cho doanh nghiệp.
Chưa dừng lại ở đó, một trong những nỗi lo của doanh nghiệp là đường lậu, tức là sản phẩm không chịu thuế, nên giá bán sẽ rẻ hơn, vừa cạnh tranh không lành mạnh với đường sản xuất trong nước, vừa làm cho Nhà nước thất thu hàng trăm tỷ đồng.
Theo ghi nhận của VSSA, giá đường Thái Lan nhập lậu trong tuần cuối cùng của tháng ở các cửa khẩu là 15.000-15.100 đồng/kg, có giá rẻ hơn ít nhất là 500 đồng/kg so với giá bán tại các nhà máy.
Tại sao giá đường trong nước lại cao hơn đường nhập lậu? Các nhà sản xuất giải thích rằng, giá mía nguyên liệu luôn chiếm từ 70% giá thành đường thành phẩm. Trong khi ngay từ đầu vụ mía, các nhà máy đã ký hợp đồng mua mía của nông dân theo giá bán đường được các nhà máy tính toán cụ thể, do vậy giá bán cao hơn và việc giảm để cạnh tranh là rất khó.
Sau khi nghe những báo cáo của hiệp hội, doanh nghiệp, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT thừa nhận, tình hình buôn lậu đường lâu nay đang làm cho ngành đường lao đao. Tuy nhiên, ông Nam cho rằng, Việt Nam đã vào sân chơi của thế giới nên phải theo quy luật chung, các nước sẽ phải giảm thuế nhập khẩu cho các mặt hàng của các nước có thỏa thuận thương mại, trường hợp ngành đường là những cam kết trong khối ASEAN.
Theo lộ trình, sau năm 2018, thuế xuất nhập khẩu mía đường từ các nước trong khu vực ASEAN sẽ về 0% thay vì 30% như hiện nay. Đến thời điểm này, lượng đường từ các quốc gia ASEAN, trực tiếp là Thái Lan, sẽ tạo ra những sức ép không nhỏ đối với ngành mía đường Việt Nam.
Ông Nam đặt câu hỏi, doanh nghiệp mía đường sẽ làm gì để cạnh tranh với đường nhập khẩu có thuế 0%? Theo ông Nam, doanh nghiệp cần tính toán cho tình huống này để không rơi vào bị động trong thời gian tới vì tiến trình hội nhập cũng gần kề.
Các doanh nghiệp mía đường phải tìm cách giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm mới hy vọng có thể tồn tại được sau thời điểm 2018.
Tại hội nghị, theo nhiều doanh nghiệp, thời điểm này, ngành mía đường Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn, ngoài nỗ lực của các doanh nghiệp, rất cần sự “đồng hành” của Chính phủ, các bộ, ngành.
Ông Phạm Quốc Doanh cho biết, VSSA đang trình Bộ NN&PTNT phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành mía đường theo xu hướng hội nhập. Mục đích của đề án là giúp ngành mía đường vẫn có thể duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm, cuộc sống cho những người trồng mía sau năm 2018.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận