Tại kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh Tiền Giang khóa X diễn ra ngày 19-7, đại biểu Lê Thị Thanh Nhàn chất vấn ngành điện lực về thực trạng bị cúp điện, thiếu điện liên tục xảy ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.
Theo đại biểu Nhàn, trong thời gian qua cử tri tỉnh Tiền Giang ở các đô thị lẫn vùng nông thôn rất bức xúc trước tình trạng cúp điện không thông báo trước gây xáo trộn đời sống người dân và ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của địa phương.
Trả lời chất vấn, ông Lê Hữu Đức - giám đốc Công ty Điện lực Tiền Giang, thừa nhận có chuyện đó đồng thời giải thích nguyên nhân chính là do máy biến áp bị quá tải.
Ông Đức nêu thực trạng trong những năm gần đây, ở khu vực nông thôn người dân chuyển đổi diện tích đất lúa sang trồng cây ăn trái ngày càng nhiều, cùng với tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến thời tiết khô hạn, xâm nhập mặn làm cho nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng cao.
Ông Đức dẫn chứng một ví dụ điển hình về việc sử dụng điện không tiết kiệm xảy ra khá phổ biến trong thời gian qua.
"Qua khảo sát, người dân có tâm lý đầu tư một lần. Ví dụ nhu cầu sử dụng máy bơm để tưới tiêu chỉ cần máy khoảng 2 ngựa nhưng người dân sẽ mua máy 4, 5 ngựa để sử dụng.
Bên cạnh đó, người dân mua sắm máy lạnh rất nhiều, sử dụng cùng lúc nhiều thiết bị điện khiến quá tải cục bộ một số máy biến áp", ông Đức nêu.
Ông Đức cho biết khi lắp máy biến áp, ngành điện chỉ cho phép chịu tải khoảng 70% công suất để khi có bị quá tải thì máy biến áp có thể chịu tải lên được 120%.
"Tức là đã dự phòng khoảng 50% rồi. Tuy nhiên trên thực thế, trong mùa khô 2023-2024 vừa qua có những khu vực quá tải lên 200%".
Ông Đức cho biết thêm hiện nay trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, Công ty Điện lực Tiền Giang đang quản lý 4.000km đường dây trung thế, 10.000km đường dây hạ thế, 18.159 trạm biến áp.
"Với khối lượng như vậy thì lưới điện đã phủ kín địa bàn tỉnh Tiền Giang, và đảm bảo cung cấp điện cho người dân sinh hoạt, sản xuất, tưới tiêu", ông Đức nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận