Các đoàn du khách châu Âu vẫn không hủy chuyến du lịch Việt Nam trong những ngày có dịch corona - Ảnh: LINH TÂM
Hơn 3 tiếng bàn thảo sôi nổi tại hội nghị Ngành du lịch ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp nCoV do Tổng cục Du lịch tổ chức chiều 6-2 tại Hà Nội, các đại biểu không chỉ "kêu khóc" về thiệt hại và kiến nghị Chính phủ hỗ trợ, mà còn kêu gọi nhau đoàn kết, bình tĩnh vượt qua khủng hoảng, không thổi phồng sự nghiêm trọng của dịch bệnh, và coi khủng hoảng lần này là cơ hội để cải tổ.
Đừng nên chỉ nhìn vào mặt tối
Trong khi nhiều đại biểu đưa ra những con số thống kê về thiệt hại nặng nề do bệnh dịch gây ra, bà Đỗ Hồng Xoan - chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam - nói "đừng nhìn bức tranh quá tối để ngành du lịch tự làm cho nó tối hơn". Bà dẫn chứng tại Đà Lạt, công suất buồng phòng vẫn trên 80%.
Còn giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải cũng cho biết trong tháng 1 mặc dù khách Trung Quốc và Hàn Quốc tới Hà Nội giảm mạnh, khách Ấn Độ lại tăng tới 65%, khách châu Âu tăng 25%.
Phó giám đốc Vietravel Trần Đoàn Thế Duy cũng cho rằng "không nên trầm trọng hóa để khiến tinh thần xấu hơn".
Ông Vũ Thế Bình - phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam - khẳng định dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch những ngày qua, nhưng công tác phòng chống dịch tốt, mạnh mẽ, quyết liệt. Theo ông, dịch này không nặng nề như dịch SARS, bởi chúng ta đã có kinh nghiệm đối phó, và thời gian qua nhiều địa phương nặng nề quá, sinh cực đoan, ảnh hưởng du lịch. Ví dụ như một số nơi kỳ thị khách du lịch Trung Quốc, từ chối phục vụ. Theo ông, đây là một điều tệ hại ảnh hưởng nặng đến hình ảnh du lịch Việt Nam, mà sau này sẽ rất khó khắc phục.
Các di tích, danh thắng ở Hà Nội đã giảm 30-40% lượng khách trong tháng 1 so với cùng kỳ năm 2019, nhưng dự báo sau dịch, nhu cầu du lịch của người dân sẽ tăng mạnh - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Tìm cơ hội trong khủng hoảng
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho rằng đây là thời điểm mà ngành du lịch có thể tìm cơ hội trong khủng hoảng. Vượt qua được dịch bệnh, nhu cầu du lịch trong người dân bị nén lại sẽ bùng nổ, và đây sẽ là cơ hội rất tốt cho ai nắm bắt được.
Để là người chiến thắng khi cơ hội đến, ngành du lịch Việt Nam phải tranh thủ giai đoạn trầm lắng vì dịch bệnh hiện nay để cải tổ, nâng cao chất lượng.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Lê Quang Tùng cũng nói đây là cơ hội để ngành du lịch nhìn lại, và phải thúc đẩy nhanh việc cơ cấu lại thị trường du lịch.
Tổng cục Du lịch cũng đưa ra nhiều giải pháp cấp bách và lâu dài để cứu nguy cho ngành du lịch đang bộn bề khó khăn vì dịch hiện nay, trong đó dự định đề xuất Chính phủ, Quốc hội đồng ý giảm, giãn thuế, đề xuất ngân hàng giảm lãi suất vay cho doanh nghiệp du lịch...
Tiềm năng lớn từ Mỹ, Ấn Độ
Tại hội nghị, ông Đỗ Xuân Quang - phó tổng giám đốc Vietjet Air - cho biết trong hai tuần khủng hoảng vì corona vừa qua, hãng này đã tích cực chuẩn bị cho việc mở đường bay thẳng tới Ấn Độ. Ngày 12-2 tới, hãng sẽ chính thức khai trương đường bay Hà Nội đi New Delhi. Thông tin khiến các đại biểu rất tin tưởng vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường khách du lịch Ấn Độ trong thời gian tới.
Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình lạc quan về tiềm năng tăng trưởng nhanh của thị trường khách du lịch Mỹ nếu ngành du lịch Việt biết chớp cơ hội. Ông cho biết, hiện Mỹ mỗi năm có 95 triệu lượt khách du lịch ra nước ngoài, nhưng Việt Nam mới chỉ đón được 70.000 lượt khách, trong đó chủ yếu lại là Việt kiều về nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận