Dù vậy, chất lượng vẫn chưa được như mong muốn của ngành và của du khách, càng chưa thể sánh với các nước phát triển. Lý do đưa ra thường là thiếu kinh phí. Không có tiền đầu tư thì đúng là “bó tay chấm com”.
Tuy nhiên, có những thứ có thể làm ngay, không tốn tiền nhưng không hiểu sao ngành đường sắt cứ kéo dài từ năm này sang năm khác, tự làm khó mình và làm khó hành khách.
Chỉ xin nêu vài ví dụ:
Tôi vừa đi tàu SE7 ghế ngồi cứng. Lâu nay tôi thường đi giường nằm hoặc ghế mềm, nhưng đôi khi hết vé, mà tôi lại kết đường sắt vì độ an toàn và để tiết kiệm thời gian di chuyển nên cứ chọn đi tàu dù ngồi ghế cứng. Ngồi ghế cứng mùa này rất nóng, khách không có tiêu chuẩn nước suối và máy lạnh như ghế mềm. Chuyện này cũng là lẽ đương nhiên vì giá ghế cứng thường mềm.
Tuy nhiên, ở các toa ghế mềm hay giường nằm đều có thùng rác nhưng toa ghế cứng tìm hoài vẫn không thấy. Khách muốn bỏ rác cứ loay hoay không biết xử lý thế nào. Hậu quả là bao nhiêu rác khách đều tuồn ra cửa sổ ném xuống hai bên đường. Có lẽ vì vậy mà hai bên đường sắt rác cứ sinh sôi, nhất là ở những đoạn không ai dọn dẹp.
Thêm nữa, chỉ thấy ngành đường sắt nhắc khách: “Không thò đầu và tay ra ngoài khi tàu chạy”, “Hạ cửa lưới xuống khi tàu chạy” (để chống ném đá) bằng khẩu hiệu và cả trên loa phóng thanh nhưng không thấy nhắc nhở chuyện giữ vệ sinh chung, chuyện bỏ rác đúng nơi quy định. Mấy thùng rác không tốn nhiều tiền, việc nhắc nhở chuyện giữ vệ sinh chung cũng vậy, có thể làm ngay.
Chuyện khác, vào đầu năm 2015, ngành đường sắt đã có những thay đổi làm khó doanh nghiệp du lịch. Trước doanh nghiệp chỉ cần điện thoại giữ chỗ, nay phải có dự thảo hợp đồng; trước chỉ cần danh sách hành khách, nay thêm chứng minh nhân dân...
Mùa cao điểm, việc xin thêm vé, nối thêm toa rất khó khăn. Ngành chỉ báo trước việc nối toa một tuần nên doanh nghiệp rất khó xoay xở. Phiền nhất là việc ngưng xuất vé tổng, một bước “cải lùi” gây khó cho các công ty lữ hành. Cả đoàn khách hàng trăm người, hướng dẫn viên phải chờ nhân viên đường sắt xét vé trên tàu, xét vé khi ra cổng rồi thu gom vé lẻ từng khách cho đủ (mất vé nào là đền vé đó vì thiếu chứng từ ngành thuế sẽ phạt thẳng tay).
Ngành đường sắt lý giải cho những thay đổi này là nhằm quản lý chặt chẽ hơn, hạn chế nạn tuồn vé ra chợ đen mùa cao điểm. Khổ nỗi, mức phạt quá nhẹ nên dân chợ đen sẵn sàng nộp phạt để phe vé vì vẫn lời to.
Thiết nghĩ ngành đường sắt nên xem lại, đơn giản hóa các thủ tục, không đẩy khó khăn về phía khách hàng, nên ưu tiên cho bán sỉ và khách đoàn.
Việc mua vé càng đơn giản càng tốt, quan trọng là khâu kiểm soát vé lúc lên tàu. Khó khăn và phức tạp hơn nhưng hàng không đã cải tiến từ lâu, hà cớ gì ngành đường sắt lại làm khổ khách bằng những “cải lùi” như vậy?
* Những điều bạn hài lòng/ không hài lòng khi sử dụng các dịch vụ của ngành đường sắt? Đâu là điều ngành đường sắt cần khắc phục để phục vụ khách hàng tốt hơn? Hãy chia sẻ cùng TTO qua email [email protected] hoặc qua phần Ý kiến bạn đọc dưới bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận