Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Trung Kiên - phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) - cho hay những ngày qua, ngành điện TP.HCM đã khắc phục các khiếm khuyết trên lưới điện đến nay đã ổn, đảm bảo cung cấp điện cho những ngày tới.
Tuy nhiên, ông Kiên khuyến cáo người dân và các tổ chức cần tiết kiệm điện tối đa trong giai đoạn này bởi nhìn chung, nguy cơ thiếu điện vẫn còn hiện hữu và ngành điện đang cố gắng xoay xở.
Ưu tiên tiết kiệm, vận động hợp tác
Ông Kiên cho hay trong bối cảnh tiêu thụ điện tăng, sẽ không khỏi nguy cơ xảy ra một số sự cố nhỏ, có thể dẫn đến nguy cơ mất điện (cúp điện) diện hẹp. Ngành điện đã chuẩn bị nhân lực, máy móc để nỗ lực khắc phục sớm hoặc huy động máy phát điện để cấp điện trở lại cho người dân.
Trong khi đó, đại diện Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cho biết đơn vị này đã làm việc với các doanh nghiệp sử dụng điện lớn để tăng cường các giải pháp về tiết kiệm điện và điều chỉnh phụ tải điện tự nguyện (DR).
Theo đó, các khách hàng sử dụng điện lớn, sản xuất công nghiệp sẽ đồng hành với ngành điện bằng cách điều chỉnh giờ sản xuất, hạn chế dùng điện nhiều trong các khung giờ cao điểm.
Đến ngày 19-5, toàn EVNSPC có 6.521 khách hàng có sản lượng điện tiêu thụ từ 1 triệu kWh/năm đã đăng ký tham gia chương trình.
Trong khi đó, EVN cũng được yêu cầu đảm bảo việc quản lý, bảo dưỡng các tổ máy, có lịch sửa chữa nguồn phù hợp, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nhiên liệu. Đặc biệt đẩy mạnh việc tiết kiệm điện, nhất là các khách hàng lớn cần giảm nhu cầu sử dụng vào giờ cao điểm để tránh lượng điện tiêu thụ tăng đột biến và các sự cố xảy ra.
Đề xuất nhường khí cho sản xuất điện
Để có nguồn khí phục vụ sản xuất điện, EVN đã có văn bản gửi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí và Công ty CP Phân bón dầu khí Cà Mau đề xuất nhường khí cho sản xuất điện.
Trong đó EVN cho rằng việc cung cấp nhiên liệu (than, dầu, khí) cho sản xuất điện không đáp ứng được yêu cầu vận hành, kết hợp sự cố kéo dài của một số tổ máy nhiệt điện gây thiếu hụt lượng lớn công suất nguồn điện.
Nguồn khí Đông Nam Bộ đang trên đà suy giảm mạnh trong những năm gần đây, lượng khí cấp cho sản xuất điện chỉ còn trung bình khoảng 13,5 - 14 triệu m3/ngày, trong khi nhu cầu cần trên 21 triệu m3/ngày.
Lượng khí Tây Nam Bộ cấp cho sản xuất điện cũng chỉ đạt trung bình khoảng 4 triệu m3/ngày, trong khi để vận hành tối đa của các nhà máy tuốc bin khí Cà Mau cần khoảng 6 triệu m3/ngày.
Theo dự báo, việc vận hành hệ thống điện trong các tháng cao điểm nắng nóng (5, 6 và 7) sẽ rất khó khăn, đặc biệt hệ thống điện miền Bắc phải đối mặt với tình trạng không đáp ứng được phụ tải đỉnh của hệ thống với công suất thiếu hụt lớn nhất khoảng từ 1.600 - 4.900MW.
Từ đó EVN đề nghị các công ty trên hỗ trợ, nhường khí cho sản xuất điện trong hai tháng cao điểm mùa khô (5 và 6). Trong đó, EVN đề xuất ngừng toàn bộ nhà máy đạm Cà Mau và đạm Phú Mỹ để nhường khí cho sản xuất đến hết tháng 5.
Còn ông Lê Đặng Xuân Tân - phó giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Nam - cho biết thời gian qua, các nhà máy nhiệt điện chạy dầu ở khu vực phía Nam đã phải tái khởi động để đảm bảo cung ứng điện giờ cao điểm. Trong đó, nhà máy điện chạy dầu tại Thủ Đức, Ô Môn, Cần Thơ, Cà Mau đã hoạt động và phát lên lưới sản lượng lớn.
Vay than, sửa chữa, bảo dưỡng phù hợp
Trong ba tháng đầu năm nay, nguồn điện được huy động chủ yếu vẫn là thủy điện và điện than (chiếm trên 70%). Tuy vậy, tình hình khô hạn gây thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng cho các hồ thủy điện khi đã có 13/47 hồ thủy điện lớn có mực nước đã về mực nước chết hoặc gần mực nước chết, sản lượng điện huy động từ nhà máy thủy điện giảm mạnh.
"Với lượng nước về các hồ thủy điện rất thấp và việc cung ứng nhiên liệu cho nhà máy nhiệt điện khó khăn, nhiều khả năng sẽ thiếu điện nghiêm trọng trong một số ngày sắp tới, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân", một chuyên gia chia sẻ.
Do vậy, EVN phải tăng huy động nguồn điện than từ mức trên 41% tháng 1 lên mức 45,3% vào tháng 3 và huy động tối đa các nguồn khác gồm nhiệt điện khí, năng lượng tái tạo. Tuy nhiên EVN không đủ nguồn than cho sản xuất điện ở một số nhà máy do lượng than cung cấp không theo kịp với nhu cầu huy động.
Đây cũng là lý do EVN vừa có văn bản gửi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Ban Quản lý dự án điện lực dầu khí sông Hậu 1 để "vay" than nhằm phục vụ cho sản xuất điện của nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 và Duyên Hải 3 mở rộng.
Theo EVN, nếu không có đủ nguồn than, nhà máy này có thể sẽ phải ngừng toàn bộ hoạt động trong vài ngày tới, hệ thống điện sẽ tiếp tục thiếu hụt khoảng 1.938MW.
Ông Trần Việt Hòa - cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương - cho hay đã yêu cầu EVN cập nhật liên tục diễn biến phụ tải, điều kiện vận hành hệ thống để đảm bảo cung cấp điện. Bộ cũng chỉ đạo các đơn vị cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện với tinh thần không để thiếu than, khí cho sản xuất điện.
Phân phối lại nguồn than
Trả lời Tuổi Trẻ, đại diện Tổng công ty Phát điện 1 (GENCO1) - đơn vị quản lý vận hành Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 - cho hay từ tháng 4-2023, do tình hình thủy văn tại các hồ thủy điện đều không tốt, khiến phụ tải tăng cao nên Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 được huy động.
Nhu cầu huy động thay đổi lớn so với kế hoạch, được thông báo trong thời gian ngắn, nên EVNGENCO1 phải thương thảo với các nhà cung cấp than, đôn đốc để chuyển than về sớm nhất.
Một đại diện của Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng cho hay theo kế hoạch đã được đàm phán với các nhà máy nhiệt điện từ cuối năm 2022, kế hoạch tiêu thụ than năm nay là 46,5 triệu tấn.
Trong bốn tháng đầu năm, TKV đã giao cho các nhà máy nhiệt điện 13,5 triệu tấn, tương đương 35% khối lượng hợp đồng đã ký. "Việc cấp than đạt tiến độ, thậm chí có một số nhà máy vượt tiến độ hợp đồng", vị này cho biết.
Tuy vậy, theo TKV, các bên sẽ làm việc trực tiếp để cân đối khối lượng, giảm khối lượng giao than cho một số nhà máy BOT và tăng khối lượng cho nhà máy của EVN, cấp bổ sung thêm 10.000 tấn/tháng/nhà máy.
Nhưng với nhu cầu than cho sản xuất điện tăng cao, trong khi khả năng sản xuất của TKV chưa tăng do các quy định liên quan đến khai thác nên các bộ, ngành liên quan cần có tháo gỡ kịp thời.
Yêu cầu hạn chế cúp điện ban đêm
Ngày 19-5, Sở Công Thương TP.HCM đã có văn bản yêu cầu đẩy mạnh việc tiết kiệm điện tại các đơn vị ở TP.HCM theo chỉ đạo của UBND TP tại công văn số 1993.
Trong đó, các sở Xây dựng, GD-ĐT, UBND TP Thủ Đức và các quận huyện đẩy mạnh việc tiết giảm công suất sử dụng điện đối với các hệ thống đèn chiếu sáng giao thông, chiếu sáng quảng cáo, trang trí và các cơ quan hành chính, sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý.
Đáng chú ý, Sở Công Thương sẽ phối hợp với các sở ngành liên quan và EVNHCMC tổ chức kiểm tra việc triển khai tiết kiệm điện của các nhóm này.
Ngoài ra, Sở Công Thương cũng yêu cầu EVNHCMC thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND TP về việc đảm bảo cung cấp điện cho các nơi dùng điện quan trọng theo thứ tự ưu tiên, trong đó yêu cầu hạn chế tối đa việc ngừng, giảm cung cấp điện vào ban đêm và thời gian cao điểm nắng nóng trong ngày nhằm tránh gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của các hộ gia đình, trừ những trường hợp bất khả kháng.
Đề xuất Thủ tướng có chỉ thị về tiết kiệm điện
Bộ Công Thương vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc ban hành chỉ thị tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo với mức 2%/năm khi nhấn mạnh nhu cầu điện vẫn ở mức cao với 8,5%.
Các mục tiêu cụ thể và giải pháp tiết kiệm điện được đề xuất như sau:
- Cơ quan, công sở phải tiết kiệm 5% tổng lượng điện tiêu thụ, huy động nguồn lực để lắp đặt, sử dụng hệ thống điện trên mái nhà, đun nước nóng từ năng lượng mặt trời.
- Chiếu sáng ngoài trời giảm tối thiểu 20% trên cơ sở áp dụng giải pháp quản lý, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ.
- Nhà hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ thương mại, tổ hợp văn phòng, tòa chung cư giảm tối thiểu 50% công suất chiếu sáng quảng cáo trang trí ngoài trời và cao điểm buổi tối.
- Các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch sản xuất hợp lý, hạn chế giờ cao điểm, tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo, cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm tiết kiệm ít nhất 2% điện năng tiêu thụ, tham gia điều chỉnh phụ tải...
- Các hộ gia đình sử dụng các thiết bị dán nhãn tiết kiệm năng lượng và tập thói quen sử dụng tiết kiệm.
Nóng nực nhưng phải sử dụng điện hợp lý
Theo Điện lực Hà Nội (EVNHANOI), việc ngưng cấp điện nhiều khu vực thời gian qua có nhiều lý do, nguyên nhân nhưng chủ yếu để thực hiện các hoạt động bảo dưỡng, sửa chữa theo định kỳ. Tuy nhiên vào những khung giờ cao điểm của hệ thống điện, vẫn tiềm ẩn nguy cơ quá tải cục bộ gây cúp điện.
Đơn vị này cho biết sản lượng điện sinh hoạt chiếm tỉ trọng trên 53% sản lượng điện của EVNHANOI, chính vì vậy lưới điện phân phối có thể xảy ra tình trạng quá tải trong cao điểm mùa nắng nóng do nhu cầu phụ tải tăng đột biến.
Đối với các hộ gia đình, thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng hoạt động và suy giảm hiệu suất của các thiết bị điện. Điều này dẫn tới những nguy cơ gây quá tải, sự cố, nhảy aptomat, thậm chí nguy cơ gây cháy nổ cũng sẽ tăng cao so với bình thường.
Vì vậy, ngoài việc sử dụng hợp lý điều hòa nhiệt độ, khách hàng cũng không nên sử dụng cùng lúc các thiết bị điện có công suất lớn để giảm thiểu nguy cơ quá tải của lưới điện, vừa đảm bảo hiệu quả sử dụng điện, vừa hạn chế tình trạng hóa đơn tiền điện tăng đột biến.
N.AN
Miền Trung chưa cúp điện luân phiên
Ngày 19-5, đại diện Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) cho biết đến thời điểm này 13 tỉnh thành tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên vẫn chưa phải cúp điện luân phiên. Tuy nhiên tình hình cung ứng điện những tháng mùa khô sắp tới sẽ rất căng thẳng do mực nước thủy điện hiện đã xuống rất thấp.
Để đảm bảo cấp điện mùa khô, EVNCPC cho biết đã triển khai nhiều giải pháp. Trong đó có việc tăng cường áp dụng công nghệ sửa chữa điện nóng để hạn chế tối đa gián đoạn cung cấp điện phục vụ người dân.
Đồng thời chỉ đạo các đơn vị khi có công tác sửa chữa, bảo dưỡng, thi công các công trình lưới điện phải bố trí thời gian cắt điện phù hợp. Đơn vị cũng khuyến cáo với các thiết bị tiêu thụ điện năng lớn như điều hòa cần sử dụng hợp lý 26 - 27OC trở lên, kết hợp quạt, không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn.
TR.TRUNG
Theo dõi lịch cúp điện trên app
Hiện nay lịch cắt điện do sự cố, theo kế hoạch cũng như thông tin tiêu thụ điện, hóa đơn tiền điện, theo dõi sản lượng điện dùng mỗi ngày, so sánh với các tháng trước, cùng kỳ năm ngoái... đều được ngành điện cập nhật đầy đủ trên nhiều app của ngành điện.
Do đó người dân có thể tải app (EVNHCMC CSKH đối với khách hàng tại TP.HCM) để chủ động theo dõi các thông tin và điều tiết mức dùng điện của gia đình.
Còn đối với các địa phương khác, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết người dân có thể tải app của Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI), miền Bắc (EVNNPC CSKH), miền Trung (EVNCPC CSKH), miền Nam (CSKH EVN SPC) theo địa bàn đăng ký công tơ để theo dõi các thông tin.
N.HIỂN
Khắc phục cảnh một đêm cúp điện 3 - 4 lần
Khoảng một tháng qua, rất nhiều bạn đọc tại TP Mỹ Tho (Tiền Giang) gọi điện đến số điện thoại nóng của báo Tuổi Trẻ để phản ảnh tình trạng cúp điện đột ngột 3 - 4 lần giữa đêm. Khi người dân gọi phản ảnh vào đường dây nóng của điện lực thì nghe những lời giải thích rất chung chung.
Ông Trần Nguyên Khoa - giám đốc Điện lực Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) - cho hay thời gian qua do trời nóng, nhu cầu sử dụng điện cao nên bị quá tải dẫn đến tình trạng tự ngắt cầu dao.
"Hiện nay chúng tôi đã khắc phục cơ bản tình trạng nói trên", ông Khoa nói.
M.TRƯỜNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận