Học sinh Tấn Hưng đặt câu hỏi với ban tư vấn - Ảnh: DUYÊN PHAN
Tăng chỉ tiêu đào tạo phóng viên cho thí sinh miền Tây
rường ĐH Cần Thơ cho biết năm nay trường tăng chỉ tiêu đào tạo phóng viên dành cho thí sinh miền Tây khi có nhiều thí sinh quan tâm, tìm hiểu ngành học này.
Khu vực tư vấn nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn Trường ĐH Cần Thơ rất đông học sinh đặt câu hỏi và quan tâm về cơ hội và thách thức của ngành văn học - được trường giới thiệu là ngành đào tạo cử nhân có kiến thức chuyên môn về văn học và ngôn ngữ phục vụ lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy ngữ văn hay báo chí, xuất bản, văn phòng.
PGS.TS Nguyễn Kim Châu - phó trưởng khoa Khoa học xã hội và nhân văn, chia sẻ mùa tuyển sinh năm nay trường tăng chỉ tiêu ngành này lên 140.
"Năm 2019 chúng tôi có cuộc khảo sát về tỉ lệ có việc làm của ngành này, kết quả trung bình là 90% sinh viên ra trường có việc làm tại các cơ quan báo đài, công ty truyền thông sự kiện, cơ quan quản lí về văn hóa thông tin,...", thầy Châu thông tin. "Sở dĩ chúng tôi tăng chỉ tiêu vì nhu cầu sinh viên và nhu cầu về nguồn nhân lực cũng tăng".
Thầy cũng nhấn mạnh, để trở thành một phóng viên giỏi ra trường có nơi công tác thì ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, các em cần phải nắm vững kiến thức chuyên môn và cả kỹ năng mềm như thuyết trình, giao tiếp và kỹ năng công nghệ thông tin, và dĩ nhiên là cả ngoại ngữ (tiếng Anh) vì nhà tuyển dụng cần nhân sự của mình là một phóng viên viết tốt, giao tiếp tốt, năng động và chuyên nghiệp.
Để đào tạo tốt hơn, trong chương trình đào tạo, sinh viên sẽ được học và thực hành kỹ năng mềm với học phần kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp xã hội...
Theo ngành logistics cần lưu ý gì?
Ông Đỗ Văn Giang - phó vụ trưởng Vụ đào tạo chính quy - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - thương binh và xã hội) giải đáp thắc mắc của học sinh trong ngày hội - Ảnh: DUYÊN PHAN
PGS.TS Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, chia sẻ, ngành học logistic hiện nay dễ kiếm việc làm với nhu cầu nhân lực rất lớn. Không chỉ các doanh nghiệp chuyên về logistic, nhiều công ty lớn đều có bộ phận lo riêng về lĩnh vực này.
Sinh viên sẽ được trang bị các kiến thức kinh tế cơ bản, kiến thức cơ sở và chuyên ngành về logistics, có khả năng phân tích, đánh giá các nghiệp vụ kinh tế, các hoạt động kinh tế trong lĩnh vực logistics, ứng dụng các phần mềm phục vụ hoạt động logistics và tổ chức bộ máy kinh doanh dịch vụ logistics cho doanh nghiệp…
Ông Đỗ Văn Giang - phó vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết vừa qua Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng kết hợp với Úc để đào tạo logistics với 5 trường cao đẳng trong khu vực phía Nam để tăng cường nguồn nhân lực cho lĩnh vực này.
"Ngành logistic rất lớn, bên trong có nhiều chuyên ngành nhỏ. Ở trình độ cao đẳng, các bạn được trang bị những kiến thức cơ bản nhưng vững chắc tham gia thị trường lao động", ông Giang nói.
Theo TS Đặng Thị Ngọc Lan - phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing - học sinh nếu chọn theo lĩnh vực logistic cần xác định sẽ theo hướng về kỹ thuật hay kinh tế để chọn trường cho phù hợp. Nếu theo hướng kinh tế sẽ học thiên về vận hành và quản lý chuỗi cung ứng.
Ths Hoàng Thúy Nga - chuyên viên chính Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) thông tin về kỳ thi THPT và tuyển sinh đại học năm 2020 - Video: LÊ DÂN
Học kỹ thuật ôtô là... rửa xe?
Một học sinh Trà Vinh cười tít mắt hỏi các thầy tại gian tư vấn Trường ĐH Giao thông vận tải - Phân hiệu tại TP.HCM về ngành kỹ thuật ôtô: "Học ngành kỹ thuật ôtô là rửa xe phải không thầy?".
ThS Huỳnh Văn Quân - phó trưởng phòng khảo thí và đảm bảo chất lượng đào tạo, giải thích hiện tại ngành này đang là ngành được nhiều bạn trẻ quan tâm và muốn theo học trong tương lai.
"Làm kỹ sư ngành kỹ thuật ô tô giống như bác sĩ "khám bệnh" cho bệnh nhân là những chiếc ôtô xem động cơ chạy có tốt không, khi có vấn đề gì về kỹ thuật và động cơ thì báo lại và có thể đưa ra cách sửa chữa chứ kỹ sư không trực tiếp sửa chữa hay rửa xe như các bạn thắc mắc", thầy Quân nói. Thầy cũng cho biết sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc hoặc xa hơn có thể tự mở xưởng hoặc gara để làm.
Trong khi đó, máy cắt lazer của trường cũng thu hút các em tham quan tìm hiểu. Em Sơn Thị Thanh Nguyên (học sinh trường THPT Nhị Trường, huyện Cầu Ngang, Trà Vinh) tròn xoe mắt nhìn cách thức khắc chữ trên móc khóa từ máy cắt lazer (sản phẩm là đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên năm thứ ba ngành cơ điện tử thực hiện).
"Trước giờ em chỉ nghe nói hoặc thấy trên tivi thôi hà giờ thấy tận mắt em thích ghê, em nghe các thầy tư vấn cũng muốn tìm hiểu và nếu hợp em muốn theo học ngành này", Nguyên nói.
"Tuy là khối ngành kỹ thuật nhưng những sinh viên nhiều khóa trước vẫn có nhiều là nữ chứ không phải ngành này chỉ dành cho nam, quan trọng là bạn có đam mê và siêng năng học thì dù là ngành gì thì các em vẫn học tốt được", một sinh viên của trường chia sẻ.
Trình diễn máy cắt lazer khắc tên trên móc khóa thu hút nhiều học sinh đến xem - Ảnh: LAN NGỌC
Càng gần ngày thi càng áp lực, làm sao?
Học sinh Nguyễn Anh Tuấn, lớp 12 Trường THPT Nguyễn Việt Dũng, TP Cần Thơ lo lắng: "Em chọn nghề công nghệ thực phẩm và đang cố gắng ôn tập để thi đậu lần này. Nhưng càng gần ngày thi em càng áp lực. Em cần làm gì để bình tĩnh lại, thi tốt như ý mình mong muốn?".
GS.TS Huỳnh Văn Sơn - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư Phạm TP.HCM, nhắn nhủ: Để giảm áp lực tâm lý và có một mùa thi đạt hiệu quả cao, các bạn cần tập xác định mục tiêu cho bản thân, dung hòa, chia sẻ áp lực với người thân trong gia đình. Đồng thời tránh nghe những thông tin tiêu cực để vững vàng tâm lý.
Các bạn hãy phân bổ thời gian ăn ngủ, ôn bài phù hợp, chơi một môn thể thao mình yêu thích để giải trí. Ngoài ra, bản thân cũng cần nghĩ đến viễn cảnh thành công trong học tập, thi đạt kết quả cao và đừng bao giờ học bài mà không có chiến lược cụ thể, phải tìm hiểu kỹ về kỹ năng làm bài...
"Trong lúc thi các bạn cần tập trung, trấn an tinh thần và hạn chế để bị ảnh hưởng tác động âm thanh bên ngoài. Nếu gặp rối, các bạn có thể sử dụng mẹo nhỏ là ấn mạnh ngón chân cái vào mũi giày hoặc xoay nhẹ ngón tay cái vào lòng bàn tay để kích thích giác quan, ổn định tâm lý", ông Sơn nói.
Ngành nào đang hot nhất? Công nghệ sinh học có nhiều cơ hội không?
Học sinh Nguyễn Trung Tín - THPT Phan Văn Trị (Cần Thơ) hỏi: "Ngành nghề nào đang hot nhất hiện nay và có thể ổn định trong 10 năm tới?". TS Phạm Tấn Hạ - phó trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM giải thích: Bất kỳ ngành học nào được mỗi trường đào tạo đều theo nhu cầu thị trường và đáp ứng nhu cầu tuyển dụng.
Nhà tuyển dụng hiện đòi hỏi sinh viên tốt nghiệp đáp ứng về kiến thức, kỹ năng và thái độ được rèn luyện trong môi trường đại học. Do đó, không phải lo về ngành nghề "hot" hay liệu nó có tồn tại 10 năm, 20 năm, mà quan trọng nằm ở bản thân mỗi người.
"Thành công hay không là do bản thân em quyết định. Hãy chọn ngành nào mà em thích, có khả năng phát triển và cố gắng dấn thân thì sẽ thành công. Nếu chọn những ngành em cho là 'hot' nhưng em không thích thì sẽ mau chán khi học đại học và khi ra làm việc", TS Hạ nói.
Một thí sinh hỏi về cơ hội của ngành công nghệ sinh học. PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cho biết ngành công nghệ sinh học đóng góp nhiều mặt trong đời sống như ngành y, dược liệu, thực phẩm, nông nghiệp… Do yêu cầu của ngành đòi hỏi những trang thiết bị đắt tiền, sinh viên sau khi tốt nghiệp thường sẽ làm ở những nơi có cơ sở vật chất đủ yêu cầu.
TS Hồ Nhật Quang - phó hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM, thông tin thêm, hiện tại ngành công nghệ sinh học đi theo 7 hướng cụ thể: công nghệ sinh học định hướng môi trường (nghiên cứu tạo ra những giống cây mới…), công nghệ sinh học định hướng thực phẩm (nghiên cứu chế tạo các loại thực phẩm chức năng), công nghệ sinh học tái tạo, công nghệ sinh học vi sinh vật…
"Hiện tại ngành này rất đa dạng và đang được Việt Nam đầu tư phát triển. Nhu cầu của doanh nghiệp trong tương lai rất lớn", thầy Quang nói.
PGS.TS Trần Thị Thanh Hiền cũng cho hay hiện tại Trường ĐH Cần Thơ có đào tạo chương trình tiên tiến ngành công nghệ sinh học, trong đó 100% được giảng dạy bằng tiếng Anh, học phí cao hơn. Đây cũng là một trong những ngành mũi nhọn của Trường ĐH Cần Thơ trong hơn 10 năm qua cho sinh viên khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Học sinh Gia Huy - Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa, quan tâm ngành công nghệ sinh học nhờ tổ tư vấn giải đáp - Ảnh: DUYÊN PHAN
Học sinh thích thú trải nghiệm kính 3D của ĐH FPT tại ngày hội - Ảnh: DUYÊN PHAN
Càng về trưa lượng học sinh và phụ huynh đổ về chương trình càng đông - Ảnh: DUYÊN PHAN
Các ngành công nghệ luôn thu hút sự quan tâm của các em học sinh - Ảnh: DUYÊN PHAN
Học sinh tham gia các trò chơi tại gian hàng của Đại học Nguyễn Tất Thành - Ảnh: DUYÊN PHAN
600 sinh viên gom rác, đổi quà trao người nghèo
Bạn Phạm Anh Đào - Câu lạc bộ môi trường Đại học Cần Thơ, cho biết: cứ đến ngày hội tư vấn tuyển sinh của trường ĐH Cần Thơ là các bạn trong Câu lạc bộ sẽ "ra quân" thu gom rác.
"Năm nay trong 600 bạn sinh viên tình nguyện, CLB chia ra nhiều nhóm, mỗi nhóm từ 10 - 15 bạn đi quanh trường thu gom rác mang về tập kết lại CLB rồi phân loại, những loại có thể tái chế như giấy, vỏ lon... CLB sẽ bán lấy tiền mua quà trao cho người nghèo", Đào thông tin.
"Đây là lần đầu tiên em tham gia vào công tác tình nguyện này. Em cảm thấy vui và ý nghĩa lắm. Việc làm của em tuy nhỏ nhưng giúp em và các bạn ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh và chung tay bảo vệ môi trường xanh đẹp", Nguyễn Hồ Bảo Ngọc - sinh viên ngành công nghệ thực phẩm, nói.
Ảnh: CHÍ CÔNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận