18/10/2024 08:24 GMT+7

Ngành dược chuyển đổi số, có lợi cho người bệnh

Chuyển đổi số được coi là hướng đi hiệu quả của nhiều doanh nghiệp, lĩnh vực. Trong đó, ngành dược - mặt hàng nhu yếu phẩm của mọi nhà - không nằm ngoài xu thế đó.

Ngành dược chuyển đổi số, có lợi cho người bệnh - Ảnh 1.

Các đơn vị kinh doanh thực hiện thủ tục tại Cục Quản lý dược, Bộ Y tế - Ảnh: D.LIỄU

Trong khi nhiều bệnh viện vẫn xảy ra tình trạng thiếu thuốc, người bệnh loay hoay tìm mua thuốc, chuyển đổi số ngành dược đang được nhiều đơn vị quan tâm, mục tiêu là làm sao để người bệnh mua đúng thuốc, đúng giá, bệnh viện có thể chủ động đảm bảo thuốc chữa bệnh.

Thuốc không thiếu nhưng bệnh viện vẫn không có thuốc?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Việt Dũng, phó cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), cho hay thời gian vừa qua các bệnh viện cũng rất nỗ lực để đảm bảo thuốc điều trị cho người dân. Bộ Y tế cũng đã phối hợp với bệnh viện xây dựng thông tư, hướng dẫn đảm bảo cung ứng thuốc điều trị. Đến nay, nguồn cung thuốc chữa bệnh đã được giải quyết cơ bản.

Tuy nhiên ông Dũng cũng cho rằng việc đảm bảo nguồn cung ứng này đang gặp một số thách thức, khó khăn nhất định.

"Hiện nay chúng ta có khoảng 800 hoạt chất được cấp số đăng ký lưu hành với khoảng 22.000 số đăng ký. Những thuốc cần thiết cho nhu cầu điều trị đã được đáp ứng.

Cục cũng đã hết sức nỗ lực trong việc cấp số đăng ký và đảm bảo nguồn cung ứng thuốc cho bệnh viện và người dân. Với số lượng số đăng ký như vậy chúng tôi nghĩ không thể thiếu nguồn cung ứng.

Tuy nhiên, trong quá trình mua sắm thuốc có thể gặp vấn đề trở ngại. Việc đấu thầu mua sắm thuốc cần có sự chuẩn bị từ dự trù, đặt hàng, dự báo về tình hình dịch bệnh, làm tốt khâu này thì việc đảm bảo cung ứng thuốc cho người dân hoàn toàn có thể thực hiện được", ông Dũng cho hay.

Cũng theo ông Dũng, một trong những giải pháp để hạn chế tình trạng thiếu thuốc là chuyển đổi số. Trong đó, cần thiết lập được một cơ sở dữ liệu của tất cả các nhà thuốc, cơ sở sản xuất thuốc, cơ sở nhập khẩu và bệnh viện.

Cơ sở dữ liệu này sẽ giúp bệnh viện, các nhà quản lý có thể nhìn rõ tình trạng thuốc của toàn quốc; nắm bắt được loại thuốc nào hết, loại thuốc nào còn, bệnh viện nào đang thiếu hay bệnh viện nào đang thừa, từ đó có sự phân bổ, luân chuyển phù hợp. Lúc này việc xảy ra tình trạng thiếu thuốc cục bộ sẽ được giải quyết.

Ông Dũng cho hay thực tế, thời gian qua có những doanh nghiệp nhập thuốc về nhưng bệnh viện, cơ sở phân phối không biết đến làm lãng phí nguồn thuốc, trong khi vẫn có tình trạng thiếu thuốc xảy ra.

Tiến tới truy xuất "đường đi" của thuốc

Chuyển đổi số của ngành dược cũng đang đặt ra mục tiêu cố gắng phải tiếp cận, triển khai. Hiện nay, thực tế rất nhiều doanh nghiệp đã chủ động triển khai chuyển đổi số như có mã truy xuất được hàng hóa nằm trong khâu nào ở quá trình lưu thông. Ngành dược cũng đang hướng tới chuyển đổi số, đòi hỏi nguồn lực rất lớn.

Ông Dũng cho hay thời gian qua công nghệ phát triển rất nhanh. Vừa qua, Viettel cũng đã chuyển đổi từ 2G sang 5G để khuyến khích người dân sử dụng các thiết bị điện tử thông minh, tăng cường kết nối. Theo một thống kê năm 2015 có khoảng 23 triệu kết nối hệ thống mạng lưới viễn thông, dự đoán đến năm 2025 con số này lên khoảng 40 triệu.

"Tốc độ phát triển công nghệ rất nhanh, thương mại điện tử hay kinh doanh online là xu thế tất yếu và thuốc cũng là sản phẩm không nằm ngoài xu hướng đó.

Mặc dù vậy, thuốc là hàng hóa đặc biệt, có ảnh hưởng trực tiếp đến người sử dụng. Dù không nằm ngoài xu thế của thương mại điện tử nhưng việc mua bán online cần có hành lang pháp lý để tăng cường quản lý. Mục đích làm sao để thuốc lưu hành đảm bảo an toàn, hiệu quả cho người sử dụng", ông Dũng nói.

Phó cục trưởng Cục Quản lý dược cũng cho hay hiện nay chưa có quy định về mua bán thuốc online. Việc mua thuốc phải được thực hiện trực tiếp tại địa điểm đã được cấp phép, đủ điều kiện kinh doanh về dược.

Trong lần sửa đổi Luật Dược này, Bộ Y tế đề xuất đưa vào quy định liên quan đến phương thức kinh doanh thương mại điện tử. Đây là hình thức kinh doanh song song với bán hàng trực tiếp và phải tuân thủ những quy định nhất định.

"Doanh nghiệp kinh doanh thuốc online cũng phải đảm bảo các yêu cầu về cơ sở vật chất, con người và giấy phép đủ điều kiện kinh doanh về dược. Đảm bảo thuốc có nguồn gốc xuất xứ, an toàn cho người dân và phải có nhân lực để hướng dẫn người dân sử dụng thuốc.

Dự thảo cũng giới hạn những loại thuốc kê đơn, thuốc hạn chế bán lẻ thuộc nhóm không được bán online, mà chỉ được bán online thuốc thuộc danh mục không kê đơn.

Cục Quản lý dược cũng đang triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về dược, khi hoàn thiện sẽ kết nối liên thông từ nhà thuốc, cơ sở sản xuất thuốc và cơ sở phân phối thuốc.

"Như vậy có thể truy được nguồn gốc xuất xứ thuốc và xa hơn hệ thống này sẽ liên thông với cơ sở dữ liệu về kê đơn thuốc quốc gia. Mục tiêu để bác sĩ kê đơn, đến khi đơn thuốc được chuyển đến nhà thuốc, có thể truy lại luồng thuốc đi như thế nào", ông Dũng nhấn mạnh.

Thuốc mỗi nơi một giá, người bệnh làm sao lựa chọn?

Lý giải về việc thuốc mỗi nơi một giá, ông Lê Xuân Hoành - trưởng phòng quản lý giá thuốc, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) - cho hay hiện nay Việt Nam là một trong những nước ASEAN quản lý giá thuốc tốt nhất, chỉ số tăng giá thuốc nằm trong nhóm thấp nhất các ngành.

Tuy nhiên, nguyên tắc quản lý giá thuốc phải tôn trọng quyền tự quyết của doanh nghiệp. Nhà nước chỉ can thiệp trong trường hợp các mặt hàng cần bình ổn giá hoặc trong thiên tai, dịch bệnh.

"Về việc giá của mỗi nhà thuốc bệnh viện hay hiệu thuốc tư nhân có sự chênh lệch là do thị trường. Ví dụ bệnh viện đấu thầu 500 hộp thuốc chắc chắn giá đắt hơn so với bệnh viện đấu thầu 5.000 hộp. Hoặc do thời điểm đấu thầu khác nhau cũng sẽ có giá khác nhau, không thể áp đặt một giá chung cho tất cả các nhà thuốc", ông Hoành lý giải.

Ông Hoành cũng cho hay hiện nay danh mục thuốc thuộc diện kê khai giá, vì vậy dữ liệu công bố sẽ là công cụ hỗ trợ để các bệnh viện, nhà thuốc tham khảo, tìm kiếm nguồn hàng có giá cả phù hợp. Đồng thời, người dân cũng có thể tra cứu thông tin giá thuốc để có sự lựa chọn phù hợp.

Hội thảo Phát triển thị trường dược phẩm trong nước - Giải pháp từ chuyển đổi số

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược sẽ trình Quốc hội trong vài ngày tới. Dự thảo này có nhiều đề xuất nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo hành lang pháp lý để ngành dược hội nhập, phát triển trong tình hình mới, được kỳ vọng mang đến các biện pháp quản lý mới cho loại hình kinh doanh, phân phối thuốc đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Làm sao để thúc đẩy việc áp dụng chuyển đổi số vào tổ chức, sắp xếp lại hệ thống kinh doanh, phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc đáp ứng tình hình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế?

Báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng các đơn vị tổ chức hội thảo với chủ đề Phát triển thị trường dược phẩm trong nước - Giải pháp từ chuyển đổi số vào sáng 19-10 tại Hà Nội. Hội thảo dự kiến sẽ có sự tham gia của Bộ Y tế, bệnh viện, nhà thuốc, các chuyên gia trong lĩnh vực dược.

Các tổ chức, cá nhân sẽ có những đóng góp, nhìn nhận từ thực tiễn trong việc thực hiện kê khai giá thuốc, quản lý giá thuốc thống nhất và minh bạch, duy trì bình ổn giá, đáp ứng đủ thuốc phục vụ công tác điều trị và nâng cao khả năng tiếp cận thuốc của người dân. Hướng đến mục tiêu kết nối bác sĩ - nhà thuốc - bệnh viện để thuận tiện trong việc kiểm soát mua bán thuốc cho người dân.

Cần kiểm soát nhà phân phối, thuốc kê đơn

Theo thông tin từ trang web của Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA), người tiêu dùng trong Liên minh châu Âu (EU) có thể mua thuốc trực tuyến, nhưng chỉ nên mua từ những nhà thuốc đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền ở nước sở tại.

Theo đó, để giảm nguy cơ mua phải thuốc kém chất lượng hoặc thuốc giả, Ủy ban châu Âu (EC) quy định trên trang web của các bên bán lẻ thuốc được công nhận sẽ có một logo chung. Logo chung này cũng sẽ bao gồm hình ảnh quốc kỳ của quốc gia mà bên phân phối đăng ký.

Trong khi đó, Tổng hội đồng Dược phẩm (GPhC) - cơ quan chịu trách nhiệm quản lý lĩnh vực dược phẩm ở Anh, Scotland và Xứ Wales - yêu cầu bên cung cấp khi bán một số loại thuốc, sẽ cần kiểm tra thêm nhiều thông tin từ phía người mua.

Cơ quan này cũng yêu cầu các loại thuốc "gây nghiện, có nguy cơ cao" không nên được mua bán trực tuyến nếu không có các biện pháp đảm bảo an toàn bổ sung.

Thăm dò ý kiến

Chuyển đổi số đang dần thay đổi cách vận hành của hoạt động cung cấp thuốc, khám chữa bệnh truyền thống. Trong xu thế chung, bạn có đồng ý mua và giao dược phẩm online?

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Ngành dược chuyển đổi số, có lợi cho người bệnh - Ảnh 2.Nền tảng thúc đẩy chuyển đổi số y tế

Tại hội nghị khoa học thường niên mới đây, nền tảng phân tích dữ liệu toàn diện dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) và hệ thống dữ liệu lớn Big Data dành riêng cho ngành y tế DrAid™ Enterprise Data (của VinBrain) vừa ra mắt.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên