Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng nói với Tuổi Trẻ trong cuộc trao đổi đầu năm 2024. Ông cho biết Chính phủ đã, đang và tiếp tục tạo mọi thuận lợi để các tập đoàn bán dẫn hàng đầu thế giới đến VN đầu tư, qua đó từng bước định hình sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn trong nước, đưa VN vượt lên để trở thành một nước phát triển.
Việt Nam ngày càng hấp dẫn...
* Thưa bộ trưởng, năm qua Bộ KH&ĐT đã làm việc với nhiều tập đoàn bán dẫn hàng đầu thế giới để mời họ đầu tư, hợp tác với VN, vậy ông có thể chia sẻ những kết quả đã đạt được và kế hoạch trong những năm tới?
- Thời gian qua, có nhiều DN công nghệ lớn trên thế giới hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) để triển khai nhiều chương trình, hoạt động đổi mới sáng tạo, hỗ trợ DN chuyển đổi số và đào tạo phát triển nguồn nhân lực số như Google, Meta, Siemens, Hitachi...
Trong năm 2023, thông qua các hoạt động tiếp xúc, trao đổi đoàn các cấp, Bộ KH&ĐT đã chủ động đề xuất hợp tác, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực đổi mới sáng tạo với các DN hàng đầu trên thế giới. Thông qua đó, nhiều tập đoàn lớn như John Cockerill, Synopsys, Cadence đã ký các thỏa thuận hợp tác với NIC.
Tại triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023, các cơ sở đổi mới sáng tạo và trung tâm ươm tạo thiết kế chip bán dẫn của các DN công nghệ lớn như Samsung, Synopsys đã được khai trương tại NIC Hòa Lạc.
Cùng với đó, triển lãm cũng quy tụ hàng trăm doanh nghiệp và tập đoàn công nghệ lớn tham gia, đặc biệt là các tập đoàn quốc tế lớn như SK, Samsung, Google, Meta, SpaceX, John Cockerill, Synopsys, Cadence, VISA... Điều này cho thấy VN ngày càng trở nên hấp dẫn đối với các tập đoàn công nghệ trên thế giới.
Những tháng cuối năm 2023, những DN hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn như Nvidia, các thành viên Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (Intel, Qualcomm, Ampere, ARM, Synopsys, Infineon) cũng đến làm việc với Bộ KH&ĐT để tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh, mở rộng thị trường hoạt động tại VN thông qua hợp tác với NIC và các DN trong nước.
Trên cơ sở những kết quả hợp tác, Bộ KH&ĐT đang chỉ đạo NIC tập trung triển khai các nội dung hợp tác đã thống nhất với các đối tác lớn, đồng thời chủ động tìm kiếm, thúc đẩy hợp tác với các đối tác hàng đầu thế giới trong những lĩnh vực trọng tâm để thiết lập hoạt động tại các cơ sở hoạt động của NIC, đặc biệt là cơ sở NIC Hòa Lạc.
Từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng dựa nhiều hơn vào các động lực mới như kinh tế số, khoa học công nghệ, chip bán dẫn, năng lượng tái tạo, hydrogen...
* Ngành bán dẫn đang mở ra cơ hội lớn cho VN, nhưng theo ông, liệu có thách thức khi vốn đầu tư nhà máy sản xuất chip bán dẫn lên tới cả chục tỉ USD? Chúng ta có thể bắt đầu từ đâu, vai trò hỗ trợ, đồng hành của Chính phủ với DN như thế nào?
- Trong bối cảnh các chuỗi giá trị bán dẫn dần dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á, VN có đầy đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn như hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn, nguồn nhân lực kỹ thuật - công nghệ dồi dào, cơ sở hạ tầng số ngày càng phát triển.
Chính phủ quyết tâm cao trong việc theo đuổi phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, đã và đang thu hút ngày càng nhiều tập đoàn lớn trong ngành này đến VN. Nhiều tập đoàn lớn trong ngành điện tử, bán dẫn đã hiện diện và có kế hoạch mở rộng đầu tư tại VN như Intel, Samsung, Synopsys, Qualcomm, Infineon, Amkor... Điều này minh chứng cho vai trò then chốt và ngày càng quan trọng của VN trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Theo nghiên cứu của Tập đoàn tư vấn Boston (BCG), giai đoạn 2001 - 2021, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu tăng trưởng 13% mỗi năm, đạt quy mô khoảng 600 tỉ USD. Ngành bán dẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt quy mô khoảng 1.000 tỉ USD vào năm 2030. Các nền kinh tế lớn nhất thế giới như Mỹ, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc và Nhật Bản đều công bố các kế hoạch trợ cấp cho ngành sản xuất chất bán dẫn, tạo nên thế cạnh tranh trong ngành công nghệ thế giới.
Ngành công nghiệp này đang mở ra nhiều cơ hội cho tất cả các quốc gia, trong đó có VN, cụ thể các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, xe tự lái, Internet of Things (IoT) ngày càng phát triển, nhu cầu về linh kiện bán dẫn cũng ngày càng lớn. Bên cạnh đó, sản xuất chip có thể tạo ra cơ hội xuất khẩu lớn, đặc biệt khi nhiều quốc gia đang tìm kiếm nguồn cung cấp an toàn và độc lập trong lĩnh vực bán dẫn.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp bán dẫn cũng đặt ra các thách thức cho các DN và chính phủ các nước. Đó là chi phí đầu tư cao, mức đầu tư cho sản xuất chip rất lớn, đòi hỏi cơ sở hạ tầng đặc biệt và các dây chuyền sản xuất phức tạp.
Trong thực tế, việc xây dựng một xưởng đúc chip có thể tiêu tốn tới 50 tỉ USD. Cạnh tranh quốc tế trong ngành công nghiệp bán dẫn cũng rất cao, đặc biệt các nước như Trung Quốc, Mỹ và châu Âu. Những quốc gia/khu vực này đã công bố kế hoạch cho lĩnh vực chip của mình từ 50 - 150 tỉ USD.
Ngoài ra, thách thức về công nghệ, sự phức tạp ngày càng tăng của công nghệ bán dẫn đòi hỏi sự đầu tư lớn vào nghiên cứu và phát triển (R&D) để duy trì sự cạnh tranh. Yêu cầu về đội ngũ nhân sự chất lượng cao rất lớn, trong khi chất lượng nguồn nhân lực của VN mới chỉ đang dừng ở giai đoạn đầu, kỹ năng và trình độ chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của các DN.
Ngành công nghiệp bán dẫn đã xuất hiện ở VN từ nhiều năm qua nhưng chúng ta chưa có chiến lược phát triển mang tầm quốc gia. Vì vậy, lĩnh vực này ở nước ta vẫn còn khá sơ khai, chưa có sự tham gia sâu của DN nội địa, chủ yếu là DN nước ngoài tham gia.
Để ngành công nghiệp bán dẫn ở nước ta phát triển xứng tầm với các lợi thế sẵn có, Bộ KH&ĐT đang tập trung vào các nội dung sau để từng bước hình thành ngành công nghiệp cao này.
Đó là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, với việc xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đến năm 2030. Đề án sẽ làm rõ bức tranh toàn cảnh về nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn của VN đến năm 2030 với mục tiêu đào tạo được 50.000 nhân lực trong ngành công nghiệp bán dẫn. Nguồn nhân lực này sẽ cung cấp đủ nhân lực cho các DN bán dẫn trong nước và xuất khẩu sang các thị trường phát triển khác.
Xây dựng cơ chế và chính sách riêng để thu hút và tận dụng sự đầu tư từ nước ngoài, theo nghị định 94 dành riêng cho NIC đã được Chính phủ ban hành vào năm 2020 đã đưa ra các chính sách và mức độ ưu đãi cho các DN trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của NIC. Trong đó có ưu đãi cho các DN bán dẫn khi gia nhập đầu tư vào thị trường VN.
Cụ thể DN được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 30 năm kể từ năm đầu tiên có doanh thu, miễn thuế trong 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp không quá 9 năm tiếp theo kể từ khi có thu nhập chịu thuế; được miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất trong thời hạn 5 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất...
Đầu tư xây dựng các trung tâm R&D, qua đó tạo môi trường thuận lợi cho các nhà nghiên cứu, DN của VN tiếp cận các công nghệ mới. Trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, NIC đã ký biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Cadence và Đại học bang Arizona (ASU) để hình thành trung tâm ươm tạo, nghiên cứu thiết kế vi mạch tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn
* Theo bộ trưởng, chúng ta cần làm những gì để đạt được mục tiêu nhiều tham vọng là đào tạo 50.000 kỹ sư cho ngành công nghiệp bán dẫn trong những năm tới?
- Đây là quyết sách đúng đắn, quan trọng, mang tính quyết định nhằm tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Trong đó, Chính phủ đang giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn với mục tiêu đào tạo, phát triển 50.000 nhân lực cho ngành đến năm 2030.
Để tạo đà cho việc triển khai đề án này, Bộ KH&ĐT đã giao NIC ký thỏa thuận hợp tác với hai tập đoàn lớn nhất của Mỹ về thiết kế chip là Synopsys và Cadence để hợp tác trong việc thành lập các trung tâm nghiên cứu, ươm tạo thiết kế vi mạch bán dẫn; phối hợp với hơn 30 trường đại học, viện nghiên cứu lớn trong nước và quốc tế để triển khai các chương trình đào tạo nguồn nhân lực.
Đồng thời NIC đã phối hợp với Công ty SunEdu, Đại học bang Arizona và Tập đoàn Cadence để tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch dành cho giảng viên, kỹ sư muốn nâng cao chuyên môn tại các cơ sở của NIC.
Chương trình Thách thức đổi mới sáng tạo VN nằm trong khuôn khổ Sáng kiến đổi mới sáng tạo VN do Bộ KH&ĐT chủ trì, được NIC và Tập đoàn Meta đồng tổ chức nhằm tìm kiếm các giải pháp đổi mới sáng tạo từ các tổ chức/cá nhân trên toàn thế giới để giải quyết những thách thức quan trọng tầm quốc gia, hướng đến một VN phát triển thịnh vượng và bền vững. Chủ đề của chương trình năm 2024 là "Đổi mới sáng tạo cùng DN thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn và sản xuất thông minh chinh phục thị trường toàn cầu".
Đề án cũng sẽ đảm bảo đầu ra của nguồn nhân lực bán dẫn tương lai được tiếp xúc với nhu cầu nhân sự và hỗ trợ phát triển DN thông qua các chương trình hỗ trợ kỹ sư làm việc trong và ngoài nước, hỗ trợ khởi nghiệp, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ trao đổi học tập và ưu tiên sử dụng sản phẩm hàng có tỉ lệ nội địa hóa cao.
Đồng thời tạo lập cơ chế tài chính vững vàng để đáp ứng nhu cầu kinh phí dự án dựa trên các nguồn ngân sách, từ xã hội hóa, tài trợ quốc tế và nguồn thu hợp pháp để bố trí kinh phí hợp lý cho các chương trình đào tạo, cấp học bổng và các tổ chức đào tạo.
* Ông nhận định thế nào về triển vọng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của VN trong tương lai?
- Việc tổng thống Mỹ cam kết và ủng hộ VN tham gia chuỗi giá trị công nghệ cao toàn cầu và vào ngành chip, bán dẫn đã mở ra cơ hội lớn cho chúng ta gia nhập mạng lưới sản xuất có giá trị cao của thế giới.
Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong ngành điện tử, bán dẫn đã hiện diện và đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại VN như Intel, Samsung, Synopsys, Qualcomm, Infineon, Amkor... Điều này minh chứng cho vai trò then chốt và ngày càng quan trọng của VN trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Thời gian qua, Bộ KH&ĐT thông qua NIC đã ký hợp tác với hai tập đoàn lớn nhất của Mỹ về thiết kế chip là Sypnosyps và Cadence để hợp tác trong việc thành lập các trung tâm nghiên cứu, ươm tạo thiết kế vi mạch bán dẫn. Đồng thời phối hợp với hơn 30 trường đại học, viện nghiên cứu lớn trong nước và quốc tế để triển khai các chương trình đào tạo nguồn nhân lực, phối hợp với các viện nghiên cứu lớn của Hàn Quốc, Đài Loan để đặt các văn phòng đại diện, văn phòng nghiên cứu tại NIC.
Chính phủ đã, đang và sẽ nỗ lực chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư trong ngành bán dẫn. Trong tương lai không xa, chúng tôi tin tưởng VN sẽ trở thành một đối tác tin cậy và là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu.
Hỗ trợ DN trong nước tham gia chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu
Thời gian qua, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), thuộc Bộ KH&ĐT đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ DN chuyển đổi số, cung cấp nguồn lực hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, cũng như kết nối DN với các thành tố khác trong hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Trong thời gian tới, NIC sẽ tập trung hỗ trợ các DN trong tám lĩnh vực: đô thị thông minh, nhà máy thông minh, an ninh mạng, nội dung số, công nghệ môi trường, công nghệ y tế, công nghiệp bán dẫn và công nghệ hydrogen xanh.
Đặc biệt, NIC sẽ ưu tiên nguồn lực để hỗ trợ DN từng bước tham gia chuỗi giá trị trong ngành công nghiệp bán dẫn. Các cơ sở hoạt động hiện có của NIC sẽ cung cấp các khu thử nghiệm dành cho DN công nghệ theo mô hình tiên tiến của thế giới.
Bên cạnh đó, trung tâm tiếp tục phối hợp với các đối tác để triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ, tư vấn, kết nối nhằm hỗ trợ DN nâng cao năng lực công nghệ, chuyển đổi số...
Bộ KH&ĐT cũng đang nghiên cứu, báo cáo Chính phủ và Thủ tướng sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách đặc biệt, có tính đột phá đối với NIC để hỗ trợ tốt hơn nữa hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Các trường đại học chạy đua đào tạo nhân lực vi mạch
Việt Nam đang đặt chân vào thị trường thiết kế vi mạch với cuộc đua bắt đầu từ việc nghiên cứu và đào tạo nhân lực.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) - cho biết: "Hiện số nhân lực thiết kế vi mạch có khoảng 5.000 người, nhu cầu mỗi năm tăng 10 - 15%. Trong đó chủ yếu là kỹ sư thiết kế, kiểm thử, khoảng 30% trong số này có trình độ sau đại học. Dự kiến thời gian tới, nhu cầu nhân lực ngành này sẽ tăng hơn. Để đón đầu xu hướng này, việc chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao vô cùng quan trọng. Nhiều cơ sở đào tạo đang chuẩn bị sẵn sàng cho việc này".
Trong khi đó, TS Nguyễn Tấn Trần Minh Khang - phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cũng cho biết hiện tại TP.HCM đã có hàng chục công ty FDI 100% vốn nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực thiết kế vi mạch đến từ Nhật Bản, Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore... với nhân sự hơn 5.000 kỹ sư và chuyên gia về thiết kế vi mạch. Theo khảo sát từ các doanh nghiệp thiết kế vi mạch, nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này trong thời gian tới tại Việt Nam là khoảng 1.000 kỹ sư/năm.
Ban đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM cho hay đại học này đang hướng đến việc xây dựng chương trình đào tạo khoảng 1.000 kỹ sư thiết kế vi mạch trong 5 năm ở bậc đại học và sau đại học, nhằm góp phần tăng cường nhân lực cho ngành này. Khung chương trình đào tạo sẽ gồm các khóa chuyên sâu, cấp tốc và hợp tác với doanh nghiệp.
Năm nay, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ chính thức triển khai đào tạo ngành thiết kế vi mạch bán dẫn ở ba trường: Trường ĐH Khoa học tự nhiên, Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Công nghệ thông tin (xét tuyển 150 chỉ tiêu với hai tổ hợp môn xét tuyển A00 và A01).
Các trường thuộc ĐH Đà Nẵng sẽ tuyển sinh gần 200 chỉ tiêu cho chuyên ngành đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn trong năm 2024, cụ thể: Trường ĐH Bách khoa 100 chỉ tiêu, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật 50 chỉ tiêu, Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn 40 chỉ tiêu.
Ngoài ra, nhiều trường cũng đã công bố tuyển sinh ngành thiết kế vi mạch trong năm nay như ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Trường ĐH FPT, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, Trường ĐH Phenikaa...
Mỹ muốn hỗ trợ ngành bán dẫn Việt Nam ra sao?
Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ Việt Nam - Mỹ tháng 9-2023 đã nhấn mạnh tiềm năng to lớn của Việt Nam trong việc trở thành "quốc gia chủ chốt" trong ngành công nghiệp bán dẫn. Mỹ khẳng định cam kết tăng cường hỗ trợ Việt Nam đào tạo và phát triển nhân lực công nghệ cao.
Qua hơn 4 tháng, nhiều bước đi đã được thực hiện để triển khai tuyên bố trên, với những chuyến công tác và các sáng kiến cụ thể. Gần đây nhất, vào cuối tháng 1-2024, Thứ trưởng ngoại giao Mỹ phụ trách năng lượng, tăng trưởng kinh tế và môi trường Jose W. Fernandez đã có chuyến thăm đến Việt Nam.
Trong cuộc gặp với báo chí vào cuối chuyến thăm, ông Fernandez cho biết mục đích của chuyến đi nhằm tăng cường các cơ hội thương mại, chuyển đổi năng lượng sạch, hợp tác về chất bán dẫn và chuỗi cung ứng giữa hai nước.
Khi được hỏi liệu Mỹ có thể hỗ trợ gì cho Việt Nam trong bài toán thiếu lao động công nghệ cao, ông Fernandez cho biết Việt Nam là một trong bảy quốc gia được Bộ Ngoại giao Mỹ hướng đến trong khuôn khổ Quỹ An ninh công nghệ quốc tế và đổi mới sáng tạo (ITSI). Việt Nam, theo ông Fernandez, cũng đang đối mặt với một vấn đề không chỉ ở Việt Nam mà tại nhiều quốc gia khác là phát triển lực lượng lao động.
"Ngay cả ở Mỹ, các công ty cũng đang nói với chúng tôi rằng họ cần nhiều lao động có trình độ hơn để đầu tư vào các quốc gia này", ông Fernandez nêu vấn đề.
Do đó, thông qua Quỹ ITSI, Mỹ hy vọng sẽ hỗ trợ các quốc gia như Việt Nam phát triển lực lượng lao động công nghệ cao. "Chúng tôi đang nhận được yêu cầu từ các công ty Mỹ và các nước khác về việc tìm cách tạo cơ hội tại Việt Nam", ông Fernandez chia sẻ.
Thứ trưởng ngoại giao Mỹ cũng cho hay trong vài tháng tới sẽ có khuyến nghị từ Tổ chức OECD về cách Mỹ có thể hỗ trợ việc tạo ra chuỗi cung ứng quốc tế tại Việt Nam cho chất bán dẫn. Khi đó, Mỹ sẽ bắt đầu đưa ra khuyến nghị cho Việt Nam. Ngoài lao động, năng lượng sạch cũng là vấn đề mà, theo ông Fernandez, Việt Nam cũng cần chú ý.
Ông cho biết một số công ty bán dẫn của Mỹ và các nước khác đang muốn đầu tư vào Việt Nam đã đưa ra cam kết với các cổ đông và khách hàng rằng họ sẽ sử dụng năng lượng tái tạo. 15 công ty, bao gồm các doanh nghiệp bán dẫn, đã thể hiện mong muốn và cam kết sẵn sàng đầu tư ít nhất 8 tỉ USD vào Việt Nam nếu hệ thống năng lượng sạch phát triển.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận