Nhận định trên được ông Nguyễn Nam Hải, chủ tịch Hiệp hội Cà phê - cao ca (Vicofa), đưa ra tại Hội nghị tổng kết niên vụ cà phê 2022-2023 và phương hướng 2023-2024 diễn ra vào chiều 10-11.
Theo ông Hải, niên vụ 2022-2023 (tháng 10-2022 đến 9-2023), xuất khẩu cà phê Việt Nam đạt 4,08 tỉ USD, cao nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều chỉ tiêu đòi hỏi phải nỗ lực.
Cụ thể, tỉ lệ xuất khẩu cà phê nguyên liệu vẫn còn cao, sản phẩm chế biến (cà phê rang xay, cà phê hòa tan…) tuy có tăng nhưng mới chỉ chiếm gần 13%; tiêu thụ nội địa vẫn ở mức thấp, khoảng 2,2 kg/người/năm, chưa xứng tầm nước sản xuất cà phê lớn thứ 2 thế giới.
Đặc biệt, để phát triển cà phê bền vững gắn với tăng trưởng xanh cần phải có chương trình hành động cụ thể.
"Trước tiên, ngành cà phê phải có kế hoạch hành động thích ứng với quy định chống phá rừng và gây suy thoái rừng (EUDR), Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) và chứng chỉ carbon của Liên minh Châu Âu (EU) vừa ban hành.
Trong đó, EUDR quy định cà phê, ca cao không được nhập vào EU nếu được trồng trên diện tích đất phá rừng (lấy mốc từ 31-12-2020)", ông Hải nói.
Đồng quan điểm đó, bà Trần Quỳnh Chi, giám đốc khu vực cảnh quan Châu Á - Tổ chức IDH - cho rằng cà phê Việt Nam có thể ít có nguy cơ trồng trên diện tích phá rừng nhưng việc đáp ứng giấy tờ, thủ tục để chứng minh theo quy định của EU không hề đơn giản.
Thậm chí, những phần diện tích cà phê trồng trên đất chưa được cấp sổ đỏ sẽ khó chứng minh được tính hợp pháp khi nhập khẩu vào EU nên cần phải tìm ra hướng giải quyết.
"Quy định này của EU không chỉ áp dụng riêng cho cà phê, mà mang tính chất bao trùm, nhiều ngành như cao su, hồ tiêu, điều, đồ gỗ.... Theo đó, rủi ro, vi phạm của một ngành hàng này trực tiếp tác động tới toàn bộ ngành hàng khác. Do đó, chúng ta cần hành động sớm, và trên phạm vi rộng", bà Chi nhận định.
Ông Đỗ Hà Nam, chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Intimex, cũng cho rằng các quy định trên sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của ngành, nhưng khi Việt Nam đáp ứng được thì giá chắc chắn sẽ tăng và mức tăng không dưới 20 USD/tấn.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc để thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với các quy định thế giới, ngành cà phê cần sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ ngành, cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương, các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp.
Theo Vicofa, kết thúc niên vụ 2022-2023, xuất khẩu cà phê Việt Nam đạt 1,66 triệu tấn (hơn 27,7 triệu bao, 60kg/bao), giảm 4,5% so với niên vụ trước.
Tuy nhiên, kim ngạch thu về tăng 3,4% lên mức 4,08 tỉ USD (mức cao nhất từ trước đến nay). Kết quả này đạt được chủ yếu nhờ giá cao phê nhiều tháng qua ở mức cao kỷ lục, từ 60.000-70.000 đồng/kg.
Ông Đỗ Hà Nam cho biết Indonesia luôn bán cà phê nguyên liệu với giá cao nhất thế giới bởi họ có trụ đỡ là ngành chế biến cà phê (chiếm 50% sản lượng sản xuất). Việt Nam có sản lượng cà phê nhiều hơn Indonesia 3-4 lần nhưng tiêu thụ nội địa chỉ bằng một nửa vì chế biến ít.
"Chế biến cà phê cần vốn lớn, công nghệ, thương hiệu... Tín hiệu tích cực là từ khi có Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA), nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng đầu tư vào chế biến cà phê, góp phần nâng nhanh tỉ lệ cà phê chế biến xuất khẩu".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận