Nếu đếm sơ sơ thì giáo viên phổ thông hiện nay có những loại chuẩn như sau: chuẩn nghề nghiệp, chuẩn trình độ, chuẩn chức danh nghề nghiệp, chuẩn hiệu trưởng. Khi dạy trên lớp có chuẩn kiến thức kỹ năng, nhà trường thì có trường chuẩn quốc gia, có thư viện chuẩn quốc gia…Ngoài ra, khi đánh giá, xếp loại nhà trường còn có vô số các loại chuẩn khác nữa.
Thế nhưng, cứ nhìn vào các loại chuẩn, chúng ta thấy có quá nhiều chuyện đáng bàn. Nhiều khi chỉ chạy theo hình thức, đối phó và bắt buộc giáo viên, các đơn vị trường học phải tuân theo một cách mệt mỏi.
Ngoài bằng cấp chuyên môn thì giáo viên có thêm rất nhiều những "giấy phép con" nữa. Khi đánh giá hằng năm thì mơ hồ, không biết đánh giá như thế nào cho đúng với chuẩn nghề nghiệp của mình.
Chẳng hạn như khi xếp chuẩn giáo viên hằng năm của giáo viên phổ thông, chúng ta thấy có vô số những hướng dẫn mơ hồ về phẩm chất, năng lực. Điều đặc biệt là trong 5 tiêu chuẩn đối với chuẩn giáo viên phổ thông hiện nay đòi hỏi giáo viên không chỉ có bằng cấp chuyên môn mà còn phải có một số chứng chỉ như tin học, ngoại ngữ để làm minh chứng cho một số tiêu chí trong các tiêu chuẩn.
Vì thế, cuối năm xét chuẩn nghề nghiệp, giáo viên cũng mệt nhoài với các tiêu chí, tiêu chuẩn để đánh giá, xếp loại cho mình. Tuy nhiên, việc đánh giá, xếp loại giáo viên hay cả hiệu trưởng, phó hiệu trưởng hiện nay vẫn chỉ là chiếu lệ, làm cho có. Hàng loạt tiêu chí trong các tiêu chuẩn không biết lấy đâu ra nguồn minh chứng bởi những yêu cầu trong bộ chuẩn mơ hồ, võ đoán…
Chuẩn chức danh nghề nghiệp cũng "hành" cho giáo viên nhiều nơi tơi tả. Ngoài chuyện bằng cấp, chứng chỉ theo quy định hiện hành thì giáo viên còn phải học bồi dưỡng để có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp bằng một khoản tiền từ 2-3,5 triệu đồng. Đơn vị đứng ra mở lớp là các trường đại học, cao đẳng sư phạm ở các địa phương.
Điều trớ trêu là giáo viên không chỉ đóng tiền học phí mà khi đăng ký học bắt buộc phải mua tài liệu để bồi dưỡng. Các học viên không được sử dụng tài liệu của người đã học trước đó dù tài liệu chẳng khác một chữ nào. Việc ép buộc như vậy chỉ với một mục đích duy nhất là ép học viên phải mua tài liệu học tập với giá vài trăm nghìn đồng 1 cuốn sách rồi học mấy ngày xong là bỏ đi.
Việc hướng tới những cái chuẩn chung là điều tốt. Nhưng có nhiều cái chuẩn được ban hành cũng chỉ là mang tính hình thức. Bởi nhiều loại chuẩn mơ hồ, chung chung khiến cho giáo viên tất bật đối phó mà hiệu quả thì cũng chẳng đâu và đâu. Thậm chí có những loại chuẩn dẫn đến sự dối trá, tiêu cực, buộc giáo viên phải học hành tốn kém mà đôi khi nó chẳng có tác dụng gì.
Không chỉ chuẩn nghề nghiệp, chuẩn chức danh nghề nghiệp mà tới đây còn phải đáp ứng chuẩn trình độ đối với giáo viên. Bởi tới đây những giáo viên chưa đủ chuẩn trình độ theo quy định sẽ được đào tạo lại. Những giáo viên mầm non có chuẩn là cao đẳng sư phạm, giáo viên từ cấp tiểu học trở lên phải có chuẩn tối thiểu là trình độ đại học sư phạm.
Rất nhiều các loại chuẩn mà giáo viên, nhà trường đang phải đối diện hằng ngày nhưng nó chưa mang lại hiệu quả thiết thực cho ngành giáo dục mà đôi lúc lại gây thêm những phiền toái, tốn kém cho giáo viên và nhà trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận