08/01/2021 19:46 GMT+7

Ngành đường sắt lo mất sạch 3.250 tỉ vốn chủ sở hữu

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Đại dịch COVID-19 và mưa lũ liên tục ở miền Trung khiến Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lỗ khoảng 1.324 tỉ đồng. Nếu năm nay tình hình vẫn diễn biến phức tạp, dự kiến cuối năm 2022 đường sắt mất sạch 3.250 tỉ đồng vốn chủ sở hữu.

Ngành đường sắt lo mất sạch 3.250 tỉ vốn chủ sở hữu - Ảnh 1.

Hạ tầng cũ kỹ, lạc hậu của đường sắt được lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải xác định là điểm nghẽn không dễ thay đổi - Ảnh: NAM TRẦN

Ông Vũ Anh Minh - chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam - cho biết như vậy tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2021 của doanh nghiệp này chiều 8-1.

Theo thống kê của Tổng công ty Đường sắt, năm 2020 sản lượng của đường sắt đạt hơn 6.828 tỉ đồng, bằng 79% so với cùng kỳ 2019; doanh thu đạt 6.565 tỉ đồng, bằng 78,3% so với cùng kỳ 2019. Trong đó công ty mẹ đạt tổng doanh thu 1.713 tỉ đồng, bằng 81,6% so với kế hoạch và 66,6% so với cùng kỳ 2019. Dự kiến lỗ hơn 1.324 tỉ đồng.

Nguyên nhân chính, theo người đứng đầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, do đại dịch COVID-19 khiến lượng hành khách đi tàu sụt giảm. Kế đến, bão lũ ở miền Trung làm gián đoạn vận tải hàng trăm chuyến tàu. Số lượt hành khách đi tàu có tháng chỉ đạt 30 - 35% so với cùng kỳ 2019, đây là mức thấp nhất trong lịch sử ngành đường sắt.

"Do đại dịch COVID-19, một số tuyến chủ đạo phục vụ du lịch nhưng gần như không có khách trong năm qua. Có chuyến tàu chỉ đạt 10 - 15% khách nhưng vẫn phải chạy. Nếu năm 2021 này diễn biến COVID-19 vẫn như năm 2020 thì sang năm 2022, cả 2 công ty vận tải đường sắt sẽ mất hoàn toàn vốn chủ sở hữu.

Như vậy, đồng nghĩa khả năng Tổng công ty Đường sắt sẽ mất hoàn toàn 3.250 tỉ vốn chủ sở hữu vào ngày 31-12-2022. Và nếu điều này xảy ra, nỗ lực cố gắng của cả quá trình hình thành và phát triển sẽ bị xóa sạch trong vòng 3 năm" - ông Minh nhận định.

Theo ông Minh, ngành đường sắt vẫn còn những khó khăn "không nói nhưng ai cũng biết" như hạ tầng lạc hậu, cũ kỹ, đường đơn khổ 1m, hàng ngàn đường cong bán kính dưới 300m, không đồng đều tải trọng, trên 14.000 vị trí bị xâm phạm an toàn giao thông, đường sắt đầu tư thay thế cái cũ chứ không tạo ra sản phẩm mới...

Niềm hi vọng của đường sắt là kịch bản năm 2021 này sẽ hết dịch COVID-19 khi có vắc xin và dự án 7.000 tỉ đồng cải tạo hạ tầng hoàn thành sẽ có hạ tầng tốt hơn để tăng năng lực vận tải, từ đó ngành đường sắt sẽ có dư địa phát triển.

Cùng với đó, ông Minh hi vọng đề án tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được thông qua để doanh nghiệp này tái cơ cấu từ tài chính, đầu tư, khoa học công nghệ, sản phẩm dịch vụ, tái cơ cấu nhân sự và mô hình tổ chức để đường sắt có thể khai thác tốt nhất trên hạ tầng hiện có.

Chia sẻ với ngành đường sắt, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông đánh giá ngành đường sắt trải qua năm 2020 hết sức khó khăn khi bị tác động nặng bởi cả đại dịch COVID-19 và bão lũ.

Theo ông Đông, trong 10 năm qua đường sắt không đạt được mục tiêu huy động nguồn lực trong chiến lược phát triển. Trong khi đó, vốn đầu tư cho đường sắt có tăng hơn trước nhưng cũng chỉ được 4.000 - 4.500 tỉ đồng, chủ yếu cho bảo trì kết cấu hạ tầng để duy trì chạy tàu, an sinh xã hội chứ không phải đầu tư phát triển.

Ông Đông cho rằng trong những khó khăn, hạ tầng lạc hậu vẫn là điểm nghẽn của đường sắt và không thể thay đổi trong thời gian ngắn, mà cần cả quá trình về nhận thức, đầu tư, quản lý, định mức kinh tế kỹ thuật bảo trì đầu tư hạ tầng đường sắt…

Đường sắt ngày càng thất thế, vì sao? Đường sắt ngày càng thất thế, vì sao?

TTO - Đối mặt với những khó khăn kinh niên từ hệ thống hạ tầng cũ kỹ, lạc hậu, đại dịch COVID-19 và lũ lụt liên tục ở miền Trung càng khiến ngành đường sắt lao đao. Nhiều người lo ngại đường sắt lâm vào một năm ảm đạm trong lịch sử của mình.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên