27/11/2024 14:07 GMT+7

'Ngành điện ảnh phải tìm cách tự cứu mình trước khi chờ được cứu'

Điện ảnh Việt Nam đang phát triển trong bối cảnh nhiều thuận lợi nhưng cũng lắm khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực và sáng tạo nhiều hơn nữa của đội ngũ nghệ sĩ, nhà sản xuất, đạo diễn để ‘vượt khó’.

'Đây là thời điểm cần nghĩ thật, nói thật, làm thật cho lĩnh vực văn hóa' - Ảnh 1.

TS Ngô Phương Lan phát biểu - Ảnh: BTC

Phát biểu tại Đại hội Hiệp hội xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam nhiệm kỳ II (2024 - 2029) diễn ra sáng 27-11 tại Hà Nội, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, nói "đây là thời điểm chúng ta cần nghĩ thật, nói thật, làm thật cho lĩnh vực văn hóa, trong đó có điện ảnh".

TS Ngô Phương Lan, chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam (VFDA) cũng cho biết đại hội là dịp để tổng kết những kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ I vừa qua, đề ra những nhiệm vụ và mục tiêu mới, nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của công nghiệp điện ảnh và nâng tầm điện ảnh Việt Nam trên bản đồ quốc tế.

Điện ảnh Việt Nam nhiều thuận lợi cũng lắm khó khăn

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng VFDA là một hiệp hội nghề nghiệp trẻ nhưng đã làm được rất nhiều điều "kỳ tích", không phải hiệp hội nào cũng làm được. Trong đó không thể không nhắc tới dấu ấn Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng (DANAFF) mà hiệp hội này sáng lập, tổ chức rất thành công qua hai kỳ.

Ông Sơn nói "văn hóa nói chung và điện ảnh nói riêng đang phát triển trong bối cảnh nhiều thuận lợi nhưng cũng lắm khó khăn".

Trong đó có những khó khăn đến từ sự cạnh tranh khốc liệt của các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật nước ngoài. 

Thị hiếu và yêu cầu của công chúng ngày càng cao, đòi hỏi những người làm văn hóa, nghệ thuật phải nỗ lực rất nhiều.

"Đặc biệt là điện ảnh, không ít người nghĩ đây là lĩnh vực thuộc về giải trí, có cũng được, không có cũng được.

Thời gian tới, không chỉ VFDA mà ngành điện ảnh nói chung, phải cố gắng hơn nữa, tập trung sáng tạo, tìm cách tự cứu mình trước khi chờ được cứu", ông Bùi Hoài Sơn tâm tư.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn đề cập "một tin buồn và một tin vui". Buồn vì chính thức áp dụng thuế 10% với lĩnh vực văn hóa, trong đó có điện ảnh. Nhưng vui vì Quốc hội vừa mới thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

"Đây là một tin rất vui, cũng là điểm nhấn của năm nay, hy vọng văn hóa sẽ có thêm nguồn lực để phát triển trong thời gian tới", ông nói.

Theo ông Sơn, đây là thời điểm chúng ta "cần nghĩ thật, nói thật, làm thật cho lĩnh vực văn hóa, trong đó có điện ảnh. Trong đó toàn xã hội, đặc biệt là đội ngũ làm văn hóa, nghệ thuật được hưởng lợi thật".

'Đây là thời điểm cần nghĩ thật, nói thật, làm thật cho lĩnh vực văn hóa' - Ảnh 3.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ - Ảnh: BTC

Quan tâm hơn tới phim nghệ thuật, nhà làm phim trẻ

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh kể trước đổi mới, khi dự một sự kiện điện ảnh ở nước ngoài, nghe ông chia sẻ ở Việt Nam, nhà sản xuất phim và nhà phát hành phim duy nhất ở Việt Nam là nhà nước, bạn bè quốc tế rất bất ngờ.

Nhưng sau đổi mới, điện ảnh Việt Nam bắt đầu phát triển theo "thông lệ" của điện ảnh thế giới, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của những cá nhân, tổ chức yêu điện ảnh.

"Ngoài sáng lập và tổ chức DANAFF qua hai kỳ thành công, chuyên nghiệp, uy tín, hiệp hội cũng đã bắc một cái cầu giúp các địa phương quảng bá du lịch qua điện ảnh, và ngược lại giúp các nhà làm phim tiếp xúc được những bối cảnh đẹp", đạo diễn nói.

Nhà làm phim gạo cội của điện ảnh Việt Nam dành lời khen cho những nhà làm phim trẻ, tác giả những phim nghệ thuật gây tiếng vang, đoạt giải cao ở các liên hoan phim quốc tế hàng đầu thời gian qua (Bên trong tổ kén vàng, Cu li không bao giờ khóc, Mưa trên cánh bướm).

"Mong chúng ta quan tâm hơn tới phim nghệ thuật và lực lượng làm phim trẻ. Mong điện ảnh Việt Nam phát triển đa dạng hơn nữa, đáp ứng nhu cầu phong phú của khán giả", NSND Đặng Nhật Minh nói.

5 năm qua, VFDA đã đạt một số thành tựu nổi bật. Ngoài sáng lập và phối hợp với UBND TP Đà Nẵng tổ chức thành công DANAFF; công bố sáng kiến Bộ chỉ số PAI (Production Attraction Index), VFDA còn triển khai nhiều hội thảo và tọa đàm quan trọng, tạo ra diễn đàn đối thoại giữa các nhà làm phim, nghệ sĩ, chuyên gia Việt Nam và quốc tế.

Ngoài ra hiệp hội cũng đã có những hoạt động quảng bá điện ảnh Việt Nam trên trường quốc tế, phát triển tài năng trẻ và sáng kiến vì cộng đồng, mở rộng mạng lưới hợp tác chiến lược với các địa phương, tạo tiền đề phát triển bền vững cho ngành công nghiệp điện ảnh và văn hóa Việt Nam.

'Đây là thời điểm cần nghĩ thật, nói thật, làm thật cho lĩnh vực văn hóa' - Ảnh 2.Đẩy mạnh ngoại giao văn hóa: 'Quyền lực mềm' lớn mạnh, lan tỏa

Tổng thống Philippines thưởng thức phong vị Tết Việt ở Hoàng thành Thăng Long, Tổng thống Đức tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám, uống cà phê trong ngõ Hà Nội là 2 sự kiện mới nhất trong chuỗi hoạt động ngoại giao văn hóa tạo dấu ấn trong năm Quý Mão.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên