Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại hội nghị sáng 25-12 - Ảnh: Duyên Phan |
Theo đó, chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói: “Tôi đề nghị cần nghiêm túc, thẳng thắn phân tích kỹ những hạn chế, thiếu sót để tìm ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục một cách hiệu quả”.
Năng lực cán bộ còn hạn chế
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ghi nhận những đóng góp của ngành kiểm sát trong năm qua khi xây dựng, hoàn thiện các bộ luật; có nhiều đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ.
“Vai trò công tố được đề cao, trách nhiệm công tố được tăng cường, tiến độ và chất lượng giải quyết án được nâng lên và chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa có nhiều tiến bộ.
Ngành kiểm sát đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra, tòa án trong việc đẩy nhanh tiến độ, giải quyết nhiều vụ án trọng điểm về tham nhũng. Cơ quan điều tra của viện đã phát hiện, điều tra, xử lý nhiều án tham nhũng, sai phạm trong hoạt động tư pháp. Qua đó, góp phần xây dựng hệ thống cơ quan tư pháp ngày càng trong sạch, vững mạnh” - Chủ tịch nước nói.
Đồng thời, chủ tịch nước cũng ghi nhận ngành kiểm sát có nhiều giải pháp để chống oan sai, bỏ lọt tội phạm, bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp 2013.
Tại hội nghị, lãnh đạo VKSND Tối cao đã báo cáo những kết quả đã làm được, chưa được của ngành kiểm sát trong năm qua.
Theo đó, ông Nguyễn Hải Phong, Phó viện trưởng VKSND Tối cao cho rằng dù đạt được nhiều kết quả lớn lao nhưng ngành kiểm sát vẫn còn một số hạn chế: “Một số vụ án còn để kéo dài thời gian giải quyết, hoạt động tranh tụng của kiểm sát viên tại một số phiên tòa chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp, có địa phương còn để xảy ra oan sai, một số đơn vị chưa kịp thời phát hiện vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp để kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục và phòng ngừa” - ông Phong nói.
Theo ông Nguyễn Hải Phong, nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế trên là do năng lực và trình độ của một bộ phận cán bộ, kiểm sát viên chưa đáp ứng yêu cầu, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành ở một số VKS địa phương còn hạn chế, cơ sở vật chất, điều kiện làm việc và chế độ đãi ngộ đối với ngành kiểm sát còn nhiều bất cập nên ảnh hưởng nhất định đến chất lượng, hiệu quả công tác.
Ông Phong cũng cho rằng ngành kiểm sát toàn quốc sẽ phân tích kĩ để tìm ra nguyên nhân, xác định trách nhiệm và tìm ra giải pháp nhằm tiếp tục phát huy những ưu điểm khắc phục những hạn chế trong năm 2016.
Không làm oan người vô tội
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được của ngành kiểm sát, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế như: chưa kiểm sát chặt chẽ kịp thời việc tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác tội phạm, phê chuẩn việc bắt khẩn cấp, gia hạn tạm giữ sau đó phải chuyển xử lý hành chính hoặc trả tự do do hành vi của bị can chưa đủ cấu thành tội phạm, việc truy tố còn có thiếu sót, dẫn đến phải hủy án để điều tra lại.
Viện kiểm sát truy tố nhưng tòa tuyên bị cáo không phạm tội, kéo dài thời gian giải quyết vụ án và còn có một số vụ oan sai, chưa kịp thời phát hiện vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp để kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục…
“Tôi đề nghị cần nghiêm túc, thẳng thắn phân tích kỹ những hạn chế, thiếu sót để tìm ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục một cách hiệu quả”- chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói.
Một trong những nội dung được ông Trần Công Phàn, Phó viện trưởng VKSND Tối cao đề cập và nhấn mạnh tại hội nghị, đó là: "Tập trung rà soát và kiểm tra, giải quyết dứt điểm những vụ án có dấu hiệu oan, gây bức xúc trong dư luận, tiến hành minh oan và kịp thời giải quyết việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan thuộc trách nhiệm của VKS.
Phải xem xét xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu, lãnh đạo phụ trách, kiểm sát viên làm oan người vô tội, không bổ nhiệm lại chức vụ quản lý, chức danh tư pháp và điều chuyển làm công tác khác đối với trường hợp vi phạm thiếu sót nhiều lần nhưng không chấn chỉnh. Trường hợp có dấu hiệu tội phạm thì phải xử lý theo quy định của pháp luật” - ông Phàn nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận